Con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình
Bà Bùi Thị Tuyết (Mai Châu – Hoà Bình) hỏi: Tôi nuôi con nuôi từ khi cháu mới sinh ra, năm nay đã 15 tuổi. Nhiều lần cháu hỏi tôi về nguồn gốc cha mẹ của mình, nhưng tôi sợ khi nói ra sự thật cháu sẽ tìm về với cội nguồn của mình mà bỏ cha mẹ nuôi. Vậy tôi phải làm sao?
- Theo quy định của pháp luật (Điều 11 Luật Nuôi con nuôi ) thì: Con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình. Không ai được cản trở con nuôi được biết về nguồn gốc của mình.
Còn xét về đạo lý thì con nuôi biết được cội nguồn của mình cũng là một điều tốt và tin rằng với công dưỡng dục của cha mẹ nuôi, rất hiếm có trường hợp nào con nuôi lại từ bỏ cha mẹ nuôi nên luật pháp quy định như trên là hoàn toàn có cơ sở.
Đương sự được sao chụp tài liệu vụ án? Bà Mai Thanh Vân (Vị Thanh – Hậu Giang) hỏi: Tôi là nguyên đơn trong vụ kiện chia thừa kế. Theo thông tin được biết: bị đơn và những người có liên quan đã giả mạo chữ ký, cung cấp chứng cứ không đúng sự thực cho Toà. Vậy tôi có quyền xem hồ sơ của vụ án trước khi mở phiên toà xét xử không? - Đương sự chỉ được yêu cầu ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án trước khi Toà án mở phiên toà xét xử vụ án. Khi yêu cầu ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ, thì họ phải làm đơn gửi đến Toà án có thẩm quyền. Đơn yêu cầu phải ghi cụ thể các tên tài liệu, chứng cứ mà mình cần ghi chép, sao chụp. Toà án chỉ cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án, không liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư (Khoản 2, Mục III NQ số 01/2005/NQ-HĐTP). PLVN