Phát biểu được đưa ra tại phiên giải trình về “Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới” do Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội (QH) tổ chức sáng qua (6/3).
Còn tiêu cực trong xử lý vi phạm
Báo cáo tổng hợp nội dung yêu cầu giải trình của nhóm nghiên cứu của UBTP do Ủy viên Thường trực Nguyễn Thị Thủy trình bày tại phiên họp cho biết, tình hình vi phạm pháp luật về trật tự ATGT và tai nạn giao thông (TNGT) vẫn diễn biến rất phức tạp; số người chết và số người bị thương tuy có giảm những vẫn rất nghiêm trọng.
TNGT đường bộ và đường sắt trong năm 2018 làm 8.190 người chết; 14.792 người bị thương. Báo cáo cũng đã chỉ ra hàng loạt những hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước được cho là nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật về ATGT và TNGT…
Về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, bà Thủy đề nghị Bộ Công an giải trình về việc công tác tuần tra, kiểm soát mới chủ yếu tập trung ở các địa bàn đông dân cư, tuyến đường trọng điểm, trong thời gian cao điểm.
Mặc dù số lượng các vi phạm được phát hiện qua công tác tuần tra, kiểm soát là khá lớn nhưng vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng vi phạm hiện nay. Việc răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hiệu quả chưa cao, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện “nhờn” luật do cán bộ tuần tra, kiểm soát tiêu cực trong xử lý.
Đặc biệt, công tác tuần tra, kiểm soát đối với xe siêu trường, siêu trọng chưa chặt chẽ, vẫn để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng về tải trọng; thậm chí nhiều xe ngang nhiên, công khai đi qua nhiều tuyến quốc lộ từ Bắc vào Nam và ngược lại... Nhóm nghiên cứu của UBTP cũng đề nghị Bộ Công an giải trình về việc một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí có tình trạng “bảo kê” cho vi phạm.
Trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nhóm nghiên cứu của UBTP đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giải trình về việc một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ.
“Ví dụ vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ, 7 cán bộ thanh tra thỏa thuận với một số doanh nghiệp, nhà xe để không bắt hoặc bắt nhưng phạt với các lỗi nhẹ khi vi phạm luật giao thông; hàng tháng hoặc mỗi lần vi phạm, các doanh nghiệp và cá nhân giao nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản cho các cán bộ thanh tra giao thông, với số tiền ít nhất là 1 triệu đồng/tháng, nhiều nhất là 28 triệu đồng/tháng”, báo cáo cho biết.
Nhóm nghiên cứu của UBTP cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giải trình về việc nhiều công trình giao thông có tình trạng xây dựng thì lâu, xuống cấp thì nhanh; một số trạm thu phí BOT có dấu hiệu đặt tại vị trí không hợp lý, gây bức xúc trong dư luận.
Trách nhiệm xử lý chưa nghiêm?
Cho ý kiến tại phiên họp, Ủy viên UBTP Trương Trọng Nghĩa cho rằng hiện nay có tình trạng quản lý nhà nước đi sau nên không ngăn chặn được tình hình vi phạm ATGT và TNGT. Theo ông Nghĩa, nếu tình trạng này tiếp diễn thì 15 năm nữa tình hình TNGT cũng không cải thiện được.
Nguyên Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Đình Quyền cũng chỉ ra rằng vấn đề xử lý vi phạm đối với những tội phạm ATGT rất có vấn đề. “Các đồng chí cứ nói ý thức của người dân về ATGT là không trúng hoàn toàn. Đầu tiên phải là trách nhiệm xử lý của cơ quan quản lý nhà nước không nghiêm”, ông Quyền nói và lấy dẫn chứng việc dễ dãi khi cấp bằng lái xe hay việc xử lý xe tải quá tải để chứng minh cho lập luận của mình.
“Một xe hàng chở quá tải từ Lạng Sơn về đến Cà Mau mới phát hiện được chở quá tải. Vậy nguyên nhân chính là do lực lượng chức năng xử lý không nghiêm hay làm ngơ. Vấn nạn ATGT, TNGT muốn xử lý được thì điều quan trọng là quản lý nhà nước phải nghiêm, phải làm rõ trách nhiệm nếu không chỉ ra được trách nhiệm thì mãi mãi không xử lý mối họa TNGT”, ông nói.
Cùng với đó, chính sách hình sự, theo nguyên Phó Chủ nhiệm UBTP, cũng cần phải xem lại, nhất là việc khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. “Trách nhiệm hình sự là của công dân chứ không phải là dân sự, dàn hòa với nhau”, ông nói.
Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho rằng, công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm ATTG đường bộ, đường sắt vẫn còn bất cập, số người chết vẫn rất cao và đáng báo động: “Trung bình mỗi ngày có khoảng 23 người mãi mãi không bao giờ về nhà nữa”, bà Nga nói và cho biết quan điểm của UBTP là với trách nhiệm của cơ quan dân cử, muốn chung tay cùng Chính phủ để tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng TNGT.