Một đời hy sinh vì con, nhưng đến khi mái tóc đã điểm bạc, lưng đau, chân yếu thì vợ chồng ông T. phải vay mượn tiền bạc, thay Vinh bồi thường cho các bị hại với mong muốn con gái được giảm án.
Chiêu lừa đảo của “nữ cán bộ”
Là con thứ 2 trong gia đình có hai chị em, dù gia cảnh không khá giả, bố là thương binh nhưng Cao Thị Thành Vinh (37 tuổi, ngụ phường Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An) luôn được bố mẹ tạo điều kiện ăn học. Sau khi có tấm bằng đại học trong tay, Vinh xin vào làm việc tại Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên & Môi trường).
Không phải làm ông này bà nọ nhưng chí ít việc tìm được công việc ổn định như Vinh là mong muốn của nhiều người. Nhưng Vinh lại không bằng lòng với khoản lương mà mình nhận hàng tháng, thay vào đó muốn làm giàu nhanh chóng. Để có tiền, Vinh nghĩ ra chiêu trò giả danh công an và lừa cơ quan mình tổ chức tuyển nhân viên để chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại.
Cuối năm 2018, qua bạn bè Vinh quen biết cô gái sinh năm 1993 ở xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương. Biết cô gái này đã ra trường một thời gian dài nhưng chưa tìm được công việc ưng ý nên Vinh giả là công an, công tác tại Cục cảnh sát kinh tế Bộ Công an. Để thân phận không bị bại lộ, Vinh sử dụng tên giả là Cao Thị Diệu Linh.
Bị cáo Cao Thị Thành Vinh (áo trắng). |
Người phụ nữ tự xưng tên Linh khoe quen biết nhiều lãnh đạo, có khả năng xin việc khiến gia đình cô gái này hoàn toàn tin tưởng. Linh khẳng định có thể xin việc cho con gái ông Lê Văn B. vào làm việc tại nhà khách Công an tỉnh Nghệ An với giá 180 triệu. Không lâu sau, trước những yêu cầu đưa thêm tiền để biếu quà sếp, tiền hoàn thiện hồ sơ…
Linh yêu cầu ông B. đưa cho mình 240 triệu đồng. Ngày 8/5/2019, Linh yêu cầu ông B. phải đưa thêm 5 triệu đồng để “lo nốt công việc”. Khi Linh đang nhận tiền từ con gái ông B. thì bị Công an TP Vinh bắt quả tang.
Từ đây, bộ mặt thật của Linh được vạch trần. Theo đó, người tự xưng là cán bộ Bộ Công an tên thật là Cao Thị Thành Vinh chứ không phải là Diệu Linh. Người này là cán bộ Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ chứ không phải là công an Cục cảnh sát kinh tế như giới thiệu trước đó.
Từ đây, cơ quan điều tra đã làm rõ thêm một số hành vi lừa đảo của Cao Thị Thành Vinh. Trước đó, Vinh từng đưa uy tín nơi mình đang làm việc để lừa có thể chạy việc cho những ai có nhu cầu. Tin tưởng, một cô gái trẻ đã đưa cho Vinh 50 triệu đồng nhờ chạy việc vào bộ phận y tế của Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ. Chưa hết, Cao Thị Thành Vinh còn lừa đảo chạy việc cho một cô gái khác vào làm việc ở Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, chiếm đoạt 20 triệu đồng. Thời điểm bị bắt giữ, Vinh khai số tiền chiếm đoạt được đã tiêu xài cá nhân hết, còn hồ sơ nhận của các bị hại, đối tượng này đã phi tang hết.
Nỗi lòng của hai người cha
Cao Thị Thành Vinh sau đó bị đưa ra xét xử sơ thẩm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hội đồng xét xử TAND TP Vinh đã tuyên phạt bị cáo 9 năm tù về tội danh trên. Sau đó, Vinh làm đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt. Tại tòa phúc thẩm diễn ra mới đây, nữ bị cáo này xuất trình thêm một số tình tiết mới như gia đình đã bồi thường 60 triệu đồng cho 2 bị hại, gia đình thờ liệt sĩ, bố của bị cáo là thương binh được nhận huân huy chương của nhà nước. Bị cáo Vinh xin tòa giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với đứa con thơ, phụng dưỡng bố mẹ.
Suốt quá trình Vinh hầu tòa thì người bố với chiếc áo bộ đội đã sờn vai, đôi chân thập thiễng ngồi lặng lẽ phía sau. Ông cho hay, sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, gia đình đã phải vay mượn tiền khắp nơi để bồi thường một phần cho bị hại. Số tiền 60 triệu đồng mà vợ chồng ông thay mặt con đền bù cho bị hại cũng từ vay mượn mà có. “Con dại cái mang” việc Vinh phạm tội lừa đảo khiến bố mẹ xấu hổ với mọi người.
Nhưng đó dường như chưa phải nỗi cực nhọc mà bà bà phải chịu khi hiện nay họ đang đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc đứa cháu nhỏ, là con của Vinh. Ông bà cho hay, Vinh đã ly hôn chồng, được quyền nuôi đứa con nhỏ. Hôm đến tòa, ông bà dẫn theo đứa cháu nhỏ đến gặp mẹ. Đứa trẻ còn nhỏ tuổi nên dường như chưa hiểu mọi chuyện, cứ hồn nhiên chơi đùa ở hành lang tòa. Chỉ đến khi được ông bà dẫn vào gặp mẹ, đứa trẻ ấy mới bẻn lẽn theo sau. Nhìn con, mắt Vinh đỏ hoe.
Cũng tại phiên tòa, người viết chứng kiến một người cha khác cũng buồn không kém. Ông là bố của bị hại bị lừa tiền nhiều nhất. Người đàn ông ở xã miền núi của huyện Thanh Chương vượt chặng đường xa đến tòa, tay cầm theo túi hồ sơ. Nhắc lại chuyện gia đình mình bị Vinh lừa, ông B. vẫn còn giận. Ông bảo, sau khi gặp gia đình, khẳng định có thể xin được việc cho con gái ông, Vinh đã 2 lần lên nhà dùng cơm cùng gia đình.
Những lần gặp, thấy Vinh không mặc đồ ngành công an nên tôi hơi ngờ ngợ. Hỏi thì Vinh nói do đặc thù công việc mặc đồ thường để phá án nên tôi không ngờ vực nữa. Chúng tôi luôn xem Vinh là ân nhân của gia đình vậy mà lại bị lừa cho cú đau như vậy. Giờ đây, ông mong muôn bị cáo phải hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt để gia đình sớm ổn định cuộc sống.
Xem xét những tình tiết mới mà bị cáo cung cấp, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định đây là những tình tiết giảm nhẹ chưa được cấp sơ thẩm xem xét. Do đó, tòa phúc thẩm quyết định chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm, tuyên phạt Cao Thị Thành Vinh 7 năm tù. Tòa cũng buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các nạn nhân.
Cơ quan điều tra xác định, ngoài 3 hành vi chiếm đoạt tài sản trên, Cao Thị Thành Vinh có có hành vi nhận 70 triệu đồng để xin việc cho chị Trần Thị P. T. làm việc ở bộ phận y tế của Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ. Sau khi nhận tiền, Vinh đã chuyển cho anh Nguyễn Thừa Q. (SN 1977, trú tỉnh Bắc Ninh) công tác tại Vụ tổ chức thuộc Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt nam. Quá trình điều tra xác minh hiện tại anh Q. đang bi bệnh nặng không thể làm việc được. Vì vậy, hành vi này sẽ làm rõ xử lý sau.
Lừa đảo chạy việc không còn là vấn đề mới, nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy những kẻ lừa đảo. Một phần vì nhu cầu tìm việc làm của người lao động, nhất là những sinh viên mới ra trường, phần vì thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng. Do đó, người dân cầng nâng cao cảnh giác để không rơi vào cảnh tiền mất tật mang.