Con đường thành tỉ phú của một cử nhân... thất nghiệp

Chị Duyên bên cánh đồng  ly bạt ngàn.
Chị Duyên bên cánh đồng ly bạt ngàn.
(PLO) - Chị Nguyễn Thị Duyên (SN 1983, trú tại thôn Vũ Xuân, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) là một trong số ít những người phụ nữ dũng cảm biến niềm yêu hoa, đam mê hoa của mình thành sự nghiệp làm giàu. Tốt nghiệp đại học, xin việc mãi không xong, tuy thế không nản chí, chị đã khởi nghiệp từ chính những cây hoa trên mảnh đất quê hương.
Cử nhân thất nghiệp
Cơ sở hoa ly xuất khẩu của Duyên thuộc địa phận thị trấn Tứ Trưng (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Đến đây, khách không khỏi choáng ngợp trước cánh đồng hoa ly rộng lớn, bạt ngàn sắc xanh. Ấn tượng đầu tiên về Duyên là sự giản dị. Dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen, chân đi đôi ủng cao quá gối, trông chị như một nông dân thứ thiệt. Ít ai ngờ, người phụ nữ vừa mới bước qua tuổi 30 ấy đã có trong tay cơ nghiệp hơn 10 tỷ đồng.
Duyên sinh ra trong một gia đình thuần nông, là chị cả trong ba chị em. Năm miệng ăn trong gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng và việc làm thuê của bố mẹ. Việc ăn học của ba chị em Duyên trở thành gánh nặng của cả gia đình. Nhưng không vì thế mà Duyên nản chí, chị vẫn chăm chỉ học hành với quyết tâm thoát nghèo. Tốt nghiệp cấp 3, Duyên quyết định thi vào Khoa Cây trồng Trường Đại học Nông nghiệp, bởi chị có ước mơ làm giàu từ chính cái cây, hòn đất. Duyên kể lại: “Ngày hai bố con xuống Hà Nội thi đại học, tôi với bố lo đến mất ngủ. Nhưng không phải lo vì thi mà chỉ lo thiếu tiền bởi trong tay chỉ có vài trăm nghìn đồng”.
Trở thành tân sinh viên của Trường Đại học Nông nghiệp, Duyên vội vã tìm công việc làm thêm, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Hai năm sau, Duyên đón đứa em thứ hai xuống Hà Nội học. Hai năm sau nữa, đứa em thứ ba của Duyên cũng khăn gói xuống Hà Nội làm sinh viên. Để lo cho ba chị em, Duyên vừa đi làm gia sư, vừa làm bồi bàn, rửa bát thuê trong các quán bia, rượu. Vất vả là vậy nhưng Duyên vẫn hoàn thành tốt việc học với thành tích đạt loại khá.
Năm 2006, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng khá trong tay, Duyên tất bật nộp hồ sơ, đi phỏng vấn xin việc, nhưng đều không thành. Có những lúc nản chí Duyên đã muốn buông xuôi. Chị tâm sự: “Ngay từ đầu mình đã xác định việc xin vào làm viên chức nhà nước là rất khó. Nhưng bốn năm vất vả ăn học mình không thể bỏ phí. Sau nhiều đêm trăn trở mình bỗng nhận ra, qua bốn năm đại học mình đâu chỉ có tấm bằng, mình còn có kiến thức tích lũy trong đầu, vậy tại sao không đem nó ra áp dụng vào thực tế cuộc sống”.
Vậy là sau hơn một năm không thể kiếm nổi việc làm, Duyên quyết định cất tấm bằng đại học trong ngăn tủ, quay về gây dựng cơ sở trồng hoa trên chính mảnh đất quê hương. Nói về sự lựa chọn của mình, Duyên chia sẻ: “Từ nhỏ, cũng như bao bạn gái khác, mình có niềm yêu thích đặc biệt với các loài hoa. Hơn nữa, khi theo học tại Trường Đại học Nông nghiệp, mình được đi theo các thầy cô trong trường thực hiện các dự án về hoa. Dự án gây dựng cơ sở trồng hoa của mình nhen nhóm từ đấy”. Với tấm bằng cử nhân đại học, chấp nhận quay về với đồng ruộng, tự mình gây dựng cơ nghiệp quả là một quyết định táo bạo của Duyên. 
Tỉ phú từ hai bàn tay trắng
Bỏ qua những lời dị nghị, bàn tán của dân làng về chuyện thất nghiệp, Duyên bắt tay vào việc tìm hiểu, chọn đất và giống cây trồng. Nhờ sự ủng hộ của gia đình và bà con cô bác, chị mượn được 500 triệu đồng dùng để mua giống và các vật dụng cần thiết. Loài hoa chị chọn khởi nghiệp là hoa loa kèn với diện tích ban đầu là 3,5 mẫu. 
Chị vui vẻ tâm sự: “Đến giờ mình vẫn không hiểu nổi tại sao ngày đó bố mẹ lại tin tưởng đi vay cho 500 triệu để mình rải nó ra đồng. Nói dại, nếu việc trồng hoa thua lỗ, có lẽ bố mẹ có bán cả cơ nghiệp cũng không đủ trả nợ. Giờ nghĩ lại vẫn thấy mình liều”. 
Là cử nhân ngành nông nghiệp, có kiến thức chuyên môn là một lợi thế, nhưng để có được thành quả hôm nay, Duyên cũng phải trải qua không ít gian nan, vất vả. Công việc nhiều nên thời gian đầu Duyên thuê 10 công nhân là những người rảnh việc trong làng. Với quy mô 3,5 mẫu hoa, người giúp việc gần như chưa có kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc hoa nên ban đầu, hầu như việc gì cũng đến tay chị, từ cải tạo đất, xem bệnh hoa, lựa chọn hoa đến cắt tỉa, tìm thị trường tiêu thụ… 
Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, chị cho biết: “Thời gian đó mình gần như ăn ngủ với hoa. Ngày đi làm vườn, tối bốc hoa đem xuống Hà Nội bán đến 1- 2h sáng. Suốt một năm trời, mỗi ngày mình chỉ được ngủ trên giường khoảng 2 tiếng đồng hồ. Thời gian ngủ còn lại, mình tranh thủ trên xe ô tô trong quãng đường vận chuyển hoa”.
“Vạn sự khởi đầu nan”, cũng bởi quá vất vả nên thành quả đến với Duyên thật ngọt ngào. Vụ hoa đầu tiên, chị bội thu. Sau 6 tháng, trừ chi phí đầu tư, chị thu được 1,3 tỷ đồng, con số đáng mơ ước ở cái tuổi 24. 
Thừa thắng xông lên, số lãi thu được chị đem tái đầu tư. Từ diện tích 3,5 mẫu hoa ở Vũ Di, được sự giúp đỡ của chính quyền thị trấn Tứ Trưng trong việc thuê đất, chị mở rộng quy mô lên hơn 10 mẫu và thành lập Công ty Giống hoa vào năm 2008.
Ba năm sau, chị Duyên chuyển từ trồng hoa loa kèn sang trồng hoa ly, bởi theo khảo giá thị trường chị nhận thấy trồng hoa ly thu được lợi nhuận cao hơn cả. Nhưng đây lại là thời điểm khó khăn lớn với chị, bởi năm 2011 vườn hoa ly của chị gặp phải trận mưa kéo dài hàng tháng. Một diện tích hoa ly lớn bị thối, lại thêm sâu bệnh phá hoại. Chị Duyên nhanh chóng bước vào khắc phục, phần hoa thối chị phá bỏ đi để khỏi lây lan sang các vùng hoa khác và phun thuốc trừ sâu bệnh. Cuối cùng vườn hoa ly của chị cũng được an toàn. 
Chị Duyên chia sẻ: “Nghề trồng hoa chẳng khác gì nuôi con nhỏ. Phải thực sự yêu mến, nâng niu thì hoa mới nở đẹp, cho năng suất cao”.
Sau hơn 7 năm miệt mài trên đồng, dưới ruộng, đến nay Duyên đã gây dựng được hơn 20 mẫu hoa ly với hai lán trại, đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, chị còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 đến 30 lao động với mức thu nhập bình quân 2,7 triệu đồng/người/tháng. Hơn nữa, chị Duyên còn hợp tác với một doanh nhân chuyên về giống hoa, xuất khẩu sang vài nước bạn. 
Năm 2013, trước những khó khăn chung của nền kinh tế, cơ sở hoa ly của chị Duyên cũng gặp phải không ít thử thách như giống hoa đắt, giá hoa rẻ, nhân công tăng cao và đặc biệt là thị trường xuất khẩu bị hạn chế. Trước những khó khăn như vậy, chị đã nhanh chóng chuyển hướng phát triển, thay vì phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu như trước đây, chị mở rộng phát triển thị trường hoa trong nước. 
Đến nay, sản phẩm hoa ly của chị đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Lào Cai, Quảng Ninh và cả thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù không cao như các năm trước nhưng lợi nhuận chị thu được vẫn đạt từ 100 – 200 triệu đồng/năm.
Ông Đỗ Hồng Nhâm (hàng xóm của chị Duyên) cho biết: “Trong xã, cô Duyên là tấm gương làm kinh tế giỏi. Nhờ cô Duyên mà rất nhiều phụ huynh trong xã nhận ra việc học tập là rất cần thiết với con trẻ. Nhưng học không phải để lấy bằng mà để lấy kiến thức rồi về áp dụng vào thực tế”. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.