Cò đất bắt tay giăng bẫy khách hàng
Trở lại với đợt sốt đất tại các xã thuộc huyện Hòa Vang, một nhân viên môi giới bất động sản cho biết, sở dĩ đất sốt như vậy đều do các cò bắt tay làm giá. Một trường hợp “dính bẫy” kể lại, sau khi nghe tin đất Hòa Liên đang sốt nên tìm hiểu.
Được môi giới giới thiệu về một “cặp” đất với mức giá 2,9 tỷ đồng cùng nhiều lời “tô hồng” về tương lai của khu vực nên người này thích. Trong khi đang lưỡng lự đặt cọc tiền, một người xuất hiện và đề nghị chị bán lại cho mình với giá chênh lệch 100 triệu/lô cùng điều kiện phải sang tên chính chủ.
Thấy “ngon” nên chị đặt cọc 2 lô đất nói trên đồng thời về “vay nóng, vay nguội” thêm tiền để làm thủ tục sang tên “cặp” đất. Tuy nhiên, sau khi sang tên xong, gọi lại người đã đề nghị mua, người này không bắt máy và chị phải “ôm đất” đã mua.
“Về sau tôi được biết các cò bắt tay nhau để thổi giá đất và kiếm lời. Cụ thể, lô đất này trước đó được chủ đất hô giá thu về 1,1 tỷ đồng và gửi cho “cò”, cò bán được chênh lệch bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu nên họ tạo khan hiếm ảo, cho 2-3 người. Thực chất là “cò” nhảy vào đẩy giá cao lên. Sau đó, những “cò” này đồng loạt rút lui, còn người mua thật “dính bẫy” mua đất giá cao”, nữ nạn nhân dính bẫy kể lại.
Cùng với chiêu thức trên, những “bài cũ” cũng được giới đầu nậu và cò đất áp dụng nhưng không ít người mua vẫn “dính bẫy”. Đó là chiêu thu gom đất rồi tạo ra cơn sốt giả với hình thức một nhóm khoảng 10 người góp vốn và chủ động bày “cuộc chơi” để dụ khách:
“Họ mua đất dự án rồi phân nhau đẩy giá theo kiểu người thứ nhất mua 1 đồng, người thứ 2 trong nhóm mua lại với giá 2 đồng đến người thứ 3 đẩy giá lên 4 đồng… và cuộc chơi cứ thế đẩy giá đất lên cao tạo cơn sốt nóng trên thị trường. Chiêu này xuất hiện trên thị trường đã lâu nhưng vẫn rất hiệu quả”, nhân viên môi giới khẳng định.
Một chiêu nữa của các “cò” đất là giới thiệu phân phối độc quyền nào đó rồi tung ra lượng sản phẩm rất hạn chế, công bố lượng giao dịch thành công lên đến hơn 90%, thậm chí 100% để tạo sự khan hiếm trên thị trường, kích thích người mua. Ngoài ra, việc thổi giá theo kiểu bán hàng “đa cấp” cũng được áp dụng, đặc biệt đối với khu vực Nam Hòa Xuân.
Cụ thể, sau khi chủ đầu tư ra hàng, họ không bán trực tiếp mà giao cho một đại lý gọi lài là A1, cũng thường được các sàn giao dịch công bố là phân phối độc quyền. Từ đại lý A1 sẽ bán cho hàng loạt các đại lý A2 với hình thức bán theo khu, từ đại lý A2 sẽ bán cho đại lý A3 với hình thức bán theo phân khu…
Cứ thế, đất được bán qua nhiều trung gian mới đến tay khách hàng. Vì đất được bán qua nhiều trung gian nên giá bị đẩy lên cao, nhiều lô giá đội lên 3 -4 lần so với mức giá chủ đầu tư đưa ra ban đầu.
...Đến giả văn bản, giả chữ ký lãnh đạo
Ngoài những chiêu thức nói trên, nhằm tạo ra “sốt đất ảo”, cò đất ở Đà Nẵng còn giả mạo cả văn bản của UBND TP Đà Nẵng để trục lợi.
Cụ thể, đầu tháng 11/2018, trên các trang mạng xã hội đăng tải một văn bản có ghi số 738/2018/UBND-XDCB, ngày 31/10/2018 giả chữ ký của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ với nội dung “v/v phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân”.
Nơi nhận văn bản này là các cơ quan, bao gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, UBND quận Cẩm Lệ và UBND quận Ngũ Hành Sơn. UBND TP Đà Nẵng khẳng định, văn bản trên giả mạo, không phải thật. Mục đích của việc tung tin và đăng tải văn bản này với ý đồ tạo “cơn sốt đất” trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ.
Tương tự, tại tỉnh Quảng Nam cũng xuất hiện Quyết định số 1826/2017/QĐ-CP ngày 3/1/2018. Quyết định có nội dung về việc phê duyệt đầu tư chuỗi khách sạn 5 sao, khu phức hợp kết hợp casino, giải trí tại phường Cẩm Nam (phố cổ Hội An).
Quyết định này có dấu mộc, tên cùng hình ảnh chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Đinh Văn Thu. Quyết định gửi đến Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Nam và UBND TP Hội An.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, văn bản lan truyền trên mạng giả mạo 100% và sai hoàn toàn sự thật. Vì tỉnh Quảng Nam cũng như Hội An chưa có chủ trương đầu tư nào tương tự nên nội dung.
Văn bản cảnh tỉnh của địa phương |
Ông Sơn nhận định, việc giả văn bản nhằm thổi giá bất động sản ở TP Hội An và TP Đà Nẵng. “Hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra về văn bản giả mạo này”, ông Sơn cho biết thêm.
Ngày 7/3 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục phát đi thông tin khẩn về việc Đà Nẵng tách bốn xã thuộc huyện Hòa Vang để thành lập quận mới đang lan truyền là bịa đặt. Ngay sau đó, lãnh đạo huyện Hòa Vang có văn bản gửi Sở TT&TT Đà Nẵng, Công an TP Đà Nẵng đề nghị phối hợp điều tra, xử lý nghiêm kẻ tung tin đồn.
“Cái này do giới “cò” tung tin để thổi giá đất ở nông thôn sau khi huyện này ra văn bản cảnh báo tình trạng sốt đất ảo. Để đối phó tiếp, nhóm cơ hội dùng chiêu mới này”, thông tin cảnh báo nêu.
Trước đó, để đối phó với tình hình đẩy giá đất ở huyện Hòa Vang, ông Đặng Phú Hành, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang đã ra văn bản về việc chấn chỉnh tình trạng mua bán đất trên địa bàn. Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cảnh báo người dân nên cẩn thận khi mua bán đất.
“Đừng vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất ở, đất sản xuất vì sau này sẽ không còn đất sản xuất, gây ảnh hưởng lâu dài đến đời sống… Chúng tôi mong các phương tiện thông tin đại chúng khuyến cáo để người dân biết rõ tình hình sốt đất ảo trên địa bàn huyện; tránh sập bẫy nhóm “cò” đất”, ông Hành nhấn mạnh.
Tại tỉnh Quảng Nam, để hạn chế tình trạng tư thương đầu cơ đất, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 06 yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP tạm dừng mọi hoạt động tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các địa phương vùng Đông Quảng Nam.
Ông Nguyễn Văn Húy, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói tiếp, ở địa phương cũng đã khuyến cáo người dân không được chuyển nhượng. Nếu có nhu cầu phải thực hiện đúng quy định của pháp luật nhằm tăng cường sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Từ những vụ việc cụ thể nêu trên, nhiều chuyên gia có cùng chung nhận định khi cho rằng các chiêu trò và những cơn “sốt giá ảo” đất nền rất nguy hiểm, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây nên tình trạng “bong bóng” trên thị trường bất động sản và nếu bóng nổ sẽ gây thiệt hại rất lớn.