Cuối cùng, những bê bối từ môn thể thao truyền thống Sumo của Nhật Bản đã được bóc trần khi cảnh sát vừa tìm thấy những bằng chứng dàn xếp từ tin nhắn trên điện thoại di động của các đô vật, hãng tin Kyodo cho biết. Bộ trưởng Giáo dục Yoshiaki Takaki, người có trách nhiệm với môn sumo, cũng thừa nhận trước Quốc hội, các đô vật đã thú nhận sắp xếp các trận đấu.
Các đô vật Sumo bày tỏ lời xin lỗi trước một giải đấu ở Nagoya sau khi xảy ra những bê bối từ các vụ cá độ thể thao trước kia. |
Phát biểu trước Quốc hội vào sáng 3-2, Thủ tướng Naoto Kan nói, các cáo buộc - nếu đúng sự thật - thì đó là một sự phản bội: “Sumo có một lịch sử lâu dài và một số lượng lớn người hâm mộ. Đó là môn thể thao dân tộc. Nếu trận đấu đã được dàn xếp, nó là một sự phản bội nghiêm trọng với người dân…”.
Và danh tiếng của môn thể thao cổ xưa của xứ sở mặt trời mọc đã bị giáng một đòn khá mạnh từ sự cố này. Sumo, môn thể thao 2.000 năm tuổi có vô số nghi lễ được lấy cảm hứng từ Thần đạo, tôn giáo bản địa của Nhật Bản.
Hiệp hội Sumo Nhật Bản đã triệu tập một huynh trưởng và 9 đô vật; trong đó có 4 người thuộc đẳng cấp Yokozuna - cấp cao nhất của Sumo, để tiến hành một cuộc họp khẩn cấp, thảo luận về các cáo buộc. “Chúng tôi vẫn đang xem xét tình hình” - Chủ tịch Hiệp hội Sumo Nhật Bản Hanaregoma, cho biết.
Ngày 6-2, Chủ tịch Hiệp hội Sumo Nhật Bản Hanaregoma lại phải thể hiện sự hối tiếc khi Sumo Nhật Bản đang có một chương đen tối nhất. |
Kotomitsuki, một cựu vô địch, đã bị trục xuất khỏi môn thể thao này sau khi thừa nhận trả nợ cho một yakuza, người đã đe dọa khiến Kotomitsuki để lộ thói quen đánh bạc của mình. Hơn 60 đô vật khác cũng thừa nhận đã tham gia cá cược bóng chày, golf, đánh bài hoặc chơi mạt chược. Trong khi đó, Asashoryu - một người Mông Cổ được cho là nhà vô địch vĩ đại nhất trong thế hệ của mình - buộc phải giải nghệ năm ngoái sau khi tấn công một người đàn ông bên ngoài một hộp đêm ở Tokyo.
Những năm trước, nhiều đô vật đã bị trục xuất sau khi tiết lộ đã sử dụng cần sa và trong năm 2007, sau cái chết của một học viên 17 tuổi vì bị trừng phạt do bỏ trốn, một HLV đã bị kết án 6 năm tù với cáo buộc đã ra lệnh tấn công cậu bé này. Năm 2000 Keisuke Itai - một cựu đô vật khác - tiết lộ, anh từng đồng ý nhận 400.000 yen và thua trận trước một đối thủ để người đó trở thành một nhà vô địch vĩ đại. “Tôi chủ tâm bị thua theo một thỏa thuận”, Itai nói với các phóng viên. Sự thú nhận khiến anh bị Hiệp hội Sumo Nhật Bản khiển trách.
Trước những rối rắm đó, ngày 6-2, Hiệp hội cho biết sẽ hủy giải đấu đầu tiên kéo dài 15 ngày tại phía tây thành phố Osaka, bắt đầu từ ngày 13-3 và đây là lần đầu tiên trong hơn 50 năm, giải đấu này bị hủy bỏ. Được biết, mỗi giải đấu chuyên nghiệp - tổ chức 6 lần một năm - kéo dài 15 ngày và các đô vật nhắm đến mục tiêu để kết thúc với kỷ lục 8-7 trận thắng - thua, giành quyền thăng cấp hay ít nhất, không bị giáng cấp.
Chủ tịch Hanaregoma mô tả các vụ bê bối như chương đen tối nhất trong lịch sử Sumo: “Chúng tôi có thể không và không nên tổ chức các giải đấu trong trường hợp này. Trước khi chúng ta hoàn toàn có thể nhổ tận gốc nạn tham nhũng trong thể thao, chúng ta không thể xuất hiện trên võ đài sumo…”.
Theo tờ The Sports Nippon, việc hủy bỏ giải đấu có thể khiến Hiệp hội mất 1,3 tỷ yen (9,8 triệu bảng Anh) doanh thu, bao gồm 720 triệu yen từ tiền bán vé. Tuy nhiên, dù có thể mất đến 2 tháng hay nhiều hơn nữa, vẫn rất cần một kết luận công khai và cụ thể để xác định được mức độ của vụ bê bối này. Đồng thời, những người có liên quan cũng phải trả giá khi đã làm hoen ố thanh danh của tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản.
BẢO AN