Trong vài tuần trở lại đây, nhiều công ty tên tuổi “vang bóng một thời” đang niêm yết trên sàn chứng khoán rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất, cổ phiếu nằm trong diện bị cảnh báo, kiểm soát hoặc bị buộc ngừng giao dịch. Trong khi đó, nhiều “đại gia” có “máu mặt” trên thị trường phải “rút êm” khỏi cuộc chơi...
Trong gần 800 cổ phiếu đang niêm yết trên cả 2 sàn, tỉ lệ cổ phiếu nằm dưới mệnh giá 10.000 đồng chiếm hơn phân nửa. Hơn 400 mã trên sàn Hà Nội có trên 260 mã nằm dưới mệnh giá.
Về đâu cổ phiếu “đại gia”?
Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) phát thông báo từ ngày 12/4, cổ phiếu DRH của Công ty CP Đầu tư Căn nhà Mơ ước sẽ bị ngừng giao dịch, do công ty này thua lỗ trong 2 năm liên tiếp.
Trước đó, sau 7 ngày bị ngừng giao dịch do báo lỗ 2 năm liên tiếp, HOSE đã cho phép cổ phiếu SJS của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sông Đà ra khỏi diện tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 11/4, nhưng vẫn thuộc diện giao dịch bị kiểm soát (chỉ được giao dịch trong 15 phút cuối của đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa).
Sẽ còn nhiều DN niêm yết rơi vào diện cảnh báo, kiểm soát, thậm chí bị buộc ngừng giao dịch. Ảnh minh họa |
Ai từng theo dõi chứng khoán đều biết, cổ phiếu SJS từng giúp khá nhiều nhà đầu tư đổi đời vào thời đỉnh cao của thị trường - năm 2007. Lúc đó, giá cổ phiếu SJS lên đến 728.000 đồng/cổ phiếu.
Một cổ phiếu khác cũng thuộc hàng “đỉnh” trên thị trường - cổ phiếu LCG của Công ty CP LICOGI 16. LCG từng được các nhà đầu tư “săn” với giá khá cao nhưng hiện chỉ còn 6.200 đồng/cổ phiếu. Ngặt hơn nữa, cổ phiếu này bị một số công ty chứng khoán loại ra khỏi danh sách cho vay margin vì sợ rủi ro.
Theo giới phân tích, nhiều khả năng LICOGI 16 tiếp tục lỗ nếu không có phương án kinh doanh mới.
Tương tự, cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, từng “một thời vang bóng” giờ cũng chỉ còn vài ngàn đồng/cổ phiếu. KBC còn thuộc diện bị cảnh báo vì năm 2012 lỗ trên 400 tỉ đồng…
Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí (PXA) dù vừa bị đưa vào diện cảnh báo (năm 2012 lỗ trên 62 tỉ đồng) nhưng trong kế hoạch của kỳ đại hội cổ đông năm 2013 sẽ tiếp tục lỗ trên 46 tỉ đồng. Hiện giá PXA chỉ còn 2.000 đồng/cổ phiếu.
Trong một diễn biến khác, ngày 3/5 tới, cổ phiếu của Công ty CP Container phía Nam (VSG) cùng với 2 cổ phiếu khác là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Điện Mêca Vneco (VES) và Công ty CP Thực phẩm Quốc tế (IFS) sẽ bị hủy niêm yết trên sàn Tp.HCM…
Một chuyên gia bình luận, kinh doanh thua lỗ kéo dài là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu của nhiều DN bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, thậm chí bị buộc ngừng giao dịch. “Với tình hình hiện nay, sẽ còn nhiều DN niêm yết rơi vào tỉnh cảnh như trên”, vị chuyên gia này nhìn nhận.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán chua chát cho hay: “Nhiều năm theo dõi chứng khoán chưa bao giờ thấy thị trường bi đát như hiện nay. Nó giống như người bệnh mắc chứng nan y mà chưa tìm ra nguồn thuốc đặc trị”.
Đại gia “bỏ của chạy lấy người”
Cách đây vài tháng, có 5-6 CTCK xin chấm dứt tự nguyện tư cách thành viên ở 2 sở giao dịch chứng khoán. Mới đây, HOSE cũng nhận được hồ sơ chấm dứt tư cách thành viên giao dịch tại HOSE của CTCP Chứng khoán Delta (DTSC).
Delta trước đây vốn là CTCP Chứng khoán Cao su (Rubse), có cổ đông lớn là Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) chiếm 51%. Tuy nhiên, trên thực tế, Tập đoàn Cao su đã rút khỏi Rubse từ cuối năm 2012, với việc Công ty Tài chính Cao su (công ty con của tập đoàn) đã bán toàn bộ 2,04 triệu cổ phần tại Rubse (51%) và không còn là cổ đông lớn từ 12/10/2012.
Việc Delta chấm dứt tư cách thành viên của các sở giao dịch chứng khoán, đồng nghĩa DN này hướng tới việc rút khỏi thị trường. Trước đó, Delta rút khỏi đã bị Trung tâm lưu ký chứng khoán (VDS) đình chỉ hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán và bị cảnh cáo do 3 lần do không thực hiện xác nhận danh sách người sở hữu chứng khoán lưu ký thực hiện quyền.
Một CTCK khác là CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG). Thời điểm ra mắt, VIG có sự góp mặt của nhiều tập đoàn và tổng công ty (Ngân hàng SCB, TCT Lương thực Miền Bắc, TCT Xây dựng Công trình giao thống 4...). Tuy nhiên, cuối 2011, chỉ còn lại có Tập đoàn Hóa chất với tỷ lệ nắm giữ hơn 6% (hơn 2 triệu cổ phiếu).
Hay như Công ty Chứng khoán Liên Việt (LVS) đã quyết định ngừng giao dịch tại 2 sở HNX và HOSE và chuyển giao toàn bộ khách hàng cho Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Và, với chiều hướng này nhiều khả năng LVS sẽ rút lui khỏi thị trường.
Ngoài những đại gia trên, giới đầu tư thời gian gần đây cũng chứng kiến nhiều đại gia bỏ chạy khỏi các CTCK như tại Chứng khoán Hà Thành (nay là Tonkin), Chứng khoán Sacombank...
Khách quan mà nói, những quyết định thoái vốn ở một số trường hợp chứng khoán và BĐS gần đây của các đại gia như bán dưới giá, cắt lỗ, thậm chí mất vốn… là những trường hợp “không còn lựa chọn” và được thực hiện khá lặng lẽ. Dự báo, xu hướng này sẽ tiếp diễn vì số lượng các DN đứng trên bờ vực phá sản còn rất lớn.
Thuận Nhiên