Phát hiện từ hậu kiểm… sau gần 2 năm cấp phép
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, ngày 04/12 đã ban hành Quyết định 644 đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, dừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuốc, hồ sơ nhập khẩu thuốc đối với Cty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông (địa chỉ đăng ký kinh doanh: số 7 ngõ 39/1 Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) do vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh nguyên liệu làm thuốc.
Theo ông Đặng Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, qua kiểm tra hậu mại đã phát hiện Cty này nhập khẩu Salbutamol với số lượng nhiều hơn 200kg so với số lượng nguyên liệu trên đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu, tá dược, bán thành phẩm thuốc được Cục duyệt tại Công văn số 2472 ngày 25/2/2014. Sau đó, Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông bán buôn nguyên liệu Salbutamol cho đơn vị, cá nhân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.
“Cục Quản lý Dược đã gửi công văn khẩn đề nghị Sở Y tế TP Hà Nội xem xét thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc của Cty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông theo thẩm quyền và báo cáo kết quả về Cục trước ngày 15/12/2015; đồng thời chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) – Bộ Công an để điều tra, giải quyết theo thẩm quyền” - lãnh đạo Cục Quản lý Dược cho biết.
Sau trường hợp đầu tiên bị “sờ gáy”, Cục Quản lý Dược cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra hậu mại đối với các công ty nhập khẩu và kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc trên toàn quốc nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong nhập khẩu và kinh doanh dược phẩm.
Buông lỏng quản lý?
Cần phải nhắc lại, trả lời Báo PLVN trước đó, Tổng cục Hải quan khẳng định: 9 tháng năm 2015, số nguyên liệu Salbutamol nhập vào Việt Nam là 4,6 tấn (trị giá 330 ngàn USD). Ngoài ra, còn một loại mã hàng hóa khác được gọi tên là “thuốc tân dược” có hàm lượng chứa Salbutamol đã được đóng gói nhập vào Việt Nam với con số rất lớn: 1,9 triệu bao, với trị giá lên tới 9,8 triệu USD.
Cơ quan hải quan cho biết các mặt hàng có tên hoạt chất là Clenbutarol không thuộc Danh mục cấm nhập khẩu theo quy định của Bộ Y tế. Còn Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) thì khẳng định Salbutamol và Clenbuterol là 2 hoạt chất cấm thuộc Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam.
Từ đầu năm tới nay, Cục này không cấp bất cứ giấy chứng nhận sản xuất, nhập khẩu, lưu hành thuốc thú y có chứa hoạt chất Salbutamol hoặc Clenbuterol; không cấp phép nhập khẩu nguyên liệu, thuốc thành phẩm có chứa hoạt chất Salbutamol, Clenbuterol.
Như vậy, khi Bộ Y tế vẫn một mực khẳng định chỉ cấp phép nhập khẩu 3,5 tấn thì rõ ràng đã có biểu hiện lợi dụng việc buông lỏng quản lý sau cấp phép để các tổ chức, cá nhân mặc sức nhập khẩu số lượng lớn Salbutamol về kinh doanh trái phép.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông có thể nhập “lố” được 200kg Salbutamol so với giấy phép? Nếu quy trình hậu kiểm được thực thi chặt chẽ và liên tục thì doanh nghiệp có “cửa” vi phạm không? Và quan trọng hơn, ai là khách hàng đã mua Salbutamol từ doanh nghiệp này? Liệu trong đó có bao nhiêu công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi? Cục Quản lý Dược đã hậu kiểm bao nhiêu trường hợp thì phát hiện ra vụ việc tại Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông và liệu còn bao nhiêu trường hợp chưa bị lộ?
PLVN sẽ thông tin tiếp đến bạn đọc.