Vạch áo cho người xem… facebook
Tình trạng vợ chồng nghiện FB, “sống ảo” đã không còn là chuyện lạ hiện nay. Thậm chí đôi khi nó trở thành “vấn nạn” trong gia đình khi vợ chồng thay nhau “ăn ngủ” cùng FB. Đi làm 8 tiếng tại công sở, về tới nhà, không ít cặp vợ chồng dán mắt vào điện thoại, máy tính mà quên đi trò chuyện, chia sẻ tâm tư trực tiếp tới bạn đời của mình cũng như chơi đùa với các con.
Họ cười, khóc trên zalo, facebook. Họ sẵn sàng hào phóng like, thả tim hàng ngàn tấm ảnh cùng loạt bình luận “rót mật” với những người bạn, người quen mà có khi cả năm không gặp nhau. Nhưng trớ trêu là, họ lại không thời gian để dỗ dành, ôm hôn, vuốt ve, nói lời ngọt ngào dành cho người vợ/ người chồng của mình. Mà nếu có, họ làm qua quýt cho xong chuyện, trong khi bàn tay không dời điện thoại, máy tính.
Khi một trong hai người bị lôi cuốn mải mê vào chiếc smartphone thì nó cứ như người thứ 3 xen vào giữa hai vợ chồng khiến những câu chuyện cứ ngắt quãng làm cho họ chẳng còn hứng thú để nói chuyện với nhau. Nhiều người cũng rất đau khổ vì bạn đời của mình chỉ thích kết bạn và tâm sự những chuyện buồn vui với những người bạn trong thế giới ảo chứ nhất định không chịu chia sẻ với bạn đời thực sự của mình.
Có cặp vợ chồng trở thành người xa lạ ngay chính tổ ấm của mình. Họ cảm thấy cô đơn, nhàm chán. Lâu dần cuộc sống không còn sự kết nối, chia sẻ, ai cũng có thú vui riêng thì khoảng trống vô hình giữa hai người ngày càng lớn dần. Điều này làm cho tình cảm vợ chồng rạn nứt và nguy cơ tan vỡ rất lớn.
Một bức ảnh sau bữa cơm gia đình ông bà, bố mẹ và các cháu mỗi người dùng một chiếc smartphone, chẳng ai trò chuyện với ai cũng gây xôn xao mạng xã hội thời gian qua. Khi mà quá sa đà vào các trò tiêu khiển của công nghệ đã khiến họ phá nát không khí sum họp gia đình ba thế hệ.
Trên mạng xã hội, thành viên có nick Đ.Đ đăng tải bức ảnh ghi lại không khí dịp xem World Cup của cả nhà. “Đây là gia đình em xem World Cup, ngay bây giờ luôn, trận Hàn Quốc và Mexico. Đúng là thời buổi công nghệ”, Đ.Đ viết.
Trong bức ảnh có tất cả 7 người, bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trên tay ai cũng cầm một chiếc smartphone bất chấp những kịch tính trên sân cỏ đang diễn ra. Hành động của mọi người trong buổi xem bóng đá đã khiến dân mạng bàn tán xôn xao.
Lại có câu chuyện thật như đùa làm dân mạng thi nhau cười và “ném đá”. Đó là một cặp vợ chồng trẻ, trong lúc “yêu đương phòng the”, người chồng vẫn không dời chiếc điện thoại chơi game, còn người vợ không vừa, cầm chiếc điện thoại chụp người chồng đang chơi điện thoại lên facebook than thở việc chồng mình “hành sự” song song với chơi game.
Dân mạng chế giễu bình phẩm cặp vợ chồng này: “Ôi giời, lại còn thế nữa. Mình nghĩ chuyện tế nhị này phải có cảm xúc mới thăng hoa được, vừa ngủ với vợ vừa chơi game thì lấy đâu ra cảm xúc”. “Mình thấy 2 vợ chồng nhà này hợp đấy, chồng vừa nằm với vợ vừa chơi game, vợ còn tranh thủ chụp hình”. “Chồng bạn thiếu tôn trọng mà bạn cũng cầm điện thoại chụp hình. Trách ai bây giờ? Trời sinh một cặp là có thật”...
Khi mọi người kết nối qua facebook, họ dễ dàng bị “mờ mắt” trước những “cám dỗ” và sa vào cạm bẫy ngoại tình, hay đơn giản là họ quá chú tâm vào thế giới “ảo” mà quên đi việc cần quan tâm tới vợ hoặc chồng con ở nhà. Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý, hiện không ít cặp vợ chồng, ngoài tốn thời gian “ôm” điện thoại, họ còn sa đà… vạch áo cho người xem… tổ ấm của mình khiến tổ ấm chao đảo.
Ví như: Đăng tải quá nhiều về đời tư trên trang mạng xã hội, ngắm nhìn các cặp đôi khác khoe ảnh tình tứ trên facebook, công khai chỉ trích người bạn đời trên mạng, “thốt” ra những điều không hay khi tức giận, facebook khiến các cặp đôi nghi ngờ, giảm lòng tin ở nhau, làm bạn với “tình cũ” trên mạng xã hội, vợ chồng mỗi người một máy quay lưng chơi game trước giờ đi ngủ.
Những con số và dữ liệu thu được gần đây cho thấy một sự thật hết sức đáng báo động, đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn ngày nay đó là do mạng xã hội facebook.
Bao nhiêu phút dành cho người thân?
Một bài văn của cô bé học lớp 5 tả về tình yêu bố mẹ đối với con khiến nhiều người giật mình, thoảng thốt: “Đã từ lâu, em không được trò chuyện và chơi đùa với bố mẹ. Đưa em đi học về là bố nằm trên ghế bành ôm điện thoại chơi game. Còn mẹ nấu cơm xong, mẹ cũng cầm điện thoại chơi fb, trò chuyện với bạn bè trên zalo. Em kể chuyện trường lớp, học hành với bố mẹ thì bố mẹ ầm ừ rồi lại cầm điện thoại… Em buồn vì thấy bố mẹ yêu chiếc điện thoại hơn yêu em. Giá như em biến thành chiếc điện thoại thì tốt biết mấy”…
Điều đáng nói, khi cha mẹ thường xuyên sử dụng các thiết bị thông minh bên cạnh con cái cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Trẻ thường cảm thấy bị bỏ rơi và có xu hướng hành động bất thường để thu hút sự chú ý từ cha mẹ.
Nhiều gia đình trở thành nô lệ cho “thế giới ảo”. |
Cuốn sách “Bảo vệ tuổi thơ và các mối quan hệ gia đình trong thời đại kỹ thuật số”, tác giả đồng thời là nhà tâm lý học Catherine Steiner-Adair đã trình bày các nghiên cứu cho thấy trẻ em rơi vào mặc cảm tự ti, buồn, cô đơn…; và thậm chí bùng phát cơn tức giận, khi cha mẹ chỉ tập trung vào máy tính, điện thoại thông minh và các “màn hình” khác thay vì tập trung vào chúng.
Có biết bao nhiều ông bố, bà mẹ thể hiện tình yêu to lớn với con cái họ trên các trang mạng xã hội… trong khi ngoài đời thật, cả ngày họ trò chuyện với con mình không nổi 5- 10 phút đồng hồ?
ThS tâm lý Nguyễn Hồng Lê, Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống TƯ Đoàn TNCS HCM cho hay, thế giới đã có các nghiên cứu về tác hại của facebook đối với con người. Kết quả của các cuộc nghiên cứu đã đưa ra rằng, facebook có khả năng gây nghiện như nghiện game online. facebook hấp dẫn vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho người ta được thể hiện bản thân như “mơ ước”.
Nó cũng dễ khiến cho người ta sa đà vào các câu chuyện, các dòng comment trao đổi. Nó là phương tiện để thể hiện cảm xúc, quan điểm của mỗi cá nhân… Nếu việc sử dụng facebook diễn ra một cách bình thường, có sự kiểm soát thì không xảy ra vấn đề gì.
Nhưng khi trở thành “nghiện”, tức là sử dụng facebook một cách mất kiểm soát thì cuộc sống của con người chắc chắn bị ảnh hưởng. Thực tế đã có không ít cuộc hôn nhân tan vỡ vì người vợ hoặc chồng mắc phải chứng nghiện facebook này.
Biểu hiện của người nghiện facebook thường hay tự quảng cáo về bản thân, khoe khoang một cách thái quá và luôn luôn muốn mình trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý. Khi gặp phải những chuyện buồn hay stress, không tìm được người chia sẻ, họ có xu hướng “trút bầu tâm sự” vào facebook và bị lệ thuộc hoàn toàn cảm xúc vào đám đông comment.
Theo các nhà tâm lý, để các thiết bị công nghệ số không trở thành kẻ phá bĩnh trong các mối quan hệ, mỗi người nên có biện pháp cân bằng thời gian sử dụng điện thoại, mạng xã hội và dành thời gian để có những khoảnh khắc bên nhau.
Mọi người nên thực hiện “ngày không công nghệ” để cải thiện các mối quan hệ và tạo tình thân gia đình. Những việc làm cần thiết như bữa cơm không smartphone, cuộc hẹn không facebook, cuối tuần tạm gác điện thoại qua một bên, không đem các thiết bị số lên giường ngủ… cũng sẽ góp phần mang đến nhiều chuyển biến tích cực cho các mối quan hệ trong cuộc sống, cũng như chính sức khỏe của mỗi người. Các bậc cha mẹ cũng nên là tấm gương thực hiện tốt điều này để con cái noi theo.
Cuộc sống muôn hình vạn trạng, tràn đầy sức sống, tại sao chúng ta không dành nhiều thời gian hơn trên cuộc sống này để dành cho những người bên cạnh chúng ta, những người thật sự có ý nghĩa với chúng ta chứ không phải một vật, một cảm xúc ảo?
Người thân, bạn bè, người yêu, chồng vợ… hay cuộc sống tươi đẹp vẫn đang diễn ra hàng ngày, vậy tại sao bạn không dành ra thời gian để thưởng thức, để hưởng thụ thế giới này, có như thế bạn mới thấy bạn của chính thời khắc ấy mới là một con người - đang thực sự sống!
Xin đừng trở thành nô lệ cho “thế giới ảo”.