Khi Grace Mwase (20 tuổi, sống tại một ngôi làng nhỏ tại quận Chiradzulu, Malawi) biết rằng mình sẽ đi cắm trại với bạn bè, cô đã rất vui mừng. Mọi cô gái tầm tuổi ở ngôi làng phía Nam Malawi của cô ấy sẽ tham dự nghi thức thông hành, được gọi là trại nhập môn. Họ đếm ngược đến những gì có vẻ như trại hè. “Chúng tôi rất vui vì chúng tôi không biết có gì ở đó”, cô nói.
Khi đến đó, những tin nhắn cô nghe được khiến cô choáng váng. “Bạn nên ngủ với một người đàn ông và loại bỏ ‘bụi đời’ của trẻ con. Nếu bạn không làm điều đó, cơ thể bạn sẽ mắc bệnh”. Vào lúc 10 tuổi, Grace được dạy cách quan hệ tình dục.
Thiếu nữ còn trinh là... tội đồ
Cộng hòa Malawi là một trong các quốc gia nhỏ nhất châu Phi và kém phát triển nhất thế giới. Người dân tại Malawi có tuổi thọ trung bình thấp và tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao. Cộng với một số lớn dân số mắc HIV/AIDS, đã làm cạn kiệt nguồn lao động.
Một trong những nguyên nhân chính khiến cho thực trạng này tồn tại lâu đời tại Malawi là bởi hủ tục “kusasa fumbi” (tạm dịch là ‘Thanh lọc tình dục’) tại đây. Việc thanh lọc tình dục đôi khi được thực hiện bởi một người chồng tương lai đã chọn đối với một cô gái, hoặc bởi một người đàn ông được trả tiền để làm điều đó. Những người ngày được gọi là hyena - “nghề thanh lọc tình dục” được trả từ 4 đến 7 đô-la mỗi lần quan hệ tình dục với các bé gái từ 12-17 tuổi.
Eric Aniva - một hyena dương tính với HIV và đã quan hệ tình dục với hơn 100 phụ nữ và trẻ em gái. |
Thế nên hyena thường được các già làng, trưởng bản khuyến khích và các ông bố, bà mẹ hay bé gái chống lại điều đó đều bị coi là... tội đồ.
Hủ tục này diễn ra chủ yếu tại các quận Salima, Chikwawa và Nsanje của Malawi. Ngoài ra ở các vùng thuộc các quốc gia châu Phi như Kenya, Zambia, Uganda, Tanzania, Mozambique, Angola, Bờ Biển Ngà và Congo cũng tồn tại phong tục vô nhân đạo này.
Vì sao phải thanh lọc? Bởi theo phong tục của nhiều dân tộc, nếu các bé gái không được “thanh lọc tình dục” thì dịch bệnh hoặc các tai họa chết người khác sẽ ập xuống đầu gia đình có các phụ nữ, bé gái “còn dơ bẩn”. Tai họa có khi còn kinh khủng hơn, giáng xuống đầu cả cộng đồng những người này sinh sống.
Bởi vậy, các bé gái tại Malawi thường không còn sự lựa chọn nào khác. Các em bị chính cha mẹ mình tự nguyện đưa con đi “thanh lọc” và phải trả phí cho các hyena. Một khi con gái đã tới tuổi dậy thì, họ phải đưa con đi “thanh lọc” để đánh dấu giai đoạn con họ trở thành phụ nữ và quan trọng hơn, để tránh hậu họa sau này.
Một bé gái tên Maria từng kể lại với Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Cháu bị buộc phải làm thế. Vì ba mẹ, cháu không còn lựa chọn nào khác. Nếu cháu không nghe lời, gia đình cháu có thể bị bệnh tật, thậm chí chết chóc. Cháu sợ lắm!”.
Những kỳ trại “ma quỷ”
Giống như những cô gái khác trong làng, Grace được gửi đến kỳ trại dành riêng cho trẻ vừa tới tuổi dậy thì với sự chúc phúc của gia đình cô. Không bị buôn bán hay bị ép buộc làm nghề mại dâm, cô đang tham dự một nghi lễ được truyền qua nhiều thế hệ.
Trẻ em trai và trẻ em gái tham dự các trại riêng biệt, đóng vai trò như một diễn đàn nơi người lớn truyền lại thái độ và niềm tin của cộng đồng về tình dục và tuổi trưởng thành. Những người đứng ra tổ chức các kỳ trại này chính là các phụ nữ có tuổi trong cộng đồng của họ. “Người bảo tồn văn hóa” là cách gọi đầy tôn kính mà cộng đồng dành cho những người phụ nữ này tại Malawi.
Mỗi năm họ đều tập hợp những đứa trẻ lại, dạy cho các đứa trẻ về nghĩa vụ làm vợ, về các “kỹ năng” để làm hài lòng đàn ông trên giường. Và kết thúc của các “khóa huấn luyện kỹ năng sống” này bao giờ cũng là quá trình “thanh lọc tình dục”.
Trong kí ức năm 10 tuổi của mình, Grace Mwase không thể quên được 1 tuần ở trong trại nhập môn về tình dục này. Trong thời gian đó, những người phụ nữ lãnh đạo trại đã dạy cô về việc tôn trọng người lớn tuổi và làm việc nhà, cũng như cách quan hệ tình dục.
Phụ nữ, trẻ em gái tại Malawi được dạy “thanh lọc tình dục”. |
Những người phụ nữ thể hiện các tư thế quan hệ tình dục. Sau đó, họ khuyến khích các cô gái thực hiện “thanh lọc tình dục”. Những người “bảo tồn văn hóa” kêu gọi các bé gái thoát khỏi sự thiếu kinh nghiệm về tình dục bằng cách luyện tập. Họ nói với Grace, nếu không làm điều đó cô ấy sẽ bị bệnh ngoài da.
Grace cho biết không có cuộc thảo luận nào về nguy cơ mang thai, các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay cách bảo vệ bản thân. Khi bạn bè thúc giục cô tập luyện, Grace đã ở nhà. Cô ấy không muốn tham gia và đã kháng cự, không trải qua cái gọi là “thanh lọc tình dục”. Cô đã tìm hiểu những rủi ro liên quan đến quan hệ tình dục không được bảo vệ từ Mạng lưới trao quyền cho trẻ em gái, một nhóm trẻ em gái địa phương hoạt động để ngăn chặn các cuộc hôn nhân và mang thai thời thơ ấu.
“Bạn có thể mang thai, bạn có thể bị nhiễm HIV, vì vậy điều đó không tốt cho chúng tôi”, cô nói. Những lo lắng của Grace hoàn toàn có cơ sở bởi trong khi tước đoạt đi sự ngây thơ, trong trắng của các bé gái, hyena không sử dụng bất cứ một biện pháp bảo vệ nào, kể cả bao cao su.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, có đến 10% dân số Malawi đang sống chung với HIV. Tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên cũng rất nhiều ở Malawi, nơi có tới hơn 50% các ca sinh diễn ra ở tuổi vị thành niên. Việc trẻ gái mang thai ở độ tuổi nhỏ sẽ làm phức tạp việc sinh nở và khiến họ có nguy cơ tử vong cao, bị mất con hoặc phát triển lỗ rò sản khoa. Đồng thời, việc có thai cũng khiến tình trạng tảo hôn tại Malawi tăng cao.
Malawi có tới hơn 50% các ca sinh diễn ra ở tuổi vị thành niên |
Joyce Mkandawire - một người ủng hộ Mạng lưới trao quyền cho trẻ em gái Malawi, chống lại việc thực hành “thanh lọc tình dục” nói: “Giáo dục giới tính không có lợi gì. Điều này có hại cho trẻ em gái. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy nạn tảo hôn ở Malawi. Tại sao lại dạy trẻ em gái điều này khi chúng mới 9 hoặc 10 tuổi?”.
Theo Ủy ban Nhân quyền Malawi báo cáo, các bé gái dưới 6 tuổi đã được gửi đến các trại nhập môn, nơi chúng được dạy cách quan hệ tình dục. Ủy ban này lên án chương trình giảng dạy tình dục cho trẻ em gái, nói rằng nó ảnh hưởng đến “một số quyền của trẻ em gái như quyền được học hành, quyền được chăm sóc sức khỏe và quyền tự do và nhân phẩm”.
Tuy nhiên, nhiều cộng đồng dân tộc tại Mawali và những người “bảo tồn văn hóa” luôn khẳng định rằng đó là điều cần thiết phải làm để “tránh cho gia đình và cộng đồng của các bé gái bị dịch bệnh hoành hành.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu