Đây là thông tin được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đưa ra trong cuộc họp báo chiều qua (13/3) tại Thành ủy Hà Nội.
Về kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm môi trường trên địa bàn Hà Nội năm 2017, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Tuấn Định cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã kiểm tra, thanh tra tại 2.161 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 588 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 16 tỷ đồng.
Kết quả thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực môi trường trong thời gian qua cho thấy số cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải còn thấp, công tác chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở còn chưa thường xuyên và chưa nghiêm túc. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, còn tình trạng nước xả thải vượt mức quy chuẩn cho phép, thực hiện không đúng các nội dung trong hồ sơ pháp lý về môi trường.
Trong việc rà soát, kiểm tra, xác định cụ thể các “điểm đen” và các khu vực bức xúc về ô nhiễm môi trường trên địa bàn, các cơ quan đã tiến hành rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã. Kết quả có 187 “điểm đen”, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường.
Một số “điểm đen” được ông Lê Tuấn Định cho biết là lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch... tất cả những “điểm đen” này đều đang được xem xét các giải pháp xử lý. Trong năm 2018, Sở TN&MT sẽ rà soát, đánh giá cụ thể, chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường tại các “điểm đen”, các khu vực bức xúc về môi trường trên địa bàn để xây dựng lộ trình, biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để tại các khu vực này.
Trong việc xử lý ô nhiễm, tạo cảnh quan các ao, hồ, sông, suối bị ô nhiễm, trong năm 2017, TP đã thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C với 86 hồ khu vực nội thành, 44 hồ khu vực ngoại thành; lắp đặt bè thuỷ sinh trên 49 hồ và máy sục khí trên 30 hồ, nạo vét bùn 06 hồ (Giáp Bát, công viên Ngọc Lâm, cầu Tình, hồ Kim Liên lớn và nhỏ, hồ Trúc Bạch) để hỗ trợ công tác duy trì chất lượng hồ.
TP cũng đã tiến hành nạo vét cải tạo hồ Gươm và tiến hành khảo sát thường xuyên đánh giá kết quả sau khi triển khai.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT, TP đang chuẩn bị đầu tư gần 100 trạm quan trắc theo hình thức xã hội hoá để thực hiện thống kê và đưa ra giải pháp xử lý về ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí cho TP. Để thực hiện giải pháp này Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn trong quy trình tổ chức thực hiện, tổ chức đầu tư, việc đưa ra giải pháp để xử lý được những vấn đề hiện nay. Vì vậy TP đã phối hợp với những nước tiên tiến để đưa ra cam kết phối hợp với TP có giải pháp xử lý ô nhiễm.
Hà Nội đã trồng được 500 nghìn cây xanh, đạt 50% mục tiêu của chương trình. Năm 2018, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các đơn vị để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, thay đổi nhận thức, hành vi về thói quen đốt rơm rạ theo lộ trình: Năm 2018 phường, xã không đốt rơm rạ; năm 2019 quận, huyện không đốt rơm rạ; năm 2020 TP không đốt rơm rạ. Đồng thời, triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tuyên truyền bảo đảm mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành thay thế sử dụng bếp than tổ ong bằng bếp cải tiến đạt tiêu chuẩn với nhiên liệu thân thiện môi trường, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản xoá bỏ việc sử dụng bếp than tổ ong và than tổ ong trên địa bàn toàn TP.
Riêng việc xây dựng và triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề, giai đoạn 2017-2020, TP tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề để triển khai đồng bộ, hiệu quả. Triển khai đầu tư xây dựng, vận hành các mô hình thí điểm xử lý ô nhiễm theo công nghệ tiên tiến và phù hợp với các nhóm làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo các loại hình sản xuất khác nhau đầu tư theo mô hình dự án cấp bách do TP hỗ trợ kinh phí 100%.