Colombia tiếp tục phá kỷ lục sản xuất cocaine

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Báo cáo được Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) công bố hôm giữa tuần cho biết, trong năm 2017, sản lượng sản xuất cocaine của Colombia ước lên đến 1.379 tấn, tăng 31% so với mức của năm 2016, tiếp tục lập kỷ lục mới.

Theo The Guardian, bất chấp những nỗ lực nhằm xóa bỏ “danh tiếng” là một trong những điểm nóng nhất thế giới về việc sản xuất và buôn bán ma túy, Colombia vẫn tiếp tục “lập kỷ lục” mới về sản xuất cocaine. Theo báo cáo vừa được UNODC công bố, trong năm ngoái, diện tích trồng cây coca - nguyên liệu chính để chế biến cocaine tại Colombia - đã tăng lên mức 171.000ha, là con số cao nhất trong 15 năm qua.

Con số này đồng nghĩa với việc diện tích trồng coca tại Colombia trong năm 2017 đã tăng 17% so với diện tích thống kê được trong năm 2016. Vẫn theo báo cáo của UNODC, sản lượng cocaine từ diện tích trồng coca như trên ước lên đến 1.379 tấn cocaine, tăng 31% so với mức của năm 2016. 

Theo báo cáo, tỉnh có diện tích trồng coca lớn nhất tại Colombia trong năm qua tiếp tục là các tỉnh biên giới như Nariño và khu Tumaco. Trong đó, chỉ riêng tại Nariño  đã có diện tích trồng coca là 43.000ha, tương đương với tổng diện tích trồng coca tại Peru. Cùng với đó, báo cáo của UNODC cũng chỉ rõ 80% diện tích trồng coca bất hợp pháp tại Colombia vẫn tập trung ở những địa điểm đã tồn tại từ cách đây 10 năm.

Báo cáo cũng cho hay, trong năm 2017, tổng số cocaine bị thu giữ tại Colombia đã tăng 20% so với năm trước đó. Cơ quan phòng chống ma túy của Liên Hợp quốc ước tính giá trị thị trường của số cocaine được sản xuất ở Colombia trong năm ngoái là khoảng 2,7 tỉ USD. Báo cáo của UNODC đồng thời cũng cảnh báo rằng nguồn tiền bất hợp pháp này có thể làm suy yếu các nỗ lực xây dựng hòa bình, văn hóa thượng tôn pháp luật cũng như hoạt động của các thể chế dân chủ thông qua việc tham nhũng và những dòng tiền bất hợp pháp…

Tại cuộc họp báo ngày 19/9, đại diện của UNODC Bo Mathiasen khuyến cáo Chính phủ Colombia nên triển khai chính sách ngăn chặn hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy toàn diện và cân bằng, bao gồm việc xóa bỏ có cưỡng chế, thay vì tự nguyện, và các chương trình phát triển thay thế cho phép những người trồng cây coca hòa nhập vào nền kinh tế một cách hợp pháp. Theo UNODC, cùng với việc diện tích trồng coca bất hợp pháp ngày càng được mở rộng, các đối tượng tham gia hoạt động này cũng ưu tiên lựa chọn các loại giống coca có năng suất cao hơn. Ngoài ra, đại diện của UNODC cũng lưu ý việc các hoạt động trấn áp và truy quét các khu vực trồng coca bất hợp pháp của Chính phủ Colombia đã suy giảm trong những năm gần đây.

Việc gia tăng diện tích trồng cây coca ở Colombia diễn ra bất chấp việc Chính phủ nước này đã đạt được thỏa thuận hòa bình với phe nổi dậy FARC hồi năm 2016. Thỏa thuận kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 52 năm, khiến 260.000 người thiệt mạng và làm hơn 7 triệu người mất nhà cửa này cũng bao gồm các điều khoản chính thức trao quyền sở hữu đất đai cho người dân và giúp họ chuyển đổi diện tích trồng coca sang các loại cây hợp pháp khác như café và cacao. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, khoảng trống mà lực lượng nổi dậy FARC để lại kể từ đó đã bị các nhóm vũ trang khác chiếm giữ, trong đó có nhiều nhóm đã dùng bạo lực để ngăn người dân tham gia các chương trình trồng cây thay thế.

Hồi đầu tháng 9, Tổng thống Colombia Iván Duque đã công bố mục tiêu đầy tham vọng là xóa bỏ 140.000 ha trồng cây coca trong vòng 4 năm tới – là thời gian ông giữ chức Tổng thống. Mục tiêu này cao hơn khá nhiều so với mục tiêu 90.000 ha của chính phủ tiền nhiệm trong cùng thời gian. “Việc này không hề dễ dàng nhưng đó là mục tiêu mà chúng tôi muốn đạt được”, ông nói. Chính phủ Colombia hiện đang thử nghiệm chương trình dùng máy bay không người lái để phun thuốc diệt cỏ gây tranh cãi glyphosat trên diện rộng. 

Trước đó, năm 2015, Tổng thống tiền nhiệm Juan Manuel Santos đã quyết định hủy bỏ chiến lược này sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về tác động tiêu cực của nó tới sức khỏe của người nông dân và môi trường nói chung, trong đó có khả năng gây ung thư ở người dân sống tại các khu vực gần nơi phun hóa chất. Cùng với đó, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng chiến dịch này có thể không mang lại hiệu quả trong việc xóa bỏ diện tích trồng cây coca như mong muốn.

Ngay sau khi báo cáo của UNOD được công bố, Tổng thống Ivan Duque đã có cuộc họp với chỉ huy quân đội Colombia. Trong phát biểu sau đó, ông Duque thừa nhận sự gia tăng trong việc trồng trái phép coca, đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ sớm hành động. “Chúng tôi sẽ công bố một chính sách toàn diện trong ít ngày tới, trong đó bao gồm các biện pháp nhằm tăng cường khả năng can thiệp cả từ trên không, trên biển và trên bộ. Mục tiêu của chúng tôi là cho thấy những kết quả đáng kể trong 4 năm tới”, ông nhấn mạnh. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.