Khu di tích Đồng Lộc, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc”, nhân kỷ niệm 44 năm ngày 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) hy sinh, hướng tới kỷ niệm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh 12-9.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho người thân của các anh hùng liệt sỹ. |
Ðến dự buổi lễ, có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Hồ Ðức Việt, nguyên UVBCT, nguyên Bí thư T.Ư Ðảng; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội; Vương Ðình Huệ, Bộ trưởng Tài chính; Ðinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông vận tải; Võ Trọng Việt, Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Trần Hồng Hà, Ủy viên dự khuyết T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; cùng các lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và một số tỉnh khác.
Sân khấu chính của chương trình được dựng ngay dưới chân Tượng đài tưởng niệm 10 cô gái TNXP, được trang trí bằng 10 bông hoa trắng được kết nên từ nhiều đoá hoa nhỏ và phía sau là 10 ngọn đuốc tượng trưng cho sự trinh trắng, sự bất tử của 10 cô gái Đồng Lộc hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, từ 17 đến 22.
Kịch bản chương trình do nhà văn Đức Ban, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh soạn thảo, nhà văn Nguyễn Khắc Phục, biên tập và dàn dựng. Chương trình gồm 3 chương: Chương 1, Hương sắc mùa thu; Chương 2, Những cuộc đời dâng hiến; Chương 3, Hồi chuông vĩnh cửu. Chương trình được dựng công phu, tái hiện hình ảnh cuộc sống người dân Xứ Nghệ; về 10 cô gái Sông La kiên cường, những điệu hò câu ví man mác, bao la mà sâu lắng… kết hợp với âm thanh ánh sáng hiện đại cùng sự phối hợp biểu diễn của một số ca sỹ như: Anh Thơ, Bùi Lê Mận, Phương Thanh… và các đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc là con đường độc đạo, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua vị trí này. Vì sự hiểm yếu đó mà không quân Mỹ đã liên tục đánh phá Đồng Lộc, nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông chi viện chiến trường miền Nam. Theo thống kê, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 quả bom tấn. nơi đây từng được mệnh danh là “tọa độ chết”. Để giữ vững huyết mạch giao thông, ta đã huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, lúc cao điểm ở nơi này có tới 1,6 vạn người làm niệm vụ phá bom, mở đường...
Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 TNXP (thuộc Đại đội 2, Tổng đội TNXP 55 tỉnh Hà Tĩnh) gồm 10 cô gái được giao nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường thông xe sau các đợt thả bom của máy bay địch. Tới khoảng 17 giờ cùng ngày, một quả bom trong trận bom thứ 15 đã rơi trúng cửa hầm nơi các cô trú ẩn. 10 cô gái tiểu đội nữ TNXP đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình. Các cô đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là di tích lịch sử. Ngã ba Đồng Lộc cùng 10 cô gái đã trở thành huyền thoại trong lòng mỗi người, là khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước.
Kết thúc chương trình ban tổ chức đã trao 16 sổ tiết kiệm (trị giá 10 triệu đồng/sổ), 16 ti-vi LCD và 16 đầu đĩa cho đại diện các gia đình của 10 nữ liệt sĩ TNXP và năm Anh hùng ở Ngã ba Ðồng Lộc. “Cõi thiêng Đồng Lộc” như một lời tri ân, khắc ghi đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta với các anh hùng liệt sĩ và khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phan Quyên