Dù phạm tội trong tình cảnh bị một nhóm người lạ mặt đe doạ, cưỡng bức, sau đó đã dũng cảm tố giác tội phạm giúp Cơ quan điều tra phá án nhưng Hoàng Chí Trung vẫn bị VKSND tỉnh Hải Dương truy tố từ 12 năm đến 20 năm, thậm chí chung thân.
Bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Trung), một cựu binh suốt năm qua khốn khổ kêu oan cho con |
Dũng cảm tố cáo tội phạm
Theo quan sát, bản cáo trạng do Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hải Dương Pham Văn Quang ký ban hành ngày 27/9/2012 truy tố 9 bị can liên quan đến vụ án trộm cắp 990 đôi giày trị giá 530,880 triệu đồng của Cty CP giày Đông Anh (DAFCO) được soạn thảo khá cẩu thả, cùng nhiều dấu hiệu bất thường khác khiến nhiều người theo dõi vụ án không khỏi hoang mang và băn khoăn về năng lực giám sát hoạt động điều tra, cũng như thái độ thiếu cẩn trọng trong việc buộc tội của cơ quan giám sát các hoạt động tư pháp, thực hành quyền công tố tỉnh Hải Dương đối với bị can Hoàng Chí Trung (nhân viên Cty DAFCO).
Hoàng Chí Trung là nhân viên tổ Công vụ thuộc Phòng Kỹ thuật của Cty CP giày Đông Anh liên doanh với Đài Loan (DAFCO). Ngày 1/4/2011, Trung lần đầu tiên được Cty giao nhiệm vụ cho Trung đi áp tải hàng cùng với Quân (lái xe), và Luật (phụ xe) của Cty vận tải NMK có trụ sở tại đường Đà Nẵng (quận Ngô Quyền, Hải Phòng). Khi xe chở hàng đến địa phận xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành (Hải Dương), Quân đặt vấn đề “xin” giầy nhưng Trung kiên quyết không đồng ý. Sau đó, Quân rủ thêm Nguyễn Khắc Tân, Vũ Văn Mạnh, Nguyễn Đức Toàn, Trần Tuấn Anh, Vũ Đình Thuyết khống chế và thu giữ điện thoại của Trung rồi cho xe đến một kho bãi trống để rút ruột giầy trong container. Các đối tượng bắt Trung phải cầm 5 triệu đồng mục đích để bịt đầu mối và hòng đổ trách nhiệm đồng phạm cho Trung. |
Theo cáo trạng: “Trong vụ án này bị can Quân là người đề xuất đồng thời là người trực tiếp thực hiện tội phạm; bị can Tân, Trung, Luật, Mạnh, Toàn, Thuyết, Tuấn Anh đều là người thực hành; bị can Trọng là người giúp sức”.
Tuy nhiên, cáo trạng cuối cùng lại quyết định truy tố 9 bị can về tội “Trộm cắp tài sản” và đề nghị tòa quyết định cho cả 9 bị can này khung hình phạt tương đối nặng được quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 138 của Bộ luật Hình sự. Với quyết định truy tố này, bị can Trung sẽ đối diện với mức án từ 12 năm đến 20 năm, thậm chí chung thân.
Đáng chú ý, lý lẽ để Viện KSND tỉnh Hải Dương xác định vài trò “đồng phạm” của Trung chỉ dựa vào một vài chi tiết thiếu rõ ràng của CQĐT, từ đó có chiều hướng áp đặt việc phạm tội như: “trên đường đi, Quân đã thống nhất với Trung là nhân viên áp tải hàng, Nguyễn Văn Luật là phụ xe về việc trộm cắp giày” hay sau khi phá container “Luật, Trung, Tuấn Anh, Mạnh, Toàn, Thuyết chuyển 102 thùng cát tông bên trong có 960 đôi giày nhãn hiệu Helly Hansen trị giá 530,880 triệu đồng xuống kho của Cty Hang Hinh rồi chở về nhà Mạnh”; hoặc dựa trên kết quả của CQĐT là Trung có “nhận tạm 5 triệu đồng” từ tay Quân để đi đến kết luận Trung phạm tội.
Trong khi vì lý do nào đó mà từ CQĐT cho đến VKS đều bỏ qua những chi tiết rất quan trọng có thể minh oan cho Trung.
Cụ thể, trong hồ sơ vụ án đều thể hiện 990 đôi giày được Quân chủ mưu chỉ đạo đàn em “rút ruột” diễn ra từ 16h đến 22 h ngày 1/4/2011.
Hầu hết các đối tượng tham gia phi vụ này là “chiến hữu” của Quân và hoàn toàn lạ lẫm đối với Trung (lần đầu tiên Trung được Cty cử đi áp tải).
Trong tình thế bị ép buộc phải tham gia ăn cắp giày nếu không sẽ gặp nhiều nguy hiểm; sau một đêm ngủ ở Hải Phòng, ngay khi áp tải hàng trở về, ngày 2/4/2011, Trung đã đến Cty trình báo toàn bộ sự việc và được tuyên dương, thưởng nóng 4 triệu đồng.
Rõ ràng, vụ án mất trộm giày nếu không có trình báo của Trung thì CQĐT Công an tỉnh Hải Dương sẽ rất mất thời gian để phá án. Trong thời gian điều tra vụ án, Trung còn được Cty cho nghỉ làm để đảm bảo an toàn cho người tố giác mà vẫn được hưởng 100% lương. Quá trình hầu tra, Trung luôn có mặt đúng theo triệu tập, tích cực giúp công an phá án. Đó là những chi tiết đáng ra cơ quan tiến hành tố tụng phải cân nhắc để xem xét cho bị can Trung.
Áp đặt để buộc tội
Theo một luật sư, Bộ luật Hình sự quy định rõ, nếu phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức; Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm; Người phạm tội đã lập công chuộc tội… như trường hợp của Trung thì sẽ được quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định. Thế nhưng những tình tiết giảm nhẹ tội cho Trung vì lý do nào đó đã bị cơ quan kiểm sát “gạt” đi, không đưa vào trong cáo trạng để giảm nhẹ tội cho Trung đã gây hoang mang, hoài nghi cho gia đình cũng như những người quan tâm theo dõi diễn biến vụ án suốt năm qua.
Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp: Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng; Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. (Trích Bộ luật Tố tụng hình sự). |
Còn về phương diện lý luận, tội “Trộm cắp tài sản” là một loại tội phạm có dấu hiệu hành vi khách quan khá đơn giản: “Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác”, nhưng theo nhiều luật sư thì trong thực tiễn việc xác định hành vi “lén lút” đang gây nhiều tranh cãi trong vấn đề định tội danh giữa các nhà áp dụng luật. Vì thế, nếu không cẩn trọng rất dễ dẫn đến oan sai.
Liên quan đến vụ án trên, một số luật sư được PLVN tham vấn đều lưu ý: không thể có trường hợp muốn trộm cắp tài sản của Cty DAFCO mà lại lén lút với chủ mưu và lại công khai hành vi trộm cắp với chính Cty DAFCO.
Nếu công khai hành vi trộm cắp tài sản của Cty DAFCO với chính Cty DAFCO thì sẽ không còn là tội “Trộm cắp tài sản” nữa. Đối chiếu với trường hợp của Trung thì các luật sư nhận định rằng nhiều khả năng Trung không phạm tội trộm cắp tài sản của Cty DAFCO như VKSND tỉnh Hải Dương đang buộc tội.
Việc Hoàng Chí Trung bị Công an tỉnh Hải Dương bắt tạm giam 1 năm qua là cú “sốc” lớn, gây hoang mang, khó khăn cho gia đình bị can, cũng như phía Cty DAFCO. Bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Trung) cùng gia đình đã có nhiều đơn kêu oan và gửi các cơ quan tố tụng tỉnh Hải Dương xin bảo lãnh cho Trung được tại ngoại, chờ CQĐT làm rõ vụ án nhưng không được chấp nhận.
Ngày 6/2/2012, Cty DAFCO có công văn gửi VKSND tỉnh Hải Dương xin bảo lãnh cho Trung được tại ngoại do hoàn cảnh của Trung quá khó khăn, vụ án lại có dấu hiệu oan sai, nhưng cũng không được Công an Hải Dương giải quyết.
Hồ sơ vụ án đã được chuyển sang TAND tỉnh Hải Dương để xét xử. Báo PLVN sẽ trở lại khi có thông tin mới từ diễn biến của phiên tòa này.
Phi Hùng