Có thể dùng nhiều nguồn tài chính đầu tư chợ truyền thống

Chợ truyền thống sẽ có thêm nguồn lực tài chính để nâng cấp, cải tạo. (Ảnh: Ngọc Hiền)
Chợ truyền thống sẽ có thêm nguồn lực tài chính để nâng cấp, cải tạo. (Ảnh: Ngọc Hiền)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong xu thế chợ truyền thống đang bị lấn át bởi hệ thống phân phối hiện đại và thương mại điện tử, việc thay đổi chính sách, qua đó mở rộng đầu tư chợ truyền thống được xem là cơ hội để loại hình thương mại này lấy lại được vị thế...

Phát triển hài hòa hệ thống thương mại hiện đại và truyền thống

Theo thống kê của Bộ Công Thương, mặc dù hiện nay kênh phân phối hiện đại đang có xu hướng phát triển mạnh nhưng số lượng hàng hóa lưu thông qua hệ thống phân phối hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 25%, còn lại đa phần vẫn thông qua kênh chợ truyền thống, bao gồm chợ đầu mối, chợ dân sinh...

Tuy nhiên, một lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (TTTN - Bộ Công Thương) từng chia sẻ với PLVN, do sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, hiện nay, các chợ đang gặp phải tình trạng rất khó khăn, nếu không có phương án xử lý và đầu tư, nguy cơ chợ sẽ biến mất và điều này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, trong khi đó, các nhà đầu tư lại không “mặn mà” vì lợi nhuận ít, việc quản lý phức tạp nên hiện nay các chợ đều gặp khó khăn trong cải tạo, nâng cấp. Do đó, nghị định mới về quản lý phát triển chợ được ban hành sẽ là cơ hội để làm “sống lại” những địa điểm vốn là các khu thương mại sầm uất tại các địa phương.

Tại Hội nghị phổ biến Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ (được tổ chức ngày 26/7), đại diện Vụ TTTN cho biết, tính đến cuối năm 2023, cả nước có 8.318 chợ, trong đó khoảng 83% là chợ hạng 3, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Chợ nông thôn chiếm khoảng 73%.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhấn mạnh, Nghị định số 60/2024/NĐ-CP được xây dựng phù hợp với thực tiễn quản lý, góp phần phát triển hài hòa hạ tầng thương mại truyền thống và thương mại hiện đại. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tiếp tục tăng cường công tác phát triển và quản lý chợ một cách có hiệu quả.

“Nghị định khuyến khích thực hiện xã hội hóa nhằm huy động và đa dạng hóa nguồn lực để duy trì, phát triển, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ, phân công rõ ràng trách nhiệm của các Bộ, ngành; phân cấp triệt để cho địa phương trong công tác phát triển và quản lý chợ... Từ đó sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong công tác phát triển và quản lý chợ, tạo động lực cho phát triển chợ” - Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nói.

Nhiều chính sách mới cho đầu tư phát triển chợ

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ TTTN thông tin, Nghị định này đã mở khá nhiều về vấn đề đầu tư chợ. Ví dụ, thay vì quy định phân cấp hỗ trợ đầu tư (trung ương, địa phương) đến một số hạng chợ, loại chợ cụ thể như trước đây, thì hiện nay, nhà nước cho phép địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn, phù hợp với tình hình thực tiễn, tính cấp thiết, các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

“Quy định này sẽ tạo thuận lợi cho việc huy động, tận dụng mọi nguồn lực phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật chợ tương xứng với vị trí và vai trò của chợ” - bà Nga nói.

Đáng chú ý, nghị định cũng đã cắt giảm thủ tục hành chính đối với quy định liên quan đến một số vấn đề như nội quy chợ (trước đây, UBND cấp tỉnh là đơn vị phê duyệt nội quy của các chợ hạng 1); quản lý điểm kinh doanh tại chợ (trước đây quy định phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt). Ngoài ra, Nghị định đã làm rõ chợ được quản lý bởi doanh nghiệp/hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ hoặc đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ đối với tài sản do Nhà nước đầu tư... thay vì ban quản lý như trước đây.

Cũng theo bà Lê Việt Nga, với sự phân công rõ ràng trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác phát triển chợ, khi triển khai, Nghị định sẽ tạo sự chủ động cho các địa phương trong đầu tư, phát triển chợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn mà các địa phương đang gặp phải trong công tác phát triển và quản lý chợ như vấn đề sử dụng vốn đầu tư công để đầu tư phát triển chợ; khai thác và quản lý hạ tầng chợ - đối với các chợ là tài sản công; quy trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ...

Từ đó các địa phương có khả năng tận dụng mọi nguồn lực để phát triển mạng lưới chợ theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ các tiểu thương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương và cả nước.

Đọc thêm

Phát hiện gần 3 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc trên đường vận chuyển từ Bắc vào Nam

Số sữa bột các loại bị thu giữ.
(PLVN) - Sáng 6/9, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện 70 mục hàng hoá, với hơn 13.500 đơn vị sản phẩm (gần 3 tấn hàng hóa) do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo đang trên đường vận chuyển từ Bắc vào Nam tiêu thụ.

Nhiều tiềm năng và dư địa từ trái dừa sáp Trà Vinh

Nhiều tiềm năng và dư địa từ trái dừa sáp Trà Vinh
(PLVN) - Dừa sáp Trà Vinh, một sản phẩm độc đáo và nổi bật của miền Tây Nam Bộ, đang dần trở thành một tài nguyên quan trọng trong ngành nông nghiệp và kinh tế địa phương. Với tính độc nhất vô nhị, dừa sáp không chỉ là loại trái cây hấp dẫn mà còn chứa đựng tiềm năng phát triển kinh tế lớn chưa được khai thác hết.

Triển lãm Electric & Power Vietnam 2024 tại TP HCM

BTC khai mạc triển lãm.
(PLVN) - Sáng 4/9, tại TP HCM diễn ra Triển lãm lần thứ 9 về công nghệ, thiết bị và giải pháp điều phối, truyền tải điện tại Việt Nam – Electric & Power Vietnam 2024, kết hợp Triển lãm Quốc tế lần thứ 16 về công nghệ HVAC, hệ thống làm lạnh và tòa nhà thông minh tại Việt Nam – HVACR Vietnam 2024.

Ngày mai, giá xăng có thể giảm tiếp?

Giá xăng dầu trong nước được dự báo tiếp tục giảm vào ngày mai. (Ảnh minh hoạ)
(PLVN) - Trong kỳ điều hành ngày mai (5/9), giá xăng dầu trong nước được dự báo có thể tiếp tục giảm lần thứ 3 liên tiếp, với mức giảm dao động từ 100-200 đồng/lít.