Liên quan đến Dự án Luật, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 17, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã cho ý kiến.
Vấn đề thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, Chính phủ đề xuất hai phương án. Phương án 1, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự thảo Luật có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn.
Phương án 2 cho rằng, viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký kết hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký kết ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Cho ý kiến,Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành Phương án 2. Bởi hiện nay, việc tuyển dụng người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động đang thực hiện theo hai hình thức hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn và không được ký hợp đồng xác định thời hạn quá hai lần. Vì thế, việc quy định như Phương án 2 sẽ bảo đảm ổn định tâm lý cho người lao động là viên chức (hợp đồng làm việc), tránh được cơ chế “xin – cho”.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cùng với việc sửa đổi chế độ hợp động theo hướng này, cần có sự điều chỉnh các quy định có liên quan bảo đảm cơ chế có “đóng” có “mở”; đề cao vai trò của người sử dụng lao động trong việc lựa chọn người lao động phù hợp với vị trí công việc, như thông qua việc đánh giá, phân loại, gắn đánh giá, phân loại với sử dụng, làm động lực để người lao động được tuyển dụng luôn phải nỗ lực, cố gắng; đồng thời bảo đảm quyền của người lao động.
Về xử lý kỷ luật, cơ quan soạn thảo cho rằng, cần bổ sung quy định xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu hoặc đã chuyển công tác có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương và sự nghiêm minh của pháp luật.
Đồng quan điểm, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, trong dự thảo Luật quy định riêng vấn đề này để có cơ sở giao Chính phủ quy định theo hướng: CBCC, viên chức sau khi nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trong thời gian công tác. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể truy cứu trách nhiệm hình sự và quy định về một số hình thức xử lý kỷ luật cụ thể.
Cùng với đó, Nghị định của Chính phủ phải quy định rõ được thẩm quyền xử lý, trình tự xử lý, hình thức xử lý, thủ tục xử lý kỷ luật với từng đối tượng là cán bộ đã nghỉ hưu, công chức đã nghỉ hưu...
Đối với vấn đề phân loại, đánh giá CBCC, viên chức, Báo cáo tổng kết thực tế thi hành Luật CBCC của Bộ Nội vụ cho biết, việc đánh giá và phân loại CBCC, viên chức còn mang tính hình thức, định tính, thiếu các tiêu chí định lượng. Chưa kể, quy định phải có ít nhất một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả… không phù hợp với một số ngành, lĩnh vực.
Trước thực tế này, Ban soạn thảo dự án Luật đề xuất, sẽ quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác đánh giá CBCC, viên chức theo hướng căn cứ vào đặc điểm ngành, nghề, lĩnh vực, địa bàn công tác để xây dựng các tiêu chí đánh giá mang tính định lượng, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương.
Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, viên chức, làm cơ sở cho việc bổ nhiệm điều động, đào tạo, bồi dưỡng loại bỏ những người không đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm thì nội dung đánh giá cần mang tính định lượng, có tiêu chí rõ ràng. Việc đánh giá cần được dựa trên kết quả và mức độ hoàn thành công việc và cần tính đến sự gắn kết, liên thông giữa kết quả đánh giá với công tác thi đua, khen thưởng CBCC, viên chức.