TAND TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) sắp đưa ra xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Thị Dung (SN 1958) và Nguyễn Thị La (SN 1960 - đều trú tại phường Tân Quang, Tp Tuyên Quang). Vụ án từng phải điều tra bổ sung 4 lần để làm rõ về một số tình tiết…
Lần này, VKSND TP Tuyên Quang đã đổi tội danh truy tố từ “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” sang “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nửa năm trước đây thì cơ quan này lại làm điều ngược lại. Phải chăng, việc “loay hoay” về tội danh truy tố như trên đã chứng tỏ, chứng cứ trong vụ án này đang có vấn đề?.
Từ đơn tố cáo của chủ nợ?
Từ đầu tháng 12/2009, Dung, La vay của bà Nguyễn Thị Lạng (phường Tân Quang) tiền với thỏa thuận (miệng) về mức lãi suất là 1.000đđồng/1triệu/1 ngày. Tổng cộng, Dung đã vay của bà Lạng 7 lần với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. La vay 4 lần với tổng tiền là gần 850 triệu.
Sau nhiều lần đòi nợ không thành, đến tháng 8/2010, bà Lạng có đơn tố cáo đến cơ quan công an vì cho rằng Dung và La đã chiếm đoạt số tiền đã vay. Lúc đầu La, Dung bị khởi tố, truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, sau đó chuyển thành “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và hiện nay thì lại quay trở lại tội danh khởi tố ban đầu.
Quy kết Dung, La về tội danh trên, CQĐT cho rằng: “Các bị can đã có hành vi gian dối là nại ra việc cần đầu tư xây dựng thủy điện ở Hà Giang, làm cho bà Lạng tưởng thật nên đã cho vay tiền, sau đó chiếm đoạt. Hành vi trên thể hiện ý thức chiếm đoạt từ trước khi vay tiền của bà Lạng…”.
Các Giấy vay tiền nay đều không thể hiện |
Hành vi “gian dối”, “tạo lòng tin” khi “nại ra việc đầu tư dự án thủy điện” của các bị cáo được thể hiện trong lời khai của bị hại và 1 số lời khai của các bị cáo. Tuy nhiên, tại rất nhiều lời khai khác cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Dung, La đều khẳng định “bị cáo vay tiền của bà Lạng để mang đi cho vay lại, hưởng chênh lệch lãi xuất. Bà Lạng có biết việc này. Do người vay chưa trả được tiền nên tôi phải khất nợ đối với bà Lạng…” hoặc “Bị cáo không đề cập đến gì đến việc “làm thủy điện” khi vay tiền… nếu tôi làm thủy điện thì tôi phải có dự án đưa cho bà Lạng chứ…”.
Trong nhiều bản tường trình khi được tại ngoại, bị cáo La viết, “điều tra viên đã hướng dẫn và ép tôi phải khai là vay tiền của bà Lạng để đầu tư thủy điện Hà Giang để cho khớp với lời khai của chị Dung và đơn tố cáo của chị Lạng”; còn Bị cáo Dung từng khai “chỉ đến khi khất nợ thì bị cáo mới viết giấy và đưa ra lý do “vay tiền đầu tư làm thủy điện kinh doanh, tiền làm ăn bị chậm”. Viết như vậy là theo yêu cầu của bà Lạng để các con bà Lạng tin”.
Quan hệ dân sự bị hình sự hóa?
Cứ theo lời khai trên và nội dung “Giấy khất nợ” do bị cáo Dung viết ngày 12/8/2010 (2 ngày sau khi bà Lạng có đơn tố cáo đến cơ quan công an) thì có thể thấy rằng, việc bị cáo nại ra “đầu tư dự án thủy điện” chỉ có mục đích là “khất nợ”, “giãn nợ” chứ không phải có mục đích “tạo lòng tin” để “vay tiền” vì việc nại ra này xuất hiện sau khi các bị cáo đã vay được tiền từ bà Lạng.
Chứng cứ quan trong nhất là các Giấy vay tiền thì đều không thể hiện mục đích các bị cáo vay tiền của bà Lạng để làm gì cả. Với chứng cứ này, một số luật sư từng khẳng định trước phiên tòa sơ thẩm rằng, “quan hệ vay nợ này chỉ là tranh chấp dân sự, không cấu thành tội phạm”.
Quá trình bị đòi nợ, các bị cáo không hề chối nợ, cũng không hề bỏ trốn khởi nơi cứ trú hoặc tìm cách lẩn tránh chủ nợ. Điều này chứng tỏ các bị cáo không có mục đích chiếm đoạt tiền của chủ nợ?.
Hai bị cáo đã có nhiều lời khai về việc dùng tiền vay được này để cho chị Ngô Thị Hoa (đang bị khởi tố, điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản") vay lại với lãi xuất cao hơn để hưởng chênh lệch. Chứng minh nội dung trên và nhằm lý giải nguyên nhân chậm thanh toán với bà Lạng, người nhà bị cáo Dung đã xuất trình nhiều giấy vay nợ của chị Hoa đối với bị cáo Dung(theo những giấy này thì Hoa còn nợ bị cáo Dung, La tổng cộng 1,7 tỷ đồng).
Tuy thừa nhận những chữ ký của chị Hoa, bị cáo La, bị cáo Dung tại giấy nợ trên là đúng nhưng CQĐT lại cho rằng, vợ chồng bị cáo Dung và bị cáo La ép chị Hoa viết giấy nợ này từ khoản tính lãi do chuyển nợ của bà Hợp chứ không có việc Hoa vay tiền của các bị cáo. Việc chị Hoa khai “bị ép” như trên liệu có đáng tin khi mà chị này đang muốn “chối nợ” và bị gia đình bị cáo Dung tố cáo lừa đảo?.
Không hiểu dựa vào đâu mà CQĐT phủ nhận giá trị của những giấy nợ này khi không có chứng cứ nào về việc chị Hoa bị ép viết giấy nợ?. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về nhận định của TAND Tp Tuyên Quang về vụ việc trên qua phiên tòa tới đây.
Bàn về chuyện “vay tiền không trả, khi nào bị tội”, Thạc sĩ Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao đã có bài viết với nội dung chính như sau: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm hai hành vi khách quan là “dùng thủ đoạn gian dối” và “chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể, nếu bên đi vay tiền chỉ mới có hành vi gian dối mà không có ý định chiếm đoạt, tức là có ý thức vay rồi sẽ trả nhưng do làm ăn thua lỗ, gặp hoàn cảnh khó khăn… nên không trả được thì không phải là tội phạm. Nếu hành vi gian dối đã cấu thành một tội phạm khác thì người có hành vi gian dối chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm đó (Ví dụ: Làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước…) Việc xác định hành vi chiếm đoạt cần phải phân biệt như sau: Nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền đã sử dụng tiền đó vào mục đích phạm tội như buôn lậu, đánh bạc, đưa hối lộ... dẫn đến mất khả năng trả nợ thì phải coi là chiếm đoạt. Nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền đã dùng số tiền đó đầu tư vào các lĩnh vực khác không đúng với thỏa thuận với người cho vay (kể cả kinh doanh hợp pháp và không hợp pháp) dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ thì cũng không coi là chiếm đoạt. Tùy trường hợp nếu hành vi sử dụng tiền vay cấu thành một tội độc lập như tội sử dụng trái phép tài sản hoặc tội cho vay lãi nặng thì họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng đó. Nếu người có hành vi gian dối sau khi vay được tiền dùng số tiền đó kinh doanh hợp pháp nhưng do bị thua lỗ, mất khả năng thanh toán nợ thì không coi là chiếm đoạt; nếu bỏ trốn thì mới coi là chiếm đoạt. |
Khoa Lâm