Vỡ kế hoạch
Theo Công văn 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019 CPH 18 DN. Thế nhưng đến hết Quý II/2019, mới có 06 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, tuy nhiên trong đó chỉ có 01 DN thuộc danh mục các DN CPH theo Công văn 991/TTg-ĐMDN. Lũy kế đến hết Quý II/2019, đã có 35/127 DN CPH thuộc danh mục phải CPH. Như vậy, số lượng DN còn phải CPH đến hết năm 2020 là 92/127 DN, chiếm 72% kế hoạch.
Tình hình thoái vốn cũng không sáng sủa hơn. Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 DN. Thế nhưng, đến hết Quý II/2019, mới có 09 thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến hết Quý II/2019, thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng. Như vậy, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg số lượng DN phải thoái vốn đến hết năm 2020 là 318/406 DN, chiếm 78,3% kế hoạch.
Cũng theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, giai đoạn 2017 - 2020 các Bộ, ngành, địa phương phải chuyển giao về SCIC 62 DN, nhưng đến hết năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành chuyển giao 30/62 DN với tổng vốn nhà nước là 4.069 tỷ đồng. Trong 06 tháng đầu năm 2019, có 02 DN bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC. Như vậy, số DN chưa chuyển giao gồm 29 DN với tổng số vốn nhà nước là 630 tỷ đồng.
Liên quan đến đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK), qua 2 lần rà soát, Bộ Tài chính cho biết, đến nay còn 780 DN CPH phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK.
Sẽ công khai để gắn trách nhiệm người đứng đầu
“Cái gì cũng chậm!” - Cục trưởng Cục Tài chính DN, ông Đặng Quyết Tiến đã phải thốt lên trong cuộc họp báo và nhờ báo chí “lên tiếng”. Nguyên nhân được đại diện cơ quan này liệt kê vẫn không có gì mới. Trả lời câu hỏi của PLVN về kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu, ông Tiến cho biết, là Hà Nội và TP HCM cũng đã bị phê bình, Thủ tướng đã có công văn phê bình, nhắc nhở TP HCM.
“Tôi cũng làm việc với TP HCM, lãnh đạo cũng rất tâm tư, thấy trách nghiệm của mình, nói rằng rất ngượng khi không hoàn thành kế hoạch nhưng cũng có nhiều vướng mắc… Các anh ý cho biết tuy không hoàn thành đúng kế hoạch nhưng quyết tâm hoàn thành 5-6 DN trong năm nay…” - ông Tiến cho hay.
Việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các DN CPH đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần cũng là vấn đề được Bộ Tài chính lưu ý. Ông Tiến cho biết, việc này ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN cũng như hoạt động của chính DN sau CPH.
Một số trường hợp được nhắc đến như TCty Thép Việt Nam chuyển sang Công ty cổ phẩn từ tháng 10/2011 nhưng đến này chưa quyết toán, TCty Máy và Thiết bị nông nghiệp CPH xong cũng không quyết toán và vừa rồi Bộ Công Thương thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm, hay Tập đoàn Dệt may bàn giao về SCIC cũng chưa quyết toán xong, Tập đoàn Dầu khí có 3 DN đã CPH xong cũng chưa quyết toán nên không minh bạch, khó khăn trong kêu gọi vốn đầu tư…
Ông Tiến cho biết: “Tới đây Bộ Tài chính sẽ rà soát danh sách các DN chậm quyết toán để đề xuất giải pháp”.
Với các DN chưa chịu niêm yết trên TTCK, trả lời PLVN, ông Tiến cho biết: “Có khoảng 20 DN trong số đó đã bị phạt. Tới đây sẽ công bố công khai các DN chậm niêm yết để gắn trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời sẽ tổ chức hội nghị 2 miền về vấn đề này. Lần này công bố công khai, cứ đúng ngày, đúng giờ Ủy ban chứng khoán tiến hành xử phạt, đảm bảo chặt chẽ, minh bạch…”.