Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho thấy, việc cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo tiến độ đề ra khá chậm. Từ năm 2016 đến nay, về tiến độ của công tác CPH, thoái vốn mới chỉ thực hiện được ở 35 trong tổng số 127 DNNN, tương ứng 27,5% và 88 trong tổng số 405 DN hoàn thành thoái vốn, bằng 21,8% so với kế hoạch trong giai đoạn 2016-2020.
Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, những số liệu nêu trên chỉ tương đối. Bởi tại thời điểm này đánh giá công tác CPH, thoái vốn Nhà nước chậm tiến độ là chưa thỏa đáng. Kinh nghiệm từ giai đoạn trước cho thấy ba năm đầu thực hiện rất chậm song hai năm cuối đã diễn ra rất nhanh vì đã có một quá trình chuẩn bị trước đó.
Đồng quan điểm nhưng ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tin tưởng kết thúc giai đoạn này có thể thành công về mặt số lượng. Tuy nhiên ông Trung lo ngại việc kết quả chào bán cổ phần không đạt được tỷ lệ cao so với số lượng mà DN đã được phê duyệt.
Ví dụ như trường hợp của Tổng công ty Sông Đà chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 219,6 triệu cổ phần, tương đương 48,82% vốn điều lệ sau cổ phần hóa, song chỉ bán thành công 0,37% khối lượng chào bán, còn lại “ế” tới 99,63% cổ phần.
“Vấn đề nằm ở chỗ, cổ phần tại các DNNN không bán được theo kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu chuyển đổi cơ cấu vốn của Nhà nước vào những ngành nghề hợp lý hơn”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ CPH là do khách quan, như khả năng hấp thụ của thị trường trong giai đoạn này tương đối yếu. Ngoài ra, hiệu quả kinh doanh của một số DNNN trước khi CPH chưa hấp dẫn được giới đầu tư.
Bên cạnh đó, một số chính sách còn bất cập về việc xác định giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, đến khi đưa vào thực hiện bị thiếu đồng bộ.
Để công tác CPH đúng tiến độ đề ra, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho rằng, công tác cổ phần hóa cần được thực hiện công khai, minh bạch, bám sát Nghị quyết trung ương của Đảng.
“Khâu chuẩn bị cổ phần hóa là rất quan trọng và việc đầu tiên là nhận thức, do đó các doanh nghiệp Nhà nước phải chủ động sắp xếp theo đúng Luật Đất đai và điều này sẽ giúp tiến độ cổ phần hóa rất nhanh”, ông Tiến nói và cho biết, vấn đề bất cập hiện nay là công tác phối hợp giữa cơ quan đại diện sở hữu vốn Nhà nước và các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
Nếu các lãnh đạo địa phương không quyết liệt thực hiện sẽ khiến thời gian bị kéo dài, vì vậy Chính phủ cần phải quy định trách nhiệm phân cấp rõ ràng hơn.
Còn theo ông Phạm Đức Trung, thực tế đã chỉ ra các DNNN sau CPH đã phát triển rất mạnh và đạt nhiều thành tựu, điều này có thể thấy rõ với các DN đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.
“Quy định đã rất rõ ràng và chế tài cũng đủ mạnh với các hành vi gây chậm tiến độ CPH, thoái vốn. Nhưng thời gian qua chưa có một trường hợp nào bị xử lý. Việc xử lý không nghiêm với những người đứng đầu DN CPH, cơ quan đại diện CPH của Nhà nước… đã dẫn đến sự chậm trễ kéo dài như trong thời gian qua”, ông Trung nói.