Sử dụng không đúng quyền lực dẫn đến chạy chức, chạy quyền
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính chỉ rõ, đây là nội dung rất khó, chưa làm một cách bài bản, chuyên nghiệp, chưa có quy định rõ ràng và gây bức xúc trong xã hội. Qua công tác giám sát, kiểm tra, qua các vấn đề liên quan đến sai phạm trong công tác cán bộ cho thấy việc sử dụng quyền lực chưa bài bản, chưa đúng quy định; có những đồng chí được giao quyền lực đã lạm quyền, lộng quyền mà pháp luật chưa có cơ chế kiểm soát.
“Sử dụng không đúng quyền lực, thẩm quyền, lợi dụng quyền lực dẫn đến chạy chức, chạy quyền. Do đó, phải xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Cho rằng công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đã đạt được nhiều thành tựu qua 30 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ và nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhưng Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Túy cũng cho rằng, công tác cán bộ còn không ít hạn chế, khó khăn, nhất là tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ. Nạn chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền còn diễn biến phức tạp, xảy ra tinh vi ở nhiều nơi, nhiều cấp.
Thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao, Ban Tổ chức Trung ương đã thành lập Tổ biên tập khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án, Quy định của Bộ Chính trị về Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ. Đến nay, ngoài việc xây dựng Đề án, Tổ Biên tập đã dự thảo Tờ trình và Quy định của Bộ Chính trị về nội dung này.
"Việc đánh giá đúng, chính xác thực trạng kiểm soát quyền lực, thực trạng chạy chức chạy quyền, chống chạy chức chạy quyền, chỉ ra những ưu, khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, thiết thực, cụ thể để tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ bằng việc ban hành Quy định của Bộ Chính trị về nội dung này có ý nghĩa quan trọng và là nhiệm vụ hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay"- ông Trần Văn Túy nói.
Phải có thể chế rõ ràng
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, góp ý tập trung vào một số nội dung, như nguyên nhân hạn chế của kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, đồng thời phân tích kỹ về bố cục, tên gọi, phạm vi, đối tượng, nguyên tắc của Quy định. Các ý kiến đại biểu đề nghị cần đề cập, bổ sung mối quan hệ giữa kiểm soát quyền lực và chạy chức chạy quyền. Phải chống cho được cơ chế xin - cho. Trong đó, cần chú ý đến giải pháp căn cơ trong việc giám sát chặt chẽ quyền lực.
Theo các đại biểu, để kiểm soát quyền lực và phòng, chống chạy chức chạy quyền, điều quan trọng nhất là xây dựng thể chế. Thể chế này phải xây dựng kỹ, rõ ở từng khâu, từng mắt xích và phải dễ kiểm tra, giám sát để gắn trách nhiệm người thực hiện từng công đoạn và phải có cơ quan giám sát việc này. Đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tình trạng chạy chức, chạy quyền, hướng tới không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng và đặc biệt vì danh dự của mỗi cán bộ.
“Tôi thấy, chúng ta không chống chạy chức chạy quyền thì trong xã hội sẽ triệt tiêu tinh thần phấn đấu của anh chị em, cán bộ đảng viên. Vì không cần phấn đấu, cứ theo “chạy chức chạy quyền” là được đề bạt và triệt tiêu các ý tưởng khoa học của các nhà khoa học, của những người làm công tác chuyên môn”- ông Phạm Cao Phong, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Ngoài nước nêu thực tế.
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhắc lại: kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ là vấn đề khó, nhạy cảm nhưng hết sức cần thiết. Do đó, quy định đưa ra cần sát với tình hình thực tế, dễ làm, dễ vận dụng, dễ kiểm tra giám sát, trên cơ sở đó để kiểm soát hiệu quả quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
“Kiểm soát quyền lực rất cần trong tình hình hiện nay. Qua giám sát, triển khai về công tác cán bộ thì có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, nhưng có nguyên nhân cơ bản là sử dụng quyền lực trong công tác cán bộ chưa chuẩn. Chúng ta chưa có quy định mang tính chất ràng buộc, trên cơ sở đó giám sát, kiểm tra rõ hơn. Tình hình đang diễn biến phức tạp nhưng không cầu toàn, không nóng vội, cần đưa ra quy định sát với tình hình thực tế, dễ làm, dễ vận dụng, dễ kiểm tra giám sát, trên cơ sở đó mới thực hiện được kiểm soát quyền lực”- ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Tổ biên tập, lãnh đạo, chuyên viên các vụ, cục, đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung ương tiếp thu tối đa và tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các đại biểu để tham mưu giúp Lãnh đạo Ban chuẩn bị tốt dự thảo Đề án, Tờ trình, Quy định, báo cáo Bộ Chính trị xem xét theo quy định.