Có nên xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLVN) - Mới đây, trong dự thảo Báo cáo đề nghị xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất luật mới này sẽ tách khỏi Luật Giao thông đường bộ 2008 đang thực thi.

Theo đó, bảy nhóm nội dụng đưa vào xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông gồm: quy định cụ thể về hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các xe; quy định về đi đường bộ; thống nhất việc quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; quy định cụ thể về tổ chức, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; quy định về giám sát việc thi hành pháp luật và trách nhiệm pháp lý; vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông...

Nêu lý do đề xuất xây dựng luật mới, báo cáo của Bộ Công an cho rằng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ phù hợp với lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ chứ chưa có điều chỉnh chuyên sâu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trong khi đó quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đang bị phân tán, chồng chéo, không có bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan giao thông vận tải với cơ quan cảnh sát giao thông chưa rõ ràng, rành mạch.

“Vì thế, xuất hiện tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm về trật tự, an toàn giao thông mà không ngành nào chịu trách nhiệm chính”, Bộ Công an nêu và cho hay hầu hết các nước trên thế giới lực lượng cảnh sát đều đảm nhiệm việc đăng ký, quản lý phương tiện giao thông, kiểm tra kỹ thuật an toàn giao thông...

Đánh giá về đề xuất này của Bộ Công an, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cựu Tổng cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam) nói: “Nếu xây dựng một luật riêng có thể cảnh sát giao thông phải ôm đồm quá nhiều thứ. Nhiều quyền sẽ mâu thuẫn với năng lực quản lý hiện nay của nhiều lực lượng khác”. Hơn nữa với khối lượng công việc hiện nay, cảnh sát giao thông đang rất phải nỗ lực, thêm việc nữa sẽ “quá tải”.

Ông Quyền cũng không đồng ý trước đề xuất đưa nội dung xây dựng, thiết lập các biển báo, quy định tốc độ, tổ chức giao thông vào Luật Trật tự an toàn giao thông vì sẽ mâu thuẫn với quy định chức năng, nhiệm vụ của công tác quản lý hệ thống giao thông.

Từ lâu nay, việc tổ chức giao thông, hệ thống biển báo từ khâu về đầu tư xây dựng cho đến suốt quá trình duy tu, bảo trì đường thì các đơn vị quản lý đường bộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải đảm nhiệm. Nay phía công an làm sẽ dẫn đến chồng chéo.

“Nếu như tất cả mọi công việc liên quan đến an toàn giao thông chỉ do một cơ quan, một ngành làm thì tính chất khách quan, sự giám sát sẽ không đầy đủ”, ông Quyền nhấn mạnh và nêu quan điểm không cần thiết phải tách luật mà chỉ cần bổ sung các quy định cho mới vào Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

Phân tích ở góc độ pháp lý, một luật sư cũng cho rằng Bộ Công an đang phải đảm nhiệm quá nhiều công việc, gánh vác trách nhiệm nặng nề ở nhiều lĩnh vực nên việc xây dựng riêng một luật sẽ “làm tăng thêm áp lực và gánh nặng” cho lực lượng thực thi và đặc biệt là cảnh sát giao thông.

Theo luật sư này, dù hệ thống pháp luật về giao thông đường bộ hiện nay tuy chưa được bổ sung hoàn chỉnh, cập nhật mới nhưng phần nào đã phân công rõ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị và xưa nay vẫn đang vận hành tốt. Vì vậy, không nên tách riêng thành Luật Trật tự an toàn giao thông mà chỉ cần bổ sung vào Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

“Nếu tách riêng, xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông thì có thể Cục Cảnh sát giao thông hiện nay phải nâng lên thành Tổng cục mới có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”, luật sư nói.

Trước nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt việc lo ngại sẽ tăng thêm gánh nặng, thêm nhiệm vụ và quyền hạn cho cảnh sát giao thông, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, Luật Trật tự an toàn giao thông xây dựng ra đời sẽ quy định cụ thể hơn chức năng, nhiệm vụ của từng bộ ngành, tránh chồng chéo và tránh trường hợp không đơn vị nào chịu trách nhiệm. Luật sẽ được xây dựng trên cơ sở các nội dung có sẵn trong Luật Giao thông đường bộ 2008 và nâng cấp các văn bản dưới luật để luật hóa.

Đọc thêm

2 người tử vong trên quốc lộ

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 9, đoạn qua thị trấn Cam Lộ.
(PLVN) - Trong 2 ngày (10 và 11/12), trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9 qua địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông khiến 2 người tử vong.

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.