Đây là ca sinh nở đặc biệt hy hữu, lần đầu tiên tại Việt Nam. Hai bé trai sinh đôi (tại Hà Nội) chào đời ngày 9/12 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nặng 2,4 kg và 2,9 kg, là kết quả của ca thụ tinh trong ống nghiệm vô cùng hi hữu: tinh trùng của người cha được bảo quản sau hơn 3 năm lấy từ tử thi.
Cặp song sinh con chị H.T.K.D |
Tiến sĩ Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, người thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm đặc biệt này, kể lại: Năm 2010, theo đề nghị của một người phụ nữ, tôi trực tiếp lấy một bên tinh hoàn của một nam giới 30 tuổi (ở Hà Nội) là chồng của chị này đã tử vong do tai nạn giao thông.
Tinh hoàn được lưu trữ, bảo quản tại ngân hàng mô - tinh trùng của bệnh viện. Trong suốt 3 năm qua, vợ của nạn nhân thường xuyên ghé thăm và chúng tôi cũng kiểm tra chất lượng tinh hoàn (vì tinh hoàn được chia nhỏ, bảo quản nguyên mô) thấy vẫn rất tốt.
“Mãn tang chồng, người vợ đề nghị được sinh con từ tinh trùng của chồng được bảo quản”, tiến sĩ Vệ cho biết.
Theo tiến sĩ Vương Văn Vệ, hiện tại một số trường hợp có người chồng bị hôn mê cũng đề nghị chúng tôi thực hiện lưu trữ tinh trùng, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện được vì tùy thuộc vào bệnh lý, tình trạng sức khỏe, lứa tuổi. Ví dụ, nếu bị ung thư, điều trị hóa chất lâu ngày ảnh hưởng đến “sức khỏe” tinh trùng thì cũng không nên thực hiện.
Đây được coi là một trong những thành tựu y học chưa từng có ở Việt Nam.
Trên thế giới, có những trường hợp lính chiến gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng để vợ của họ có thể có con nếu họ tử trận. Hoặc như các cặp vợ chồng bị chẩn đoán ung thư đã đăng ký gửi tinh trùng nhằm đảm bảo rằng họ sẽ kịp có con.
Góa phụ người Anh Diane và 2 con trai được thụ tinh từ tinh trùng người chồng quá cố. Ảnh: whattoexpect |
Tuy nhiên, việc đem tinh trùng của người đã khuất thụ tinh để đẻ con cũng gây tranh cãi về tính pháp lý tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiện nay, luật pháp mỗi nước có những quy định khác nhau về vấn đề sinh sản sau khi chết. Có không ít những tranh cãi pháp lý liên quan đến vấn đề thừa kế, an sinh xã hội sau khi những đứa trẻ chào đời bằng phương pháp đặc biệt này.
Theo một khảo sát online tại Mỹ với 1.049 người từ 18 đến 75 tuổi, gần 50% ủng hộ việc lấy và lưu trữ trứng hoặc tinh trùng từ chồng hoặc vợ đã chết hoặc sắp chết, theo Reuters.
Có 20% không có ý kiến, 30% phản đối. Phần lớn cho biết, cần phải có sự chấp nhận bằng giấy tờ của người đã chết.
Tại Việt Nam, về pháp lý, cặp song sinh từ ca thụ tinh này không được xem là con pháp lý của người cha quá cố, vì ông qua đời đã hơn 3 năm nên hết ràng buộc pháp lý với cuộc hôn nhân, có thể khai sinh theo điều khoản ngoài giá thú.
Nhưng trích dẫn Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có ý kiến cho rằng không có điều khoản nào cấm người vợ sinh con từ phương pháp lấy tinh trùng của người chồng quá cố.
Quy trình từ khi bác sĩ lấy mẫu vật phẩm đến khi chị D. sinh 2 cháu đều được bệnh viện xác nhận bằng các tài liệu, chứng cứ để chứng minh các em bé sinh ra có nguồn gốc từ người cha quá cố. Các giấy tờ chứng minh về người cha sẽ làm căn cứ xác định khai sinh của các cháu sau này.
Đây là vấn đề đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, do đó sẽ phải qua nhiều thủ tục để có thể đảm bảo phần ghi trên Giấy khai sinh có đủ cả tên bố và mẹ.
Về nguyên tắc, sau 4 năm kể từ khi chồng chết thì đương nhiên quan hệ hôn nhân với người chồng đã chấm dứt về mặt pháp lý. Do đó để khai sinh cho 2 cháu bé là con chung của vợ chồng chị D. có thể phải được sự công nhận của Tòa án.
Nếu người mẹ đi đăng ký khai sinh cho con mà không ghi tên người cha thì UBND phường, xã sẽ tiến hành khai sinh theo thủ tục thông thường như con ngoài giá thú.
Nhiều ý kiến cho rằng, công dân có thể được thực hiện các hành vi mà pháp luật không cấm. Vấn đề sinh con từ tinh trùng của người quá cố cũng không trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức của người Việt Nam. Chỉ có điều những đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp đặc biệt này sẽ không được hưởng tình thương từ người cha.