Bi hài “rượu liệu pháp”
Phụ nữ vốn không mặn mà với rượu nhưng không phải vì thế mà cánh chị em không phát hiện ra rằng rượu đôi khi là phương tiện rất hiệu quả giúp họ nói ra những nỗi ấm ức lâu nay. “Người say thường nói thật”, “ai chấp người say”, thế thì tội gì mà không giả say để nói.
“Chị nói cho chú biết nhé, chú là chưa được đâu. Chú biết vì sao chưa được không, chắc không biết hả? Mà có khi biết cũng cố tình lờ đi ấy chứ. Không biết thì chị nói cho mà biết, chú có nhớ tết này là tết thứ bao nhiêu chú cầm tiền của chị không? Chị đòi chú không trả, dù chị đã nói khoản tiền đó anh chị để lo cho cháu chú vào đại học, vậy mà nỡ nào chú tước đoạt tương lai của cháu mình”.
Mặc cho ông chồng ngồi cạnh hết cấu, huých rồi lại nói át đi nhưng chị Minh Vân (ở Làng Cót, Hà Nội) vẫn cứ nói. Mặt chị đỏ hồng, giọng hơi lạc đi nhưng nội dung trong bài nói vẫn chính xác 100%.
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Sau “câu chuyện rượu” của chị Vân, không khí trong mâm cơm tất niên lắng hẳn xuống. Vợ chồng cậu em ngượng ngập vì bị chửi thẳng mặt là cố tình tước đoạt tương lai của cháu, bố mẹ chồng chị Vân sững sờ vì chuyện này ông bà không hề hay. Biết tính con trai út của mình chỉ thích lấy không của thiên hạ, bố mẹ chồng chị Vân đã yêu cầu món nợ phải được trả đủ ngay sau Tết. Chồng chị Vân dù không hài lòng vì vợ nói ra trong bữa cơm tất niên nhưng cũng không thể trách vợ vì hôm đó rõ ràng là chị Vân say…
Lấy nhau về được vài tháng, chị Lệ - giảng viên Trường Đại học Sư phạm đã biết chồng mình không mạnh “khoản ấy” và chị còn phát hiện ra cả việc anh hay nhờ vả đến rượu để tăng khí chất đàn ông mỗi khi gần vợ. Vốn có một ông anh trai nát rượu, suốt ngày say xỉn chửi vợ, mắng con nên tất nhiên, chị Lệ không đồng ý với giải pháp “nhờ rượu” của chồng, vì sợ chồng dần dà sẽ biến thành ma men như anh trai mình. Chị cấm tiệt anh uống rượu, kể cả rượu thuốc, rượu bổ, thay vào đó chị rất chịu khó sưu tầm những món ăn bổ dưỡng nấu nướng cho chồng ăn.
Trái với suy nghĩ của vợ, chồng chị Lệ lại rất tin vào tác dụng của rượu đối với chuyện đàn ông. Mỗi khi có chén rượu vào người, anh thấy mình hừng hực khí thế, mạnh mẽ hơn hẳn. Nhưng khổ nỗi lại bị vợ cấm, nên anh chỉ mong mỗi dịp Tết đến để không bị cấm uống.
Mùng một Tết vừa rồi, vợ chồng về quê vợ ăn Tết, nhà chật chội, đông người, nằm ngủ cựa mình cũng nghe, nhưng vì có chút rượu vào nên chồng chị Lệ quên hết. Anh cứ “loay hoay” mãi mặc cho vợ lúc đầu ý nhị từ chối, sau đó bực quá phải lớn tiếng và bỏ ra ngủ phòng khách. Vì nhà chật nên chuyện đó… cả nhà đều hay (!). Sáng hôm sau, bố vợ mời con rể ngồi nói chuyện. Ông chỉ hỏi mỗi câu: “Ở nhà tôi mà anh còn đối xử với con Lệ thế thì cả năm xa xôi chắc anh vũ phu lắm hử?”. Biết bị nghĩ oan, nhưng anh con rể đành ngồi im vì càng nói sẽ càng lộ chuyện…
Mượn rượu, nên chăng?
Rượu tạo hưng phấn thần kinh, kích động tuần hoàn, kiến tạo hứng khởi và đôi khi cả khích lệ... can đảm. Khá nhiều ưu điểm như vậy nên rượu được nhiều người cả nam và nữ sử dụng như một phương pháp lên dây cót tinh thần. Nhưng uống thế nào để thành tiên tửu (tiên tửu là một trong những khái niệm về uống rượu chỉ những người uống rượu vừa phải, uống cho ngon miệng, uống xong sảng khoái khác nào tiên) thì không phải ai cũng biết, nhất là cánh mày râu.
Ngôn tửu cũng là một khái niệm nữa để chỉ sự uống rượu của những người “tửu nhập, ngôn xuất”, rượu vào, lời ra, nói không kiềm chế được, nói chẳng biết đúng - sai. Cũng với mục đích mượn rượu để nói, nhưng đã có không ít người phụ nữ không kiểm soát được bản thân, nói ra những điều không hay hoặc xúc phạm khiến người nghe khó có thể thông cảm với lý do “không chấp người say” để bỏ qua.
Theo bác sĩ Lâm Xuân Điền, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP.HCM, có một số đông người tìm đến rượu là vì muốn giải quyết một vấn đề gì đó về mặt tâm lý như những áp lực, xung đột nội tâm; những buồn chán, thất bại trong cuộc sống, công việc, tình cảm... mà không hề biết rằng nếu uống rượu thường xuyên dần dần sẽ trở thành thói quen rồi lâu ngày sẽ bị lệ thuộc rượu, cả về mặt cơ thể và tâm lý. Điều này là rất nguy hiểm.