Các nhà soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình đang đặt vấn đề có nên hạ độ tuổi kết hôn. Quan điểm này nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều của chính những người trong ban soạn thảo.
Luật sư Nguyễn Chiến: “Nhiều ông chồng trẻ con bị pháp luật xử tội “hiếp dâm” |
Hạ tuổi vì bình đẳng và phong tục tập quán
Ngoài phương án giữ nguyên tuổi kết hôn như hiện hành, nhiều phương án đang được đặt ra cho vấn đề này. Phương án 1: “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. Phương án 2: “Nam, nữ, từ đủ 18 tuổi trở lên”. Một phương án nữa là “đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, tuổi kết hôn của nam là từ đủ 18 tuổi, tuổi kết hôn của nữ là từ đủ 16 tuổi”.
Như vậy, so với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành “Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên”, các phương án mà dự thảo Luật sửa đổi đặt ra vừa có phần chặt chẽ hơn về mặt pháp lý, vừa có xu hướng hạ độ tuổi kết hôn do tính đến yếu tố phong tục, tập quán về hôn nhân, gia đình của một bộ phận dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, các quy định này đang gây nhiều tranh cãi.
Không thay đổi cũng cần có ngoại lệ
Theo tinh thần Công ước Cedaw về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ mà Việt Nam đã tham gia, nhiều ý kiến cho rằng nên quy định “Nam, nữ, từ đủ 18 tuổi trở lên” được phép kết hôn. Với phương án này, độ tuổi kết hôn của nam sẽ được hạ 2 tuổi so với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành.
Ông Sơn Minh Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - cho rằng, quy định nam, nữ từ đủ 18 tuổi được kết hôn là bình đẳng và phù hợp. Tuy nhiên, chính Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc lại không đồng tình với quy định hạ độ tuổi kết hôn xuống 16 cho nữ thanh niên dân tộc.
“Nữ dân tộc thiểu số cũng phải đủ 18 tuổi mới được kết hôn. Phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn, hiểu biết còn hạn chế, nếu để cho họ lập gia đình sớm, rồi sinh con thì làm sao mà tốt hơn được” – ông Sơn Minh Thắng góp ý.
Còn Luật sư Nguyễn Chiến - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội - lại có ý kiến khác. Ông Chiến cho rằng: Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có một phong tục tập quán khác nhau. Thực tế đã có những vụ án rất đau lòng vì nam thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số kết hôn từ 15, 17 tuổi, nhưng vợ thì chưa đến 13 tuổi.
Theo Bộ luật Hình sự thì mọi trường hợp giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi đều phạm tội hiếp dâm, thành ra, ở nơi có phong tục tập quán như vậy, một đôi vợ chồng được cả địa phương, gia đình hai họ, bạn bè công nhận, nhưng khi người vợ con bồng, con bế rồi thì pháp luật “đè” ra xử ông chồng tội “hiếp dâm trẻ em” với mức án tù rất nặng.
Luật sư Nguyễn Chiến cho rằng: “Mục đích của Luật Hình sự không phải là trừng trị những đối tượng ấy, bởi họ không có khả năng gây hại đến ổn định an ninh, trật tự. Do vậy, trong vấn đề áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi lần này cần điều tiết sao cho phù hợp, ghi nhận được các trường hợp đó”.
Phương án được Luật sư Nguyễn Chiến đề xuất là không nên hạ độ tuổi kết hôn, không quy định độ tuổi kết hôn khác cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng phải có “ngoại lệ”, có điều khoản ghi nhận những đôi vợ chồng kết hôn sớm theo phong tục, tập quán địa phương đến khi đủ tuổi luật định phải đi đăng ký kết hôn để được pháp luật công nhận họ là vợ chồng.
Rất khó để đưa ra một phương án trọn vẹn và nhận ngay được sự đồng thuận cho vấn đề tuổi kết hôn. Nhưng rõ ràng, việc sửa Luật Hôn nhân và gia đình lần này không thể không tính đến một phương án hợp tình, hợp lý cho câu chuyện nam, nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số kết hôn sớm vì phong tục, tập quán lâu đời.
Hồng Thúy