Sản phụ không chỉ biến thành "chuột bạch" trong tay các học viên thực tập ở Bệnh viện phụ sản TƯ, mà trong bảy ngày ở đây, phóng viên đã được bệnh nhân và người nhà phản ánh về tình trạng các “cò” bắt tay với nhân viên y tế thao túng dịch vụ khám bệnh từ tận cổng viện đến các khâu khám, xét nghiệm chuyên sâu.
Gặp “cò” từ cổng
Bệnh viện có hai hình thức khám: Khám thường ở cổng số 1 Triệu Quốc Đạt; khám dịch vụ tại cổng số 56, Hai Bà Trưng. Theo lời giới thiệu của nhân viên hướng dẫn, khu khám dịch vụ, bệnh nhân được thăm khám bởi các bác sĩ có kinh nghiệm, thủ tục đơn giản hơn, trả kết quả xét nghiệm cũng nhanh hơn. Tương ứng với điều này, bệnh nhân phải trả chi phí cao hơn từ 5-7 lần so với bên khám thường.
Nhiều người ở tỉnh xa không có thời gian hoặc những người có kinh tế khá giả thường lựa chọn hình thức khám dịch vụ nên khu vực này cũng có đông người khám và cũng phải chờ đợi. Lực lượng “cò” hoạt động ở cổng khám dịch vụ này khá nhộn nhịp, đáp ứng các nhu cầu khám nhanh, lấy kết quả nhanh của bệnh nhân.
Ngày 19/4, PV có mặt tại tầng 2 nhà A. Tại đây, các bệnh nhân ngồi chờ khám kín cả hành lang, hầu hết họ đều từ tỉnh xa, nhiều người phải dậy từ nửa đêm, đi hàng trăm cây số để đến đây nên ai cũng phờ phạc. Nhiều bà bầu ì ạch vác bụng nửa đứng nửa chờ đợi. Trong lúc mọi người đang kiên nhẫn chờ số thứ tự của mình, một người phụ nữ thấp đậm, đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng dẫn theo một cô gái chen vào. Người phụ nữ đi thẳng vào phòng khám, một phút sau, cô gái vừa đến được gọi, trong khi những bệnh nhân đã đến số lại phải tiếp tục chờ. Một người nói nhỏ: “Cò” đấy, khám nhanh lắm, không cần số thứ tự”.
Ngày 20/4, trong vai đưa “bà chị” đi khám thai, từ khoảng 6h30, PV đã có mặt để xếp hàng mua sổ khám tại khu dịch vụ, nhưng hàng người chờ đợi lấy số đã đông nghịt. Sau khoảng hai tiếng chờ đợi, lấy được số thứ tự hơn 2000, PV tỏ vẻ ngao ngán và lập tức được người giữ xe “bắt sóng”:
- Số này thì có mà đến tết Công-gô. Em có muốn nhanh, anh nhờ người nhà trong bệnh viện giúp cho.
Anh này còn liến thoắng:
- Thấy em khó khăn thì anh giúp đỡ thôi chứ không phải cò mồi gì đâu, tiền khám 200 ngàn đồng, em chỉ cần bỏ thêm 100 đồng nữa là khám ngay không cần chờ.
Điện thoại được nối máy, chỉ hai phút sau, một người phụ nữ mập mạp mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang xuất hiện, chính là người dẫn cô gái khám chen ngang hôm trước.
“A lô” một cái là được
Lần này, bà “cò” dẫn chúng tôi len lỏi qua khu khám dịch vụ, qua khoảng sân rộng đến nơi bán sổ, phát số, thu tiền của khu khám thường. Không cần xếp hàng, cũng chẳng cần lấy số, bà “cò” đưa quyển sổ khám có kẹp 200 ngàn đồng cho nhân viên trong quầy. Vài phút sau, chúng tôi đã cầm trên tay phiếu khám với số thứ tự 39, tại phòng khám số 19C tầng 2, tòa nhà A. Trong khi bình thường để hoàn tất các khâu này phải mất cả tiếng đồng hồ.
Một “cò” điện thoại ngay trước cửa phòng khám. Ảnh: Khánh Hà |
Đến phòng khám, màn hình đang hiển thị số thứ tự 21. Bà “cò” cầm quyển sổ của chúng tôi tiến thẳng vào phòng bác sĩ. Một phút sau, “bà chị” của PV được gọi vào. Sau mấy phút thăm khám, chị này người được bác sĩ cho đi siêu âm để kiểm tra. Cầm phiếu siêu âm, bà “cò” lại đề nghị:
- Em có muốn chị làm tiếp nhanh cho không, nếu làm thường hết 100 ngàn đồng, nhanh hết 400 ngàn đồng?
Bà lý giải cho cái giá đắt gấp 4 lần này:
- Nếu làm thường em sẽ phải quay lại khu nhà khám, lấy số, ngồi chờ đọc tên, đóng tiền rồi qua khu siêu âm, nộp phiếu đóng tiền, lại lấy số rồi ngồi chờ đến lượt siêu âm. Ít nhất cũng phải mất hai tiếng. Qua bọn chị chỉ mất 10 phút là tối đa.
PV đã từ chối dịch vụ trên để có cơ hội quan sát thêm hoạt động của các “cò”. Trong khoảng hơn một tiếng tiếp theo, bà “cò” trên đã mời được thêm ba người bệnh muốn khám nhanh, về sớm.
Đầu tiên là một cặp vợ chồng trẻ từ Thái Bình lên khám thai. Sau khi bỏ 300 ngàn đồng để được khám nhanh, họ chấp nhận bỏ tiếp 400 ngàn đồng để được siêu âm sớm.
Trong lúc, bà “cò” trên nhiệt tình hướng dẫn người bệnh thì một “cò” khác xuất hiện. Người này cũng đeo khẩu trang che kín mặt nhưng có phần trẻ hơn, dẫn theo một bà bầu băng qua hành lang nơi hàng trăm người đang kiên nhẫn chờ đến lượt để đi thẳng vào phòng siêu âm số 2. Sau khoảng chục phút, bà bầu tươi cười đi ra, hoan hỉ cầm tờ kết quả đã có ngay không cần chờ. Ít phút sau, một cặp vợ chồng trẻ từ Thái Nguyên và một chị ở Ninh Bình cũng được cặp “cò” dẫn thẳng vào phòng siêu âm.
Tại hành lang, một người phụ nữ khác cũng đeo khẩu trang nói nhỏ với thai phụ đi cùng “chị cứ vào đi, em điện thoại rồi”. Ngay sau đó, thai phụ này cũng được gọi siêu âm.
Phía sau “cò” là những ai?
Nắm được tâm lý muốn khám nhanh của những người đi khám dịch vụ, các “cò” chèo kéo sẽ đưa họ đi khám nhanh hơn nữa mà không phải xếp hàng. Thực tế, thay vì đưa bệnh nhân khám ở khu dịch vụ theo giá tiền đã trả, các “cò” đưa họ sang khám ở khu thường để ăn chênh lệnh. Bệnh nhân mới đến khám lần đầu và từ các tỉnh lẻ về đều khó phát hiện mình đã bị dẫn từ khu dịch vụ sang khu khám thường.
Như chia sẻ của bác Nguyễn Thị Tú ở Thái Nguyên đưa con gái đi khám thai: “Họ dẫn đi đâu thì đi đó chứ chúng tôi lần đầu lên đây làm sao biết được khu nào là khu khám thường, khu nào là khu khám dịch vụ”.
Giá khám thường chỉ 30 ngàn đồng, giá khám dịch vụ là 200 ngàn đồng. Các “cò” thu của người bệnh 300 ngàn đồng, tức là gấp 10 lần giá khám thường để đưa từ khu dịch vụ sang khu thường. Như vậy họ lấy của người bệnh 270 ngàn đồng (gồm 100 đồng phí “cò” và 170 ngàn đồng tiền chênh lệch giá khám).
Khi người bệnh được “cò” dẫn sang khu khám thường, nếu bác sĩ chỉ định siêu âm, xét nghiệm, họ cũng phải làm tiếp ở bên khám thường. Tức là lại lấy số, đóng tiền, chờ đợi. Lúc này nếu muốn được làm nhanh tiếp, họ lại phải đóng tiền cho “cò”.
Ví dụ, siêu âm 2D ở khu khám dịch vụ thường phải chờ 30 phút có kết quả, chi phí 100 ngàn đồng. Nếu người bệnh bị “cò” dắt sang khám thường, muốn tiếp tục “đi tắt” thì số tiền phải bỏ ra sẽ là 400 ngàn đồng, trong khi giá siêu âm 2D bên khám thường chỉ có 30 ngàn đồng. Tức là, người bệnh bị các “cò” chém đắt gấp bốn lần so với giá siêu âm dịch vụ và đắt hơn 13 lần so với giá siêu âm thường.
Với những bệnh nhân được bác sĩ chỉ định làm nhiều xét nghiệm như thử nước tiểu, thử máu, chụp X-quang… nếu muốn qua “cò, chi phí càng nhiều.
Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân sử dụng dịch vụ của “cò” đều không biết điều đó. Rất ít người biết tường tận giá khám theo quy định của viện do ngại mất thời gian tìm hiểu, lại từ xa tới, vào viện cứ “ngơ ngơ ngác ngác”, nên thường “cò bảo sao nghe vậy”.
Điều đáng nói, hệ thống “cò” hoạt động khá ăn ý từ vòng gửi xe – khu bán sổ - khu khám bệnh – xét nghiệm. “Cò” chỉ cần gọi một cuộc điện thoại, người bệnh đã chi tiền sẽ được gọi tên khám hoặc siêu âm, xét nghiệm ngay lập tức, không cần số thứ tự. Điều này cho thấy, các bà “cò” lộ diện như trên chỉ là một mắt xích, phía sau họ là cả một ê kíp, trong đó không thể thiếu sự đồng thuận của một số cán bộ, nhân viên của bệnh viện.
Với 300 ngàn đồng nhận từ người bệnh, các “cò” bỏ túi 100 ngàn đồng, còn 200 ngàn đồng kẹp sổ chuyển cho bộ phận thu tiền phát phiếu khám ở khu khám thường. Số tiền trên có lẽ sẽ tiếp tục được ăn chia cho những khâu có liên quan như khám, siêu âm, xét nghiệm…