Hạnh phúc liệu có đến?
Điều tử tế có đến?
Cho đến khi ta học xong
Cho đến khi ta đi học trở lại…
Sáng nay ra chợ, gặp chị bán rau gánh một rổ thị vàng đi bán. Rổ thị vàng ươm, thơm lạc lõng giữa chợ người. Tôi hỏi:
- Rổ thị bao tiền thế chị?
- Chị bán rau tưởng mình hỏi bao tiền một quả nên bảo: Mười nghìn 5 quả em lấy đi. Mình bảo không em lấy cả rổ chỗ ấy, 100 nghìn nhá, không biết mấy chục quả em lấy hết.
Chị bán rau xếp thị vào túi rồi hỏi:
-Em mua thị về để ăn à sao mua nhiều thế?
-Giờ còn có người thích ăn thị à?
Tôi cười: Mua thị về ăn chữa được bệnh bớt tin người chị ơi!
Ngày xưa bé treo thị đầu giường để tin trong đời sống luôn sẵn có những điều tử tế. Bây giờ lớn rồi, mua thị về để trong nhà, nghe hương thơm và nhắc mình, dẫu trên đời còn vô số những điều chẳng tử tế gì nhưng cũng đừng đánh mất niềm tin. Cứ tin rằng mình sống tử tế, thì điều tử tế sẽ đến!
Ngọn đèn sắp tắt
Ngày xưa tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi có nghe bố mẹ nói chuyện với hàng xóm về một người sắp ra đi. Đó là những lần đầu tiên trong đời tôi nghe về cụm từ “ngọn đèn sắp tắt”…
Sau này lớn lên, tôi hiểu ra cụm từ ấy ám chỉ tình hình sức khỏe của một người không còn kéo dài được bao lâu nữa…Đôi lúc, tôi nghĩ về những người thân đã khuất, những người bạn tôi quen… giờ đã ở thế giới bên kia… Tôi cũng nghĩ về tôi, về những ngọn nến tôi thường châm lên khi cầu nguyện…
Số phận của con người thật muôn hình vạn trạng, như cách mỗi một ngọn nến được sử dụng và duy trì ánh sáng… đều rất khác nhau. Hình dạng, màu sắc, chất liệu, mùi hương của cây nến cũng giống như mỗi người có một hình tướng riêng biệt.
Mục đích sử dụng của cây nến cũng rất nhiều, giống như mục đích sống của cuộc đời mỗi chúng ta. Có cây nến sinh ra để làm mồi - thắp lên ngọn lửa cho những cây đèn khác. Có chiếc nến thắp lên để chiếu sáng, xua đi những khoảng bóng tối đang bao trùm hay giúp con người ta bớt sợ hãi mà đi qua những đêm mưa rào sấm sét.
Cái khác thì được dùng để thư giãn tinh thần. Đa phần được dùng trong cầu nguyện. Có khi lại dùng để làm đẹp, làm ấm cho không gian phòng ốc, có lúc dùng để đốt đi những đồ vật khác. Có chiếc nến được dùng để chúc mừng và chia vui nhưng có những cây lại dùng để chia buồn và tạm biệt… Có cây nến được đứng vững vàng nơi giá đỡ, nhưng cũng có những cây phải đứng một mình mà dễ dàng gãy đổ.
Có cây nến được bình yên mà cháy “hết” những gì mà nó “có”. Nhưng có những cây phải đón những cơn gió từ chung quanh, những hạt mưa vô tình từ ngoại cảnh. Điều đó có thể khiến việc cháy sáng gặp khó khăn, thậm chí có khi, ngọn lửa kia dễ dàng bị tắt ngấm.
Mỗi chúng ta sống trên đời này có khác gì một cây nến đâu nhỉ? Thử nghĩ xem…khi chúng ta cất tiếng khóc chào đời, ấy là khi ngọn lửa sinh mệnh bắt đầu được thắp. Ngọn lửa ấy như tuổi thọ của một người, có thể kéo dài thật lâu hoặc có thể chỉ ngắn ngủi được đôi vài năm, vài tháng. Khi ngọn nến ấy đã hết sáp dầu, sợi bấc kia đã nhuốm đầy tàn muội, lửa bỗng lóe lên tia sáng cuối cùng rồi tắt lịm. Cũng như cách một người trút hết hơi thở cuối cùng rồi ra đi.
Có bao giờ bạn tự hỏi…
“Ngọn nến” của bạn đã cháy hết bao nhiêu rồi? Và bạn sẽ còn cháy được trong bao lâu nữa? Nếu những năm tháng ta sống như một đốm lửa... được cháy trên ngọn nến cuộc đời, thì ta sẽ cháy vì điều gì nhỉ? Những câu hỏi thật mơ hồ mà cũng đầy chân thật… và những câu trả lời thì vô tình “lặng yên” và chông chênh lắm.
Những ngày xưa ấy tôi vẫn thường bị ánh sáng lung linh của những ngọn đèn thu hút. Đôi khi tôi cảm thấy rằng, chúng ta cũng có thể như những ngọn nến kia… cùng giúp nhau “sáng” lên, cùng xua đi sự tối tăm – sợ hãi đang ngự trị, thắp lên cho nhau những niềm tin vào cuộc đời phía trước...
Có được không?
Có khó không?
Có thể?
...
Cuối cùng tôi có nhớ đến một câu:
“Một ngọn nến có thể thắp sáng cho hàng ngàn ngọn nến khác mà vẫn không bị tàn nhanh hơn.
Cũng vậy, hạnh phúc không thể nào bị vơi đi khi chúng ta mang ra chia sẻ”.
Câu nói có thể là bài học hay nhất mà những ngọn nến ấy đã dạy cho tôi. Và tôi rất biết ơn điều đó!
Giống như thói quen mua thị mỗi dịp đầu mùa hay thắp một ngọn nến lên cầu nguyện. Tôi chỉ mong mình cầu được sự tử tế, như chúng ta vẫn đối đãi và bội bạc với chính mình. Có nhiều khoảnh khắc, tâm can chấp niệm giày vò, bản tính con người vẫn chấp mê vào vòng xoáy của những ham muốn. Chỉ mùi hương ấy, một sáng ấy cũng đủ nhắc nhở chúng ta về sự tử tế. Không phải học người khác để tử tế, mà chúng ta đi tìm hiểu sự tử tế và công bằng với chính mình.