Chuyện của một cô giáo dạy văn
Một lần cô giáo dạy văn ở một huyện vùng núi của một tỉnh miền Trung ra cho cả lớp bài tập làm văn: “Hãy kể lại một kỷ niệm ấn tượng nhất của em”, để rồi cô đã thật sự sốc, bủn rủn chân tay khi đọc đến bài của một học sinh. Bài văn gồm 4 trang giấy được em kể rất tỉ mỉ về những chuyện buồn xảy ra với mình trong suốt thời gian qua.
Mở đầu trang viết, em nói: “Cuộc sống của em chẳng có chuyện gì vui, vì bao quanh em chỉ có một màu buồn tủi”. Và những nội dung các câu chuyện của em kể sau đó đều xoay quanh những mâu thuẫn gia đình. Đặc biệt là giữa em và mẹ. Em trách mẹ không thấu hiểu tâm lý con gái tuổi dậy thì, mẹ hay cau có, mắng mỏ thường dò xét, bắt bẻ em này nọ...
Sự ương bướng, hỗn láo của em khiến mẹ buồn bực, giận dữ và khiến cho những cuộc cãi vã giữa hai mẹ con không có hồi kết thúc. Em cứ làm mẹ khóc suốt thôi và hai mẹ con cứ xa nhau dần dần. Dù rất giận mẹ, nhưng em cũng biết chỉ vì mẹ quá lo lắng cho em mà sinh ra cáu gắt, cấm cản. Em chợt nghĩ, nếu không có em, mẹ sẽ đỡ khổ.
Em chết đi là không còn phải chịu những áp lực của chuyện học hành. Em chết đi là cuộc đời của mẹ em sẽ khác... Thế là em đã cố làm tất cả mọi việc để tự hủy hoại bản thân. Như lấy dao rạch tay mình chẳng hạn...”.
Sau phút giây bàng hoàng, cô giáo mình nén lòng, gạt thầm nước mắt rồi đọc cho hết bài viết của học sinh. Em kể tiếp: “Chỉ từ khi được học truyện “Chiếc lá cuối cùng” của O Hen-ri, em mới hiểu ra rằng: “Muốn chết là một tội”! Mình nợ cha mẹ sinh mạng này, dẫu có chết đi thì nợ lại chồng lên nợ. Chết cũng không thoát nợ luân hồi. Em thấy mình thật hư! Thấy có lỗi với cha mẹ thật nhiều. Em xin mẹ tha thứ cho em ...”.
Đừng oán trách cha mẹ, cha mẹ ta cũng có lúc sai lầm - đó là tâm sự của cô giáo dạy văn gửi cho học trò của mình sau bài văn đó. Cô đã gửi cho học trò của mình những dòng tâm sự đầy tâm huyết từ câu chuyện của chính cô thời bé cũng như chia sẻ và động viên em hãy thấu hiểu ba, mẹ dù đôi lúc họ có nghiêm khắc với mình.
Bà mẹ trong bài văn khi được cô giáo cho biết về bài văn của con mình đã không cầm được nước mắt. Bà mẹ nói rằng chắc chắn từ nay ba mẹ sẽ hiểu con nhiều hơn và cô bé học trò ấy cũng sẽ thấu hiểu nỗi lòng ba mẹ của mình dù đôi lúc có nghiêm khắc cũng chỉ với mục đích duy nhất luôn mong con được nên người.
Cha mẹ cũng cần biết xin lỗi con
Cô bé tác giả của bài văn trên có được cái kết có hậu là không tìm đến cái chết vì đã tự nhận thức được cũng như may mắn có một cô giáo dạy văn tâm lý, lấy mục tiêu dạy người làm trọng. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng may mắn như thế. Tháng 4/2018, một nam sinh trường Nguyễn Khuyến (Sài Gòn) tự sát vì áp lực phải đứng đầu khối.
Trước đó, tháng 1/2018, một nữ sinh ở Hà Tĩnh đã tự tử vì kết quả học tập giảm sút, không đạt được kết quả như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô. Tháng 9/2017, vì bị 3 điểm môn tiếng Anh kỳ thi đầu vào, một học sinh lớp 9 ở TP HCM đã bị trầm cảm kéo dài và nhảy từ lầu 7 chung cư xuống đất tử vong.
Trên mạng vẫn còn lan truyền bức thư tuyệt mệnh của nữ sinh ở Bình Dương tự tử 4 năm trước: “Con xin lỗi vì đã không hoàn thành được ước mơ của bố mẹ, làm bố mẹ thất vọng. Nhưng con đã trót rồi, con cũng có ước mơ, bố mẹ biết không con cũng từng mơ rằng con sẽ được học trường công an, ước rằng được mặc bộ quân phục ấy dù chỉ một lần.
Nhưng con biết thực lực của con đến đâu. Con học không giỏi từ nhỏ chắc bố mẹ đã biết. Nhưng con vẫn luôn nghĩ rằng phải cố gắng lên nếu không sẽ phụ bố mẹ, làm bố mẹ buồn. Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả…”.
Ivan là một cậu bé 7 tuổi đã bị cha mẹ bạo hành đến chết. Trước khi trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh lạnh lẽo, em cố viết nốt vài dòng thư ngắn ngủi để gửi tới họ: “Con muốn được một lần nghe mẹ nói yêu con”. |
Khi lá xanh đã lìa cảnh, con trẻ đã rời bỏ cuộc đời, chắc hẳn lúc đó cha mẹ mới giật mình nhìn lại, vậy trong mắt con mình là gì? Là mẹ, là cha hay là người đã cố chất chồng lên đôi vai nhỏ bé của con áp lực? Dù rằng có thể họ không sai, họ làm thế vì yêu con, vì lo cho tương lai của con. Nhưng cho dù có biện minh thế nào đi nữa, có hối hận chừng nào đi nữa thì sự việc cũng không cứu vãn được nữa rồi.
Thế mới biết rằng nói lời xin lỗi với con khi đã làm tổn thương con không đơn thuần chỉ là buông ra một câu nói. Đó quả là một thử thách đối với nhiều bậc phụ huynh bởi nhiều lí do, trong đó phải kể tới tâm lý bề trên và niềm tin phổ biến rằng quát mắng, roi vọt mới giúp trẻ nên người. Lời xin lỗi nhỏ bé nhưng vô cùng đáng quý.
Khi xin lỗi, ta thừa nhận rằng ta đã sai. Lời xin lỗi chân thành được nói ra thể hiện một sự nỗ lực rất lớn từ cha mẹ, khi thẳng thắn thừa nhận mình đã sai vì đã từng dùng đòn roi, quát mắng con. Đó cũng là lời cam kết từ bỏ việc lấy mục đích giáo dục và tình thương để biện minh cho hành động làm tổn thương trẻ…
Đây cũng là những thông điệp mà diễn giả Phí Mai Chi, chuyên gia tư vấn, đào tạo quyền trẻ em và giáo dục gia đình và là sáng lập viên của Trung tâm Trẻ em & Phát triển vừa chuyển tải trong buổi nói chuyện “Xin lỗi trẻ - dễ hay khó?” do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững trực thuộc Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam tổ chức vào hạ tuần tháng 10 vừa qua.
Dạy trẻ bằng bạo lực, cha mẹ thực sự thu lại được điều gì? Đó là câu hỏi mà không phải ai cũng biết câu trả lời, nhất là khi cơn cáu giận với con, thất vọng vì con nổi lên.
Câu trả lời là khi coi việc đánh mắng là công cụ để giáo dục trẻ, người lớn có thể chấm dứt hành vi không mong muốn ở trẻ một cách tức thời, nhưng kéo theo đó là một số hệ lụy: Làm trẻ thấy lẫn lộn, không hiểu rõ được về sự việc (trẻ không hiểu tại sao cha mẹ nói yêu thương mình nhưng bản thân chỉ thấy đau đớn khi bị đánh, không hiểu mình đã làm gì sai và đáng lẽ phải làm gì cho đúng); Làm trẻ cảm thấy mình ít có giá trị, có khi thù ghét bản thân và người khác và khi nghĩ là “mình chả ra gì” trẻ có thể làm những hành động “chẳng ra gì”, đó thực sự là một vòng luẩn quẩn; Khi bị trừng phạt trẻ cảm thấy “lỗi” của mình đã được “trả” và có thể lặp lại lần khác; Làm trẻ tức giận và mong muốn trả thù người lớn; Trẻ sẽ tìm cách lừa dối người lớn để lần sau tránh bị trừng phạt; Trẻ bị đánh thường xuyên sẽ dần trở nên trơ lì, dạn đòn, ngỗ ngược. Trẻ không học được tính kỷ luật, có chăng chỉ là học được một tấm gương xấu, ví dụ như có thể dùng bạo lực khi tức giận.
Sau cùng theo diễn giả Phí Mai Chi, áp dụng đòn roi, quát mắng không dạy cho trẻ sự tôn trọng thực sự mà còn gia tăng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Lời xin lỗi đúng lúc, đúng cách mở ra cơ hội để cha mẹ và con cái đối thoại để hiểu nhau hơn. Bên cạnh đó, có thấy những ưu tư của cha mẹ, các em biết thông cảm và tham gia cùng cha mẹ trong việc tháo gỡ những khó khăn…
Có hay không khái niệm “đánh con an toàn”?
Không có khái niệm nào gọi là “đánh đập an toàn”. Mọi hành vi như vậy đều thể hiện sự thiếu tôn trọng trẻ em và xâm phạm quyền trẻ em. Một số nước đã cố gắng đưa ra luật quy định cách đánh trẻ có thể chấp nhận được - ví dụ, nói rằng chỉ có trẻ em ở một độ tuổi hay giới tính nhất định mới có thể bị đánh hoặc trẻ chỉ có thể bị đánh theo những cách nhất định. Đây là một thực hành xấu và không công bằng.
Mọi người sẽ không bao giờ đưa ra một số loại bạo lực coi là chấp nhận được đối với phụ nữ hoặc người cao tuổi. Vậy thì, tất nhiên mọi hành vi bạo lực chống lại những nhóm người này và mọi nhóm khác là trái pháp luật.
Thật sai lầm khi nói, một số loại bạo lực đối với trẻ em là chấp nhận được. Trẻ em có quyền được bảo vệ bình đẳng trước mọi hình thức bạo lực. Và thậm chí, các em - những người nhỏ hơn và yếu hơn người lớn, có quyền được bảo vệ nhiều hơn.