Theo đánh giá của các chuyên gia, mức độ cạnh tranh trên thị trường VT-CNTT đang ngày càng trở nên khốc liệt, đặc biệt 2018 là năm khởi đầu thực hiện việc chuyển mạng giữ số, cho phép người dùng di động lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ mà không phải thay đổi số thuê bao. Chính vì vậy, các nhà mạng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển thuê bao mới, dẫn tới cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông nhằm tăng doanh thu và thị phần gay gắt.
Trước những thay đổi của thị trường, VNPT đã có những chiến lược phát triển mới, đó là tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình chuỗi giá trị, trong đó mỗi đơn vị tổ chức hoạt động chuyên biệt một công đoạn trong chuỗi giá trị. VNPT cũng xác định rõ việc cạnh tranh phải lành mạnh và sản phẩm đưa ra thị trường là sản phẩm sạch, doanh thu sạch. Ngay từ những ngày đầu năm 2018, VNPT đã thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm nâng cao sự hợp lực của các đơn vị, hợp lực giữa các Tổng công ty, giữa các Tổng công ty với VNPT tỉnh/thành, giữa Kinh doanh và Kỹ thuật trên cùng một địa bàn và chăm sóc khách hàng.
Điều đầu tiên và cũng rất quan trọng cần phải đề cập tới đó là sự thay đổi trong quan điểm và tư duy làm việc của cán bộ công nhân viên VNPT với nguyên tắc lấy khách hàng làm trung tâm, hướng tất cả các hoạt động của mình để đáp ứng, phục vụ công tác kinh doanh, bán hàng và cung cấp các dịch vụ của mình cho khách hàng, cho thị trường một cách hiệu quả nhất. Trong khi đó, các đơn vị của VNPT luôn phối hợp chặt chẽ và giải quyết triệt để mỗi khi có các vấn đề, sự cố phát sinh liên quan đến thiết bị, mạng lưới.
Từ những thay đổi trên, VNPT đã đặt ra mục tiêu trở thành nhà mạng đem lại nhiều trải nghiệm nhất cho khách hàng trong việc triển khai công nghệ mới, dịch vụ mới với chất lượng mạng, dịch vụ và phục vụ tốt. Hàng loạt dịch vụ mới đã được ra mắt: di động 4G, gói cước Gia đình và Văn phòng Data, các giải pháp cho xây dựng đô thị thông minh…
Hiện, mạng 4G của VNPT các tổ chức uy tín thế giới đánh giá có tốc độ download/upload đứng đầu tại Việt Nam. Chất lượng download/upload mạng băng rộng FTTH của VNPT cũng đã vươn lên vị trí số 1. Năm 2017, VinaPhone được Công ty tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu Brand Finance xếp hạng trong Top 10 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam 2017. Và mới đây, cũng chính VinaPhone được thẩm định đánh giá top 10 doanh nghiệp tín nhiệm nhất Việt Nam cùng hệ thống ngành Kinh tế năm 2017.
Hiện tại, VNPT tập trung xây dựng hệ thống đánh giá trải nghiệm khách hàng sử dụng dịch vụ VT - CNTT bằng Bản đồ hành trình trải nghiệm khách hàng, Bộ chỉ tiêu khung đo lường trải nghiệm khách hàng…Những nỗ lực đó đã góp phần đem lại những kết quả tích cực trong công tác chăm sóc khách hàng, đưa hình ảnh, thương hiệu VNPT tới gần hơn, rộng hơn với người dân trong xã hội.
Năm 2018, Tập đoàn sẽ tập trung phát triển các dịch vụ công nghệ thông tin mang tính đột phá trong kinh doanh chuyển từ khái niệm nhà mạng viễn thông (Telco) sang nhà cung cấp dịch vụ truyền thông kỷ nguyên số (DSP) nhằm chuyển đổi sang kinh doanh các dịch vụ số, các dịch vụ giá trị gia tăng, công nghệ thông tin, truyền thông và công nghiệp công nghệ thông tin.
VNPT đang có lợi thế về hạ tầng với chiến lược cáp quang xuống 100% các xã, chương trình phủ sóng biển đảo được đẩy mạnh, 3G 900Mhz được đánh giá cao. Trong thời gian tới, VNPT tiếp tục quản lý, giám sát chất lượng thiết bị đầu cuối để không ảnh hưởng đến công tác chăm sóc khách hàng. Về lĩnh vực IPTV, VNPT sẽ thay đổi công nghệ IPTV mới, để có những nội dung độc quyền, có những sản phẩm chất lượng đột phá hơn nữa.
Trong tháng 01, VNPT đã thoái vốn thành công ở hai công ty là Cty CP Tin học - Viễn thông Hàng không (AITS) và Cty tài chính TNHH Một thành viên Bưu điện (PTF) với mức giá cao gần gấp hai lần mức định giá của Tập đoàn.
Trong quý 01 này, VNPT tiếp tục thực hiện bán đấu giá cổ phần tại hàng loạt DN như: Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank), CTCP Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam, CTCP Đầu tư xây dựng viễn thông Cần Thơ, CTCP Xây lắp Bưu điện miền Trung; CTCP Tư vấn đầu tư và phát triển Bưu điện Hà Nội, CTCP Thiết kế Viễn thông Tin học Đà Nẵng,... Tổng mức giá khởi điểm của các hoạt động thoái vốn kể trên lên đến khoảng 1.500 tỷ đồng.
Theo lộ trình, đến cuối năm nay, VNPT xác định giá trị DN và đến cuối năm 2019 sẽ tiến hành niêm yết cổ phiếu ra thị trường lần đầu (IPO). Khi đó, Nhà nước tiếp tục nắm giữ 65% vốn chủ sở hữu và 35% còn lại sẽ được chào bán cho nhà đầu tư.