Liên tục tuyên truyền, phổ biến về EVFTA
Trong Kế hoạch hành động của Chính phủ thực thi Hiệp định EVFTA do Bộ Công Thương dự thảo, có 5 nhóm chính, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước châu Âu (EU) được đặt lên đầu tiên. Theo đại diện Bộ Công Thương, phải tuyên truyền thường xuyên, liên tục về những lợi ích mà EVFTA mang đến cho kinh tế Việt Nam nói chung, cho lợi ích của từng doanh nghiệp (DN) nói riêng.
Theo đó, các hội nghị phổ biến, tận dụng các cơ hội trong EVFTA liên tục được Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác. “Cổng thông tin” về EVFTA cũng đã được Bộ Công Thương mở trên Cổng thông tin điện tử của Bộ với mục tiêu “hành động” để tận dụng tốt nhất những hiệp định thương mại đã có…
Tất cả chỉ nhằm mục đích phổ biến các nội dung của Hiệp định EVFTA tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN chế biến xuất khẩu (XK) để các đơn vị có kế hoạch xuất khẩu phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường EU. Sau đó sẽ đề xuất cụ thể các giải pháp, biện pháp cũng như cách thức tiếp cận thị trường EU đối với từng ngành hàng để khai thác được tối đa các ưu đãi từ Hiệp định.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ bàn cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan và tổ chức liên quan (bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN, truyền thông báo chí) để đảm bảo công tác thông tin, truyền thông cũng như phát triển XK sang thị trường EU một cách bền vững, phù hợp với năng lực cạnh tranh của từng ngành hàng trong bối cảnh hiện nay.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề nghị các cơ quan liên quan cũng như các địa phương cùng phối hợp tiếp tục phổ biến về cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan đến XK nông, lâm, thủy sản cũng như các nhóm ngành hàng khác sang thị trường EU, kịp thời có hướng dẫn, giải đáp về các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn sản phẩm của EU để các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các DN XK có kế hoạch kinh doanh phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả XK trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng khẳng định, với EVFTA, DN Việt Nam đặc biệt có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19. Do đó, Bộ sẽ phối hợp với nhiều đơn vị tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng DN nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh để DN tận dụng tối đa nhất những cơ hội từ EVFTA.
Doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa
Trong rất nhiều hội nghị, đại diện Bộ Công Thương đều cho rằng, trong cuộc chơi này, DN phải ở thế chủ động nắm bắt thông tin. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, các DN cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.
Thứ trưởng Công Thương cũng chia sẻ, EVFTA kết thúc đàm phán năm 2015. Trong 5 năm qua, đã có rất nhiều bài báo, tài liệu trình bày về EVFTA. Vụ Chính sách Thương mại đa biên cũng đã tổ chức đăng tải nội dung EVFTA, giải thích về hiệp định và đặc biệt có mục “hỏi – đáp” trên Cổng thông tin của Bộ để phục vụ tất cả những thắc mắc của DN liên quan đến EVFTA. Tuy nhiên, sự quan tâm của DN tương đối nhỏ. Bởi thực tế hiện nay, trên 50% số DN không hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Trong số các DN làm hàng XK lại tuyệt đại đa số chọn phương án XK ủy thác, không quan tâm tới thuế nên sự quan tâm đến EVFTA rất ít.
“Có một số hiệp hội, ngành hàng như thủy sản, da giày đã rất tích cực và tích cực ngay từ những ngày đầu tiên bước vào đàm phán và giờ họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho EVFTA. Do đó, tôi mong muốn DN chủ động hơn nữa, nghiên cứu để nắm bắt cơ hội, đừng để người nước ngoài nắm bắt cơ hội của mình. Muốn có mùa vụ bội thu thì phải dậy sớm đi ra đồng” - ông Khánh bày tỏ.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cũng cho biết, Vụ này đã tổ chức một số hội nghị trực tuyến về EVFTA, thông báo rộng rãi cho tất cả các hiệp hội ngành hàng nhưng số lượng DN có người dự không đáng kể. “Thậm chí, có những hội nghị đa phần là sinh viên tham gia! Trong khi đó chúng tôi mong muốn DN - những người được lợi nhất trong cuộc chơi này tích cực hơn thì những câu hỏi nhận được lại rất chung chung, trong khi chúng tôi sẵn sàng giải đáp những câu hỏi cụ thể chi tiết về thuế, về quy tắc xuất xứ… để DN có thể tận dụng tối ưu nhất EVFTA” - ông Khanh nói.
Thời hạn thực thi EVFTA đã đang đến rất gần. EVFTA được ví như đường cao tốc ra biển lớn nhưng nếu không tìm hiểu, không chuẩn bị thì chưa chắc DN đã tận dụng được “tốc độ” trên con đường này. Cơ hội dành cho 98% DN nhỏ và vừa ở EVFTA là rất lớn, những khai thác được hay không phụ thuộc vào sự chủ động của DN.
Vì sao doanh nghiệp chưa muốn hiểu về EVFTA?
“Thực tế hiện nay, trên 50% số DN không hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Trong số các DN làm hàng xuất khẩu lại tuyệt đại đa số chọn phương án xuất khẩu ủy thác, không quan tâm tới thuế nên sự quan tâm của họ đến EVFTA vẫn rất ít”.