Hàng hóa qua cảng liên tục tăng
Năm 2018, để chuẩn bị cho việc ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược biển, Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW (Khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam (sau đây gọi là Nghị quyết).
Theo đánh giá, đến tháng 12/2017, cả nước có 1.541 phương tiện vận tải thủy cung cấp dịch vụ VTSPB mang cấp VR-SB (tàu VR-SB); cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách ven biển và trên 21 tuyến vận tải từ bờ ra đảo. Riêng tuyến vận tải cao tốc trên biển thì chưa hình thành được như đã nêu tại Nghị quyết (về tuyến cao tốc xin nhắc lại, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết có “nỗi đau Vinashin” với việc thử nghiệm tàu cao tốc ven biển với con tàu mang tên Hoa Sen, sau trở thành một trong các đại án).
Dù vậy, theo đánh giá, vận tải sông pha biển (VTSPB) đã có sự phát triển ngoạn mục. Với chi phí đầu vào thấp, chi phí vận hành và khai thác thấp làm cho giá cước cạnh tranh nên phương thức VTSPB có nhiều lợi thế để phát triển. Khối lượng hàng hóa được các phương tiện VR-SB vận tải thông qua cảng biển từ khi mở tuyến đến hết tháng 4/2019 đã đạt gần 85 triệu tấn hàng hóa với hơn 81.500 lượt phương tiện VR- SB vào, rời cảng biển.
Mức tăng trưởng số lượng hàng hóa qua cảng trung bình hàng năm ngày càng cao. Năm 2018, sản lượng hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện VR-SB qua cảng biển đã đạt gần 35 triệu tấn tăng hơn gấp 7 lần so với năm 2015. Số lượt phương tiện vào, rời cảng biển cũng tăng mạnh từ 5.175 lượt trong năm 2015 đến 28.750 lượt vào năm 2018.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngổn ngang nỗi lo. Quy hoạch thiếu tầm nhìn, nhiều vấn đề về quản lý thoát ly thực tiễn. Do phát triển “nóng” nên các quy định pháp luật về thuyền viên, trang thiết bị thông tin liên lạc, kết cấu… của phương tiện VR-SB vẫn còn tồn tại nhiều bất cập dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người, phương tiện đặc biệt khi phương tiện này hoạt động trên biển. Từ năm 2014 đến nay, trên các vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam đã xảy ra 38 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến phương tiện VR-SB gây chìm đắm 26 phương tiện.
Quy hoạch chưa theo kịp thực tế
Thực tế, để thực hiện Nghị quyết quan trọng, mang ý nghĩa nhiều mặt này, năm 2013, Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch về VTSPB đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo Quyết định này, đến năm 2020, tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa VTSPB đảm nhận khoảng 17,1 triệu tấn, tổng khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 11.325 triệu T.km, định hướng đến năm 2030, tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa VTSPB đảm nhận khoảng 30,3 triệu tấn, tổng khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 20.743 triệu T.km.
Về đội tàu VTSPB bao gồm các tàu hàng tổng hợp bao kiện, hàng rời, hàng lỏng, có trọng tải đến 5.000 DWT. Quy mô đội VTSPB đến năm 2020 khoảng 855.000 DWT, định hướng đến năm 2030 khoảng 1.515.000 DWT.
Về tuyến vận tải, quy hoạch 6 tuyến vận tải sông pha biển tại khu vực miền Bắc qua các cửa sông: cửa Vạn Gia, cửa sông Chanh, cửa Nam Triệu, cửa Trà Lý, cửa Lạch Giang và cửa Đáy cho tàu pha sông biển từ 600 DWT đến 3.000 DWT. Khu vực miền Trung quy hoạch 4 tuyến qua các cửa sông: cửa Lạch Trào, cửa Hội, cửa Sót và cửa Gianh cho tàu VTSPB từ 600 DWT đến 2.000 DWT. Khu vực miền Nam, quy hoạch 11 tuyến qua các cửa sông: cửa Cái Mép, cửa Ngã Bảy, cửa Soài Rạp, cửa Tiểu, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Định An, cửa Gành Hào, cửa Bồ Đề, cửa Ông Đốc, cửa Rạch Giá cho tàu pha sông biển từ 600 DWT đến 5.000 DWT.
Năm 2014, Bộ GTVT cũng đã công bố 3 tuyến vận tải ven bờ; bao gồm tuyến Quảng Ninh - Quảng Bình ; tuyến Bình Thuận - Kiên Giang và tuyến Quảng Bình - Bình Thuận. Sau khi công bố 3 tuyến này, Bộ GTVT tiếp tục có nhiều cố gắng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh khai thác VTSPB cho nối tuyến, do đó phương tiện VR-SB có thể chạy từ Bắc vào Nam như các tàu biển. Tuy nhiên, quy hoạch đã chưa theo kịp, tầm nhìn hạn chế. Chỉ riêng năm 2018, sản lượng hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện VR-SB qua cảng biển đã đạt gần 35 triệu tấn vượt quy hoạch của năm 2030.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, tính kết nối giữa các phương thức vận tải từ đường sắt, đường bộ, đường thủy còn một số rào cản về đầu tư hạ tầng luồng tuyến. Thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà, sách nhiễu. Bên cạnh đó, kho gom hàng thiếu, phương tiện chở hàng rời chưa đồng bộ, việc nạo vét luồng, một số tuyến đường thủy chưa đồng bộ giữa cầu và luồng, tĩnh không cầu chưa đảm bảo dẫn đến hạn chế tàu lớn lưu thông.
Các doanh nghiệp VTSPB hiện nay chủ yếu vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia tuyến vận tải SB. Dù đầu tư phương tiện lớn, nhưng không có thị trường nguồn hàng ổn định nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Để VTSPB phát triển được như kỳ vọng, ngoài bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, Bộ GTVT hơn ai hết tập trong tháo gỡ triệt để thủ tục hành lang pháp lý cho tuyến VTSPB, rà soát thủ tục hành chính, đầu tư hạ tầng, vướng ở đâu sẽ tập trung tháo gỡ ngay bằng những việc cụ thể, tránh chung chung. Điều này còn có ý nghĩa góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (Khóa 12) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng sắp chủ trì Hội nghị về vận tải thủy, ven biển
“Dự kiến, trong tháng 9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì một hội nghị lớn về lĩnh vực vận tải thủy và vận tải ven biển. Trao đổi với PLVN, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, Bộ đang nỗ lực để thực hiện chiến lược phát triển dịch vụ vận tải, thúc đẩy tái cơ cấu lại lĩnh vực vận tải và tạo sự kết nối thực chất hơn trong vận tải, qua đó làm giảm sự mất cân bằng giữa các phương thức vận tải. Được biết, để phục vụ Hội nghị quan trọng này, Bộ GTVT đã chỉ đạo Vụ Vận tải phối hợp với các Cục Hàng hải, Đường thủy nội địa và Đăng kiểm tập hợp tình hình thực tế phản ánh thực trạng và đề xuất giải pháp tháo gỡ những bất cập về chính sách nhằm phát triển hai lĩnh vực nói trên”.