Bắt kịp xu hướng chung để tồn tại, phát triển
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, phát triển xanh, XK xanh, bền vững không còn là chủ đề mới. Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã trở thành xu hướng toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon và phát triển bền vững.
Xu hướng phát triển xanh đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh Liên minh Châu Âu (EU), thỏa thuận xanh EU kèm theo các cơ chế chương trình như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...
“Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước XK cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Bà Mira Nagy - Trưởng Hợp phần, Dự án Hướng tới sự tuần hoàn thuộc Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức tại Việt Nam đánh giá, đối với Việt Nam, EU là thị trường XK điện tử lớn thứ hai, với 1/3 lượng điện thoại XK sang các nước EU nhưng xét về giá trị kim ngạch lại đứng thứ nhất, tiếp theo là giá trị nhập khẩu ngành dệt may Việt Nam, ngành cơ khí máy móc, da giày và đồ nội thất đứng thứ 3. Do đó, các kế hoạch hành động phát triển nền KTTH của EU sẽ có tác động sâu rộng ở cấp độ toàn cầu và đối với các nước thứ ba ngoài EU, như Việt Nam.
“Chính sách KTTH của EU mang lại cả thách thức và cơ hội cho Việt Nam trong các lĩnh vực như điện tử và phương tiện. Ngành sản xuất (SX) thiết bị điện tử đang ngày càng phát triển của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khi điều chỉnh quá trình SX với yêu cầu thiết kế sinh học của EU, trong khi vẫn ở giai đoạn đầu của phát triển” - bà Mira Nagy nói.
Ngoài ra, theo bà Mira Nagy, các chính sách KTTH của EU và nhiều chính sách khác sẽ tác động đến quy trình SX nguyên liệu và sơ chế, bao gồm quy trình SX ở các nước thứ ba như Việt Nam. Ví dụ, quy định về ắc-quy có thể là cơ hội tăng trưởng cho các nhà SX ắc-quy xe điện của Việt Nam trong giai đoạn này. Các cơ sở khai khoáng niken ở Việt Nam có thể được mở cửa hoạt động trở lại và thành lập để cung cấp cho các nhà SX ắc-quy bán sản phẩm sang thị trường EU.
Nhiều hướng chuyển đổi xanh
Ông Lê Văn An - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho rằng, trong việc chuyển đổi xanh có thể bắt đầu từ nhiều hướng, như đầu tư năng lượng tái tạo bằng cách tận dụng hồ thuỷ lợi, kênh mương tưới tiêu để SX điện năng lượng mặt trời. Cùng với đó, trồng tre ở ven các hồ thuỷ lợi vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, giữ nước, đất và cây tre cũng mang lại giá trị cả về tín chỉ carbon.
Theo ông An, nếu thực hiện được thì việc chuyển đổi SX xanh hoá sẽ rất hiệu quả trong việc phát triển thị trường và XK vào thị trường EU. Bởi, như cây tre có thể dùng để SX than và than này SX ra hạt nhựa độ phân hủy cao, phù hợp với yêu cầu xanh hoá của EU hay viên nén tre để SX điện sinh khối.
Ông Đinh Quốc Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dẫn số liệu thống kê 9 tháng của năm 2023 cho thấy, sản lượng thép XK của Việt Nam tăng cao, lên đến 81% so với cùng kỳ. Thép vẫn là vật liệu cơ bản của thế giới; Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhu cầu thép phát triển hạ tầng cơ sở tăng nên cơ hội cho ngành thép là khá lớn.
Tuy thế, ngành thép lại là một trong những ngành tiêu tốn năng lượng và phát thải nhiều, buộc phải thúc đẩy nhanh hơn quá trình SX xanh, giảm phát thải để tăng XK vào EU, hướng tới mục tiêu Net Zero trong dài hạn. “Nhưng không dễ để DN có thể thực hiện yêu cầu này bởi làm thép xanh là con đường dài, đòi hỏi nguồn lực về tài chính, công nghệ, cũng như sự chủ động của DN, nhất là khi quy định giảm phát thải carbon vẫn còn mới” - ông Thái nói.
Theo ông Thái, ngành thép Việt Nam và các DN thép đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan để có hành động đáp ứng được yêu cầu CBAM. Thời gian tới, VSA sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp và lộ trình triển khai nhằm cân bằng việc dần giảm phát thải carbon, bảo đảm tiến tới một ngành SX thép có khả năng cạnh tranh và phát triển xanh. Để đẩy mạnh XK, DN thép trong nước phải nâng cao kiến thức và hướng tới SX xanh, bền vững, bắt kịp xu thế của thế giới.