Ngày 29/10, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Điều hành và Sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab sẽ đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo”.
Tham dự Đối thoại dự kiến còn có Chủ tịch WEF Borge Brende, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam, khoảng hơn 50 lãnh đạo toàn cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu và lãnh đạo một số tập đoàn doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Đối thoại chiến lược quốc gia lần đầu tiên giữa Việt Nam và WEF có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các nước, trong đó có Việt Nam, bắt đầu chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh, đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế trong giai đoạn “bình thường mới”.
Đối thoại là cơ hội để WEF và các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp lắng nghe, trao đổi với Thủ tướng Chính phủ về những mục tiêu, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025; nắm bắt các cơ hội mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời đưa ra các ý kiến tư vấn, góp ý về việc phát huy, tận dụng các động lực về đầu tư và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Việc tổ chức Đối thoại lần này cũng cho thấy WEF và các tập đoàn, doanh nghiệp thành viên đánh giá cao tiềm năng phát triển, vị thế chiến lược của Việt Nam; mong muốn đóng góp vào những nỗ lực, biện pháp của Chính phủ Việt Nam nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của Việt Nam.
Lần đầu tiên, đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF. |
Về phía Việt Nam, Đối thoại cũng được kỳ vọng là cơ hội kêu gọi đầu tư, đồng thời huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển; phương hướng triển khai tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, khai thác các động lực tăng trưởng từ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đối thoại nhằm truyền tải tới các tập đoàn toàn cầu tầm nhìn, khát vọng và mục tiêu của Việt Nam được đề ra tại Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Qua sự kiện này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng gửi thông điệp tới WEF và các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài về khát vọng phát triển và chủ trương thích ứng với COVID-19 của Việt Nam; Việt Nam sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, tăng cường sản xuất tại Việt Nam.
Đối thoại có ý nghĩa hết sức thiết thực với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư” nhằm huy động mọi nguồn lực, nhất là từ khu vực tư nhân trong ứng phó với dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Một số hợp tác cụ thể giữa WEF và các bộ, ngành của Việt Nam đang được triển khai. Bộ Thông tin Truyền thông (được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền) và WEF đã ký Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và WEF về thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 và liên kết Trung tâm này với mạng lưới các trung tâm trên thế giới. Bộ TN&MT và đại diện WEF đã ký kết Ý định thư liên quan đến xử lý rác thải nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Việt Nam cũng là một trong những đối tác chủ chốt của WEF trong khuôn khổ sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”. WEF đang trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc Việt Nam tham gia sáng kiến “Trung tâm thu hẹp khoảng cách đổi mới sáng tạo” nhằm góp phần hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Bộ GD&ĐT đang trao đổi với WEF về khả năng hợp tác triển khai mô hình thúc đẩy thu hẹp khoảng cách kỹ năng.