Các nhà đầu tư chứng khoán ngày càng mất niềm tin khi thị trường tiếp tục đi xuống, thậm chí giảm sâu liên tục ở cuối tháng 8 này.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, đưa ra một số nhận định về tình hình kinh tế và cơ hội đầu tư từ nay đến cuối năm.
Khó trong khổ ngoài
Theo ông Hiển, thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động nhiều yếu tố. 7 tháng đầu năm, kinh tế thế giới tuy có phục hồi nhưng còn chậm, Mỹ đang nỗ lực để không rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.
Châu Âu ra sức thắt chặt ngân sách để vượt qua giai đoạn khó khăn về nợ công; còn EVB công bố những quy định khắt khe về tài sản ký quỹ ngân hàng. Kinh tế châu Á có đà tăng trưởng khá và được kỳ vọng là động lực thúc đẩy kinh tế thế giới. Tuy nhiên, kinh tế Châu Á đang có nguy cơ lạm phát cao. Nguy cơ bong bóng nhà đất tại Trung Quốc có thể đe dọa đà tăng trưởng của khu vực.
Tác động thứ 2 là kinh tế vĩ mô trong nước. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,2% và đang có xu hướng tăng, nhiều khả năng sẽ đạt 6,5% như kế hoạch của Chính phủ. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 có mức tăng thấp nhất trong 6 năm qua (tăng 0,06%).
Theo đó, CPI 7 tháng đã tăng 4,84%. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu CPI đạt 8% của năm 2010, thì CPI 5 tháng còn lại là 3,16%. Trong khi đó, Chính phủ đang gặp khó khăn trong bội chi ngân sách, tính đến 15/7 là 31,5 nghìn tỷ đồng (khoảng 12% tổng thu ngân sách Nhà nước).
Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thúc đẩy tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Tình hình dư nợ tín dụng 7 tháng chỉ ước đạt 12,97% nhưng lãi suất ngân hàng vẫn chưa giảm về mức huy động 8% và cho vay 12%. Điều này cho thấy, tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Chưa thể đầu tư vàng, bất động sản và USD
Nếu so với lãi suất ngân hàng 11%, có thể đây là khoản lợi chắc chắn và là cơ sở tính hiệu quả vay vốn đầu tư. Tỷ giá USD vài ngày qua liên tục biến động, mất cân đối ngoại tệ. Đây là áp lực của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu bởi cuối năm là đến hạn trả nợ vay USD. Trong khi đó, cán cân thương mại vẫn thiên về nhập siêu. Chính phủ sẽ cung ứng tiền trong quý III để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Hiện thị trường đang trong trạng thái dư cung, khả năng tỷ giá cuối năm biến động mạnh, đầu tư sẽ rủi ro.
Giá vàng trong và ngoài nước đang tăng nhưng nhiều khả năng sẽ giảm mạnh, về mức 800 USD một ounce vào năm 2012, khi kinh tế và đồng USD phục hồi. Còn đầu tư vào vàng trong giai đoạn hiện nay sẽ gặp nhiều rủi ro.
Bất động sản là kênh hồi hộp. Khu vực Hà Nội, thị trường văn phòng cho thuê dư thừa nguồn cung, giá cho thuê giảm. Giao dịch chỉ khá trong phân khúc nhà ở giá thấp. Tại TP HCM, thị trường văn phòng và nhà cho thuê mặc dù có dấu hiệu phục hồi, nhưng nguồn cung khá lớn khiến giá cho thuê tiếp tục đi xuống.
Ông Hiển cho rằng, tín dụng ngân hàng và nguồn cung tiền của Chính phủ sẽ tăng mạnh trong quý 3. Nhiều ngành nghề sẽ có bước tăng trưởng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sau ổn định nợ công châu Âu. Như vậy, vẫn có dòng tiền mới đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Dự báo thị trường chứng khoán cuối quý 3 có thể có đợt tăng trong nước 500 - 550 điểm và cuối năm vào khoảng 480 - 520 điểm. Với Vn - Index dao động 470 điểm, có thể đầu tư tìm kiếm lợi nhuận sau 2 - 3 tháng.
Báo Đất Việt