- Thưa Bộ trưởng, cũng như điện, độc quyền của ngành xăng dầu đã kéo dài rất lâu mặc dù ta nhận biết rõ ràng cần phải phá thế độc quyền?. Vậy bao giờ độc quyền mới chấm dứt?.
- Trước đây chúng ta hầu như chỉ có Tập đoàn, TCty Xăng dầu Việt Nam Petrolimex và một số đơn vị xăng dầu khác. Trong thời gian vừa qua cũng thực hiện lộ trình thị trường vấn đề phân phối sản phẩm xăng dầu và đặc biệt thực hiện Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, đến nay chúng ta đã có 12 đầu mối về nhập khẩu xăng dầu và phân phối xăng dầu; trong đó, có cả khu vực DN ngoài quốc doanh, chứ không phải chỉ có các khu vực DN Nhà nước.
Với 12 đầu mối xăng dầu này, trong thời gian qua, về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu về sản phẩm xăng dầu cho nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.
Bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng |
Độc quyền của TCty Xăng dầu Việt Nam cũng có lịch sử của nó. Trước đây, hầu như tất cả các yêu cầu xăng dầu do TCty Xăng dầu Việt Nam đảm nhận và có các đơn vị của quân đội. Đến nay, đối với việc chúng ta cho phép các DN đầu mối khác nhưng do vai trò của TCty Xăng dầu và hệ thống phân phối được hình thành từ nhiều năm nay, cho nên trên thực tế thị phần của TCty Xăng dầu Việt Nam có thể dao động trong thời gian này so với thời gian khác, nhưng bình quân khoảng 60%, là lực lượng chủ lực trong việc đáp ứng các yêu cầu sản phẩm xăng dầu của đất nước.
Đặc biệt, trong tình hình biến động về xăng dầu thế giới như thời kỳ năm 2010 - 2011, nếu không có những tập đoàn kinh tế nhà nước, các TCty nhà nước vì lợi ích của Nhà nước, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của DN, thậm chí chịu lỗ nhưng theo yêu cầu của Chính phủ và trước yêu cầu cuộc sống, họ vẫn phải duy trì mạng lưới cung cấp xăng dầu. Tôi nghĩ, đó là vai trò tích cực được xã hội và nhân dân ghi nhận.
Tuy nhiên, thực hiện theo Nghị định 84/CP hiện nay, việc đa dạng hóa các hình thức phân phối xăng dầu và các thành phần tham gia vào xăng dầu đã bước đầu được thực hiện. Tôi tin rằng nếu chúng ta tiếp tục kiên trì Nghị định 84 thì thị trường xăng dầu sẽ là thị trường vận hành theo cơ chế thị trường và có sự quản lý của Nhà nước.
- Nhiều ý kiến cho rằng việc giảm giá xăng dầu chưa kịp thời, tăng thì nhiều mà giảm thì chẳng đáng bao nhiêu?
- Giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và một trong những quy định của Nghị định 84 đó là yêu cầu các thương nhân đầu mối về nhập khẩu xăng dầu khi có biến động giá trên thị trường thế giới thì trên cơ sở mức giá của 30 ngày trước đó, phải quyết định việc tăng giá hay giảm giá theo tần suất là nếu tăng giá thì tối thiểu khoảng cách lần sau với lần trước là 10 ngày, còn nếu giảm giá thì đối đa là 10 ngày.
Vì sao phải lấy giá cơ sở của 30 ngày trước đó, vì theo quy định, Chính phủ yêu cầu các DN đầu mối xăng dầu phải có dự trữ trong lưu thông là 30 ngày cho sản phẩm xăng dầu.
Thứ hai, biến động giá của thị trường bên ngoài cũng có độ trễ, vì việc chúng ta có xăng dầu phần lớn do nhập khẩu. Hiện nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sản xuất 1 năm khoảng hơn 5 triệu tấn, nhu cầu của chúng ta sử dụng khoảng 16 triệu tấn, như vậy phải nhập khoảng hơn 10 triệu tấn.
Phụ thuộc vào việc nhập khẩu, có thể lô hàng đến Việt Nam ngày hôm nay phải được nhập khẩu từ cách đó hàng tháng và giá lúc đó khác. Về độ trễ của giá là có nhưng 30 ngày dự trữ lưu thông cũng là có chuyện như vậy, quan trọng nhất là khi giá thế giới thay đổi thì giá trong nước phải thay đổi, tần suất là như vậy.
Đúng là có chuyện chưa kịp thời, có hiện tượng giá thế giới giảm tương đối mạnh mà giá trong nước giảm có mức độ. Điều này theo cơ chế vận hành của Nghị định 84, trước hết chúng ta sử dụng Quỹ bình ổn giá và công cụ thuế để đảm bảo khi giá xăng dầu tăng quá cao cũng không ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng trong nước. Khi giá thế giới hạ thì trước hết, các DN cũng phải có trách nhiệm hạ giá để đảm bảo nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, qua 2 năm vận hành Nghị định 84, chúng ta làm và có rút kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nghiêm túc xem xét quá trình vận hành này, nếu thấy có gì bất hợp lý thì báo cáo Chính phủ xem xét, bổ sung, sửa đổi theo tinh thần giá xăng dầu là giá thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
- Trong độc quyền xăng dầu, liệu có lợi ích nhóm, thưa Bộ trưởng?
- Nói về lợi ích nhóm, với tinh thần Nghị định 84 và tinh thần động viên, khuyến khích các DN, hiện nay như chúng tôi đã báo cáo có 12 DN đầu mối về xăng, dầu, không phải 12 DN này đều thuộc một Bộ nào, có DN ngoài quốc doanh, có DN quân đội, có DN ở địa phương, có DN là tập đoàn Petrolimex Nhà nước quản lý.
Như vậy, không phải chỉ có một Bộ, một ngành nào, cho nên cũng không có cơ sở để nói lợi ích của nhóm và sắp tới đây, theo Quyết định của Chính phủ sẽ triển khai dự án lọc dầu ở Nghi Sơn có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và kể cả việc phân phối sản phẩm của họ. Tôi nghĩ, nếu nói vì lợi ích nhóm thì chắc chưa có đủ cơ sở khẳng định như vậy…
Thu Hằng (ghi)