Có hay không các vết nứt mới tại hầm Hải Vân?

Có hay không các vết nứt mới tại hầm Hải Vân?
(PLVN) - Trên các phương tiện truyền thông đăng tải thông tin phản ánh về việc thời gian gần đây tài xế lưu thông qua hầm Hải Vân nơm nớp lo sợ mất an toàn khi phát hiện các vết nứt trên hầm ngày một nhiều hơn. Vấn đề này, Báo Giao thông đã trao đổi với chuyên gia và cơ quan chức năng để làm rõ tính xác thực, bản chất của vấn đề mà dư luận đã thông tin.

Những vết nứt cũ, không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực

Tiến sỹ Nguyễn Thế Phùng, chuyên gia công trình ngầm và hầm của thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về các công trình xây dựng khẳng định: “Trong thời gia qua, hầm Hải Vân không xuất hiện các vết nứt mới. Các vết nứt như các lái xe nhìn thấy đã có từ lâu và xuất hiện trong quá trình khai thác vận hành hầm, không ảnh hưởng gì đến sự làm việc kết cấu vỏ hầm, không ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường công trình và không nguy hiểm như một số lái xe đã lo lắng và thông tin như dư luận diễn dịch”.

Theo chuyên gia, Tiến sĩ Phùng, từ năm 2016, trước khi thi công mở rộng hầm lánh nạn thành ống hầm thứ 2, nhà đầu tư dự án đã thuê tư vấn Đức sang khảo sát, đánh giá toàn bộ hiện trạng của hầm Hải Vân 1. Họ đã dùng công nghệ laser quét tự động, lập bản đồ khe nứt cho toàn hầm, phân loại các khe nứt, đánh giá hiện trạng công trình và đã kết luận hệ thống khe nứt hiện có không ảnh hưởng đến sự làm việc, trạng thái của công trình. Về bản chất, lớp áo bê tông này không phải là kết cấu chịu của hầm, nó có hiệm vụ giữ lớp phòng nước, tạo mỹ quan và chịu áp lực nước ngầm (nếu có).

Đề cập đến nguyên nhân dẫn tới các vết nứt này, Tiến sĩ Phùng cho biết, hầm Hải Vân 1 được xây dựng từ đầu những năm 2000 do liên danh các nhà thầu Nhật Bản, Hàn Quốc với các nhà thầu trong nước thi công theo công nghệ “nước Áo mới” (NATM). Kết cấu chịu lực chính của hầm là các neo bê tông cốt thép, bê tông phun, vòm thép tuỳ thuộc vào điều kiện địa chất cụ thể trên từng đoạn hầm. Sau khi kết cấu chịu lực này đã tắt biến dạng mới thi công tầng phòng nước và đổ lớp áo bê tông như đã nói ở trên.

Theo ông Phùng, trong quá trình vận hành lớp áp bê tông này co ngót, từ biến và chịu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường khác, dẫn đến nứt lớp bê tông không cốt thép này. Những vết nứt này thường nhỏ hơn 1mm, tối đa không quá 2mm.

Trả lời Báo Giao thông về việc khi nổ mìn để thi công hầm Hải Vân 2 có ảnh hưởng đến kết cấu của hầm Hải Vân đang khai thác không? Tiến sĩ Phùng nói: “Khi triển khai hầm Hải Vân 2, ngoài việc tính toán nổ mìn để không ảnh hưởng đến hầm Hải Vân 1, nhà đầu tư còn thuê một đơn vị tư vấn thường xuyên đi đo rung chấn của hầm Hải Vân 1 dù có nổ mìn hay không. Nếu rung chấn vượt quá ngưỡng cho phép, nhà thầu sẽ điều chỉnh phương án nổ mìn và thay đổi biện pháp thi công. Tuy nhiên, trong suốt mấy năm đào hầm Hải Vân 2, chưa có trường hợp nào rung chấn vượt quá ngưỡng cho phép”.

Cuối năm 2020, hoàn thiện mỹ quan hầm Hải Vân 1

Thông tin với Báo Giao thông, đại diện Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT) cũng cho biết, hầm Hải Vân 1 được xây dựng theo công nghệ NATM (lớp bê tông vỏ hầm được coi là không chịu lực mà chỉ chịu tải trọng bản thân). Hầm được đưa vào khai thác từ năm 2005, trong quá trình kiểm tra nghiệm thu đưa công trình hầm Hải Vân 1 vào khai thác sử dụng, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã phát hiện các vết nứt vỏ hầm. 

“Sau một thời gian theo dõi, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá các vết nứt không gây ảnh hưởng đến an toàn khai thác nên đã chấp thuận cho phép nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng”, đại diện Cục QLXD&CLCTGT thông tin.

Đến ngày 3/2/2016, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư bổ sung hạng mục mở rộng hầm Hải Vân theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (sửa chữa, cải tạo QL1 qua đèo Hải Vân và nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1 trong đó có hạng mục sửa chữa vết nứt hầm Hải Vân 1) và giai đoạn 2 (thi công mở rộng hầm Hải Vân). Trong quá trình triển khai giai đoạn 1 của hạng mục mở rộng hầm đường bộ Hải Vân (bắt đầu từ tháng 4/2016), nhà đầu tư đã thuê Công ty Tư vấn Alpin Technick của CHLB Đức để đánh giá tổng thể về hiện trạng hầm đường bộ Hải Vân. 

Kết quả khảo sát phát hiện 321 vết nứt, đơn vị tư vấn đánh giá: Tình trạng vỏ hầm đường bộ Hải Vân 1 đang trong tình trạng tốt, hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện vận hành hầm; hầu hết các vết nứt đều nằm trong giới hạn an toàn; một số vết nứt có chiều rộng vết nứt lớn (xử lý 8/321 vết nứt), tư vấn đề nghị sửa chữa và đã được thực hiện sửa chữa theo hồ sơ được duyệt. 

Cụ thể, 3 vết nứt được xử lý bằng phương pháp đối phó mảng vữa rơi bằng lưới FRP; một vết nứt được xử lý bằng phương pháp gia cố bề mặt bê tông bên trong vỏ hầm bằng dải thép tấm và 4 vết nứt được xử lý bằng phương pháp trám vá vết nứt bằng bơm keo. 

Theo Cục QLXD&CLCTGT, quá trình thi công giai đoạn 2 (bắt đầu từ tháng 12/2016), Bộ GTVT đã thường xuyên tổ chức kiểm tra hiện trường; đối với hầm Hải Vân 1, Bộ GTVT đã có các văn bản chỉ đạo nhà đầu tư thực hiện công tác theo dõi, quan trắc định kỳ vỏ hầm Hải Vân 1 khi thi công hầm Hải Vân 2. 

Công tác đánh giá, quan trắc vết nứt vỏ hầm Hải Vân 1 (đo rung chấn khi nổ mìn, quan trắc hội tụ, chuyển vị vỏ hầm, quan trắc vết nứt hàng ngày trước và sau khi nổ mìn thi công đào hầm Hải Vân 2) đều có sự chứng kiến của các cơ quan chuyên môn tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng và Cục Quản lý đường bộ III. Định kỳ hàng tháng nhà đầu tư đều gửi báo cáo kết quả theo dõi, quan trắc tới Bộ GTVT.

“Công tác nổ mìn hầm Hải Vân 2 đã kết thúc từ tháng 9/2019. Kết quả quan trắc cho thấy, các vết nứt cũ không phát triển và không phát sinh vết nứt mới. Hiện nay, một số vết nứt tập trung ở cửa hầm phía Nam do lớp sơn Epoxy vỏ hầm đã bị lão hóa nên bị tách tại vị trí vết nứt. Dưới tác động của khói xe và công tác vệ sinh vỏ hầm bằng xịt rửa áp lực cao kết hợp lau chùi nên phần sơn Epoxy ở các vết nứt bị bong tróc, khói bụi, muội từ trên xuống tạo thành những vết đen gây mất mỹ quan công trình. Sau khi thông xe hầm Hải Vân 2, nhà đầu tư sẽ phân luồng giao thông để thi công hoàn thiện hầm Hải Vân 1, dự kiến xong trong quý 4/2020”, Cục QLXD&CLCTGT thông tin.

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.