Trưởng thành từ những khát khao tuổi thơ
Là giáo viên tiếng Anh tại Trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên nhưng cô giáo Trần Thị Thúy trong tiết học của mình có thể giúp học sinh cùng chia sẻ, thảo luận với những học sinh của các quốc gia cách Việt Nam nửa vòng trái đất.
Trong những giờ học, học sinh cả hai bên cùng chuẩn bị các bài PowerPoint và công cụ miễn phí khác của Microsoft để trình bày quan điểm của mình, qua đó giúp các em học tiếng Anh hiệu quả hơn, hứng thú hơn. Vì sao cô giáo Trần Thị Thúy lại làm được như vậy?
Câu chuyện bắt đầu từ một cuốn sách song ngữ Việt – Anh mà cô bé Trần Thị Thúy nhận được khi 10 tuổi. Sinh ra và lớn lên ở làng quê, Trần Thị Thúy chưa hề biết tiếng Anh là gì, càng không biết thế giới bên ngoài diễn biến ra sao. Cho đến khi được tặng một cuốn tạp chí song ngữ Sunflower (tiếng Việt và tiếng Anh), một thế giới mới đã mở ra trước mắt cô, với biết bao tò mò và ước mơ được khám phá.
Giấc mơ đó từng ngày tiếp sức cho cô, vượt qua những khó khăn của vùng quê nghèo khó, trở thành sinh viên Khoa Sư phạm tiếng Anh của Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Sau 4 năm học tập, miệt mài tiếp cận với những tri thức và phương pháp học tập mới, cô trở lại ngôi trường phổ thông của mình để dạy tiếng Anh cho học trò với một nhận thức sâu sắc rằng: “Trong thế giới hôm nay, tiếng Anh đã trở thành tiếng nói chung của toàn cầu, do đó không thông thạo ngôn ngữ này đồng nghĩa với không nắm được cơ hội để phát triển bản thân, phát triển xã hội và phát triển đất nước”.
Ước mơ trao cho học sinh cách học của thế kỷ XXI càng có cơ hội trở thành hiện thực hơn khi cô hoàn thành khóa học chuẩn giáo viên tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 và đặc biệt là khi cô tình cờ biết đến nhóm cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam MIE (Microsoft Innovative Educator) trên Facebook khi tìm thông tin ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Trong vòng một tháng, cô đã hoàn thành các lộ trình học tập trên MEC (Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng). Từ đó, cô có cái nhìn toàn diện nhất về dạy học thế kỷ XXI và các phương thức để hỗ trợ học sinh học tập.
Một tiết học cô giáo Thúy giảng dạy tại Trường THPT Đức Hợp |
Giờ đây, cô hiểu rằng giáo dục không chỉ thuần túy là chia sẻ, trao lại cho các em kiến thức mình có, mà quan trọng hơn là phát hiện, chia nhóm học sinh theo khả năng, sở thích và trao quyền cho các em, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng, gợi mở. Như vậy sẽ phát huy được khả năng của các em, tạo cho các em nhu cầu tự thân chinh phục kiến thức.
Bằng cách tham gia cộng đồng MEC, cô Thúy được kết nối với hàng ngàn giáo viên trên khắp thế giới. Tận dụng điều này, cô liên hệ với các giáo viên ở Nhật Bản, Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ… để sắp xếp những giờ học xuyên lục địa nhờ công cụ Skype. Và giờ đây việc học sinh của cô giáo Thúy có cơ hội học tập, trao đổi cùng bạn bè trên thế giới không còn là chuyện hiếm.
Vươn tầm thế giới
Tháng 8/2016, Dự án “Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại” đã mang về cho cô Trần Thị Thúy và học trò Giải Nhì cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Trước đó, cô Thúy quyết định chọn chủ đề này vì muốn nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc trừ sâu, áp dụng vào thực tế, góp phần thay đổi hành vi của người nông dân để bảo vệ sức khỏe của chính họ và cộng đồng.
Tham gia dự án, cô Thúy đã động viên, khuyến khích các em học sinh trải nghiệm thực tế, phỏng vấn người nông dân, chụp ảnh, quay clip về thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu, nghiên cứu về thuốc trừ sâu, đưa ra những tác động của thuốc trừ sâu trước mắt và lâu dài, tìm hiểu hậu quả tác động của thuốc trừ sâu tại Khoa hồi sức cấp cứu - chống độc của Bệnh viện đa khoa tỉnh, đồng thời đưa ra cách tuyên truyền để người nông dân sử dụng thuốc trừ sâu đúng cách.
Đáng chú ý là dự án được chia sẻ trên internet và đã nhận được sự quan tâm, phản hồi, trao đổi của giáo viên một số nước như Nhật Bản, Pakistan, Ấn Độ. Trường cô đã kết nối và tổ chức giao lưu 4 tiết học trực tuyến với một trường học của Nhật Bản. Giáo viên và các thành viên trong nhóm đã thuyết trình, trao đổi nội dung dự án trực tiếp bằng tiếng Anh.
Được ghi nhận là thành viên tích cực của cộng đồng MEC, tháng 3/2017, cô Thúy cùng 3 giáo viên khác tới từ Hà Nội, TP HCM được chọn tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft 2017 tổ chức tại Canada với sự tham dự của hơn 300 chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft (MIE) đến từ 83 quốc gia khắp thế giới.
Nhóm của cô Thúy đề xuất Microsoft cải tiến công cụ kể chuyện Sway có thêm chức năng để học sinh có thể viết truyện tranh, giúp học sinh hứng thú và sáng tạo hơn với việc học đã giành giải cao nhất tại Diễn đàn. Và cũng chính tại đây, cô Thúy đã được lãnh đạo Microsoft Canada mời: “Nếu có thể, chào mừng bạn tới Canada!”, song đáp lại lời mời ấy, cô Thúy đã khẳng khái từ chối với lý do: “Em ra đi là để trở về!”.
Với những hành động tiên phong trong đổi mới công nghệ giáo dục trung học phổ thông 4.0, đưa học sinh Hưng Yên kết nối thế giới, cô giáo Trần Thị Thúy đã lọt top 50 giáo viên nhận giải Giáo viên Toàn cầu năm 2019 do Tổ chức Varkey Foundation vinh danh và trở thành một trong 73 cá nhân được tôn vinh tại cuộc triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” nhân dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
“Sẽ cố gắng nỗ lực sáng tạo, tìm tòi nhiều hơn để nâng cao phương pháp, chất lượng giảng dạy và sức ảnh hưởng của giáo viên Việt Nam với thế giới” – là mong ước của cô giáo Trần Thị Thúy trước niềm vui bất ngờ này.