Cô giáo 'nặng lòng' với trẻ tự kỷ

Âm thanh đầu tiên của em học sinh tự kỷ đã giúp cô Dung bén duyên với nghề giáo dục đặc biệt. (Ảnh trong bài: NVCC)
Âm thanh đầu tiên của em học sinh tự kỷ đã giúp cô Dung bén duyên với nghề giáo dục đặc biệt. (Ảnh trong bài: NVCC)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xuất thân là một cô giáo dạy văn, nhưng vì nhiều cơ duyên khác nhau, cô Lê Thị Thùy Dung đã trở thành một giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Theo nghề hơn 10 năm đối với cô đó là cả một quá trình trao đi yêu thương, nhận lại yêu thương.

Vỡ òa từ tiếng nói đầu tiên của cậu bé tự kỷ

Cô Lê Thị Thùy Dung (sinh năm 1984, sống tại Hà Nội) đã có hơn mười năm gắn bó với công việc giáo dục trẻ tự kỷ. Cô chia sẻ, khi mới ra trường, cô là một giáo viên dạy Ngữ văn. Sau nhiều năm nỗ lực, cô trở thành giáo viên chính thức trong một trường cấp III ở Hà Nội. Công việc ổn định, cô được học sinh yêu mến, tôn trọng. Cô tâm sự: “Tôi cứ nghĩ cuộc sống của mình sẽ bình lặng trôi qua như vậy cho đến lúc về hưu”.

Trong thời gian nghỉ sinh con thứ hai, cô rất nhớ nghề, lại thêm việc có thời gian rảnh rỗi, nên được một người bạn mời về dạy kỹ năng sống ở một trung tâm tư nhân. Ban đầu, công việc của cô chỉ dạy bộ môn như giao tiếp, trò chuyện, thuyết trình cho các em học sinh. Một lần, lớp học của cô nhận em học sinh đã 6 tuổi, nhưng vẫn chưa có khả năng giao tiếp, tự phục vụ bản thân. Ban đầu, cô Dung rất ngạc nhiên, sau đó, tìm hiểu qua lời kể của phụ huynh và các giáo viên phụ trách khác, cô biết rằng em học sinh đó bị rối loạn phổ tự kỷ.

Bản năng của một người mẹ, một giáo viên khiến cô quyết tâm giúp đỡ em học sinh 6 tuổi rối loạn phổ tự kỷ ấy: “Quyết tâm là một chuyện, còn thực tế khi hỗ trợ các em học sinh tự kỷ đòi hỏi giáo viên phải thật kiên nhẫn, nỗ lực hết mình”. Ban đầu, em học sinh không chú ý đến cô, luôn lơ đễnh, mất tập trung. Cô Dung vừa phải làm quen với học sinh, vừa phải liên tục bổ sung kiến thức, học hỏi kinh nghiệm của những giáo viên ngành giáo dục đặc biệt.

Hơn một năm nỗ lực, có những lúc tưởng như hai cô trò phải bỏ cuộc. Cô Dung và em học sinh 6 tuổi dần trở nên gắn bó, thân thiết. Trước sự ngỡ ngàng của phụ huynh và các thầy, cô giáo khác, một ngày, em học sinh lần đầu nói được những âm thanh trọn vẹn, từ ngữ rành mạch, rõ ràng. Cô Dung chia sẻ: “Tôi đã có mười một năm đi dạy, đó là lần đầu tiên tôi thấy vui sướng như vậy. Tôi cảm thấy vui hơn cả khi nghe tin lớp mình 100% đỗ tốt nghiệp. Âm thanh ấy đối với tôi và gia đình của em là một điều kỳ diệu. Khi đó, tôi đã suýt bật khóc vì hạnh phúc”.

Cho đến một hành trình dài đồng hành cùng trẻ tự kỷ

Như một cơ duyên càng đi sâu vào ngành giáo dục trẻ tự kỷ, cô Dung càng yêu mến, mong muốn được cống hiến với nghề. Thời gian đầu, cô làm song song hai công việc vừa đi dạy trên trường, vừa tham gia hỗ trợ các trung tâm dạy trẻ đặc biệt. Thời gian này, cô được tiếp xúc với rất nhiều mảnh đời khác nhau. Cô Dung tâm sự: “Đó là những đứa trẻ bị “bỏ lại” phía sau, trước sự hoang mang của bố mẹ, bất lực của những giáo viên khác trong trường”.

Trẻ rối loạn phổ tự kỷ có thể hòa nhập xã hội, nếu như được can thiệp từ sớm.

Trẻ rối loạn phổ tự kỷ có thể hòa nhập xã hội, nếu như được can thiệp từ sớm.

Trong gần 10 năm theo nghề giáo dục trẻ đặc biệt, cô Dung tập trung vào mảng can thiệp sớm cho trẻ em bị rối loạn phát triển và chậm phát triển. Đối với cô, những em bị rối loạn phát triển là các ca khó nhất, vì như vậy có nghĩa là bố mẹ sẽ phải theo con suốt cả cuộc đời. Có những em dù đã bốn, năm tuổi những vẫn không thể nói, không thể nhận thức về cuộc sống như những em nhỏ khác. Phải mất từ một đến hai năm, với sự đồng hành của cả phụ huynh, gia đình mới có thể nói được.

Cô Dung nhớ nhất, cô từng tiếp nhận một em học sinh đã ngoài 20 tuổi, mới được gia đình đưa đến những trung tâm hỗ trợ trẻ đặc biệt: “Đó là một chàng trai cao hơn tôi cả cái đầu, nhưng vẫn chưa biết nói, chưa thể tự vệ sinh cá nhân. Trí tuệ của em chỉ như một đứa trẻ ba, bốn tuổi”.

Cô Dung cho biết, với các em bị rối loạn phổ tự kỷ và chậm phát triển, các con thường gặp khó khăn trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin qua hệ thống các giác quan, nên không thể bắt chước, học hỏi như những đứa trẻ bình thường khác. Những em can thiệp muộn, thì khả năng hòa nhập vào đời sống, xã hội như một người bình thường sẽ thấp hơn. Giáo viên phải rất kiên nhẫn để dạy bảo, hướng dẫn các em.

Cô lấy ví dụ như em học sinh ngoài 20 tuổi, ban đầu thường mất tập trung, không muốn nghe cô nói. Thậm chí, các em còn gào thét nếu bản thân cảm thấy khó chịu. Cô nói: “Đó là điều không thể tránh khỏi”. Cô chia sẻ, có những lúc các em mất khống chế bản thân và vô tình làm tổn thương giáo viên. Cô nhớ nhất, một lần đang dạy em học sinh 20 tuổi học, em bị đau đầu dữ dội do ảnh hưởng của căn bệnh rối loạn phổ tự kỷ. Cô phải đưa bàn tay của mình cho em cắn, nước mắt hai cô trò cứ rơi xuống vì thương nhau: “Kết thúc buổi học, bàn tay tôi là dấu răng và vết xước”.

Sau một thời gian dài làm song song hai công việc trên trường và trung tâm giáo dục trẻ đặc biệt. Đến năm 2020, khi các con đã lớn, điều kiện kinh tế gia đình ổn định hơn, cô Dung xin nghỉ việc trên trường để dành toàn thời gian cho công việc giáo dục trẻ rối loạn phổ tự kỷ của mình. Hiện tại, cô mở một trung tâm nhỏ hỗ trợ các em tại Hà Nội.

Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng vào trẻ tự kỷ

Cô Dung tâm sự, mỗi em học sinh đều là một thiên tài, có khả năng riêng biệt, không ai hoàn hảo hay khiếm khuyết hoàn toàn. Đối với những trẻ tự kỷ, các em có thể hòa nhập vào cuộc sống, học tập được như bao đứa trẻ bình thường khác, miễn là cha mẹ đủ kiên nhẫn, yêu thương và đừng bao giờ từ bỏ hy vọng vào những đứa con “đặc biệt” của mình.

Cô nhớ về các em học sinh của mình. Mỗi em đều có những ưu điểm như “cậu bé” ngoài hai mươi tuổi vẫn chưa biết nói là một học sinh ngoan ngoãn, lễ phép. Em học sinh 6 tuổi là một đứa trẻ giàu tình yêu thương. Cô Dung chia sẻ, ngay tại trung tâm của cô cũng có những em “cựu học sinh” đã đỗ vào các trường cao đẳng, đại học, trở thành giáo viên và quay lại trợ giảng hỗ trợ cho trung tâm của cô.

Cô cho biết, có những học sinh tự kỷ rất thông minh, các em có tài năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như toán học, âm nhạc, mỹ thuật, kỹ thuật,... Cô Dung kể về một trường hợp ở trung tâm của mình: “Như em Bảo Minh, nhờ có sự đồng hành từ bố mẹ, thầy cô, hiện tại, em đã có khả năng giao tiếp như những người bình thường đến khoảng 70%. Bản thân em phát hiện ra năng khiếu về âm nhạc của mình và hiện tại đang học song song một trường bình thường và Học viện Âm nhạc”.

Giáo dục trẻ tự kỷ là một hành trình nỗ lực của cả giáo viên, phụ huynh và chính các em học sinh.

Giáo dục trẻ tự kỷ là một hành trình nỗ lực của cả giáo viên, phụ huynh và chính các em học sinh.

Cô cho biết, thực tế các em cũng khao khát được giống như những người bình thường: “Khi nhìn các em bất lực, đau đớn, mệt mỏi đập đầu vào tường, tự cào cấu làm đau cơ thể mình. Tôi thật sự rất thương các em”. Việc đồng hành cùng một học sinh bình thường cần sự nỗ lực, kiên trì của bố mẹ, các thầy, cô giáo, thì đối với những em học sinh rối loạn phổ tự kỷ khó khăn tăng lên gấp ba, gấp bốn. Mỗi lần được phụ huynh tin tưởng gửi gắm con cái, câu hỏi cô nhận nhiều nhất là: “Khi nào các con biết nói? Khi nào các con sẽ tự phục vụ được các nhu cầu cá nhân của bản thân”. Cô cho biết, sớm hay muộn tùy vào tình trạng rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn phát triển, cùng khả năng của chính các em.

Cô Dung tâm sự, từng tuần học, cô sẽ có những chủ đề riêng để hướng dẫn các em. Mỗi chủ đề phải được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần: “Lấy ví dụ, tôi dạy chủ đề về rau củ, như rau muống, tôi sẽ cho các em sờ, nhìn thấy rau. Sau đó nhắc lại nhiều lần cho các em, mười lần, hai mươi lần, thậm chí đến năm mươi lần”. Trong các buổi học sau đó, cô tiếp tục có những liên hệ gợi nhớ, giúp các em có được những “mường tượng mơ hồ” về rau muống.

Cô thường khuyến khích phụ huynh ở nhà cũng nói chuyện nhiều với các em. Để học sinh làm quen với âm thanh. Ngoài ra, thường đưa các em ra ngoài để tiếp xúc với cuộc sống xã hội đời thường, liên hệ với những thứ đã dạy ở trường và bố mẹ hướng dẫn tại nhà: “Bố mẹ có thể đưa con đi siêu thị, giúp các em nhận biết về các loại rau củ, hàng hóa. Đồng thời dạy các em hiểu rằng muốn lấy một món đồ phải trả giá bằng một vật khác (ở đây là tiền)”.

Cô cho biết, cha mẹ nên quan tâm, săn sóc để ý trẻ từ khi mới lọt lòng. Biểu hiện việc chậm nói, không linh hoạt,... cần phải được đưa đến phòng khám kiểm tra định kỳ. Giai đoạn để can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ là khoảng từ 18 - 36 tháng tuổi, càng sớm khả năng hòa nhập xã hội sau này của các em sẽ càng tốt.

Tin cùng chuyên mục

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác pháp chế

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác pháp chế

(PLVN) -  Trong 2 ngày 17 và 18/10, tại Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác pháp chế và báo cáo viên pháp luật ngành giáo dục năm 2024 cho cán bộ làm công tác pháp chế của các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm.

Đọc thêm

Giáo viên đang chịu nhiều áp lực ngoài chuyên môn

Đừng đặt những áp lực ngoài chuyên môn lên vai thầy, cô giáo, để họ được toàn tâm, toàn ý vào sự nghiệp “trồng người”. (Nguồn: S.T)
(PLVN) - Tại nhiều trường học, các nhà giáo đang phải đối mặt với nhiều áp lực lớn khi ngoài truyền đạt kiến thức còn phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của phụ huynh, nhà trường và xã hội, thậm chí đôi lúc giáo viên còn phải kiêm thêm các nhiệm vụ ngoài lề không liên quan đến giáo dục.

Khi bạo lực học đường lên bàn nghị sự

Các đại biểu trẻ em tại phiên thảo luận Tổ. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bạo lực học đường vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Trong phiên thảo luận tổ của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II vừa qua, các đại biểu đã đưa ra những đề xuất từ góc nhìn trong cuộc sâu sắc, đa chiều về phòng, chống bạo lực học đường…

Người già và những hành trình khác

Người già và những hành trình khác
(PLVN) - Dù đã về hưu nhiều năm, trở thành những cụ ông, cụ bà, nhưng rất nhiều người cao tuổi vẫn tiếp tục năng nổ tham gia các hoạt động. Họ xóa bỏ định kiến về người già trong xã hội, trở thành tấm gương, nghị lực để thế hệ trẻ noi theo.

Hi hữu: Một thí sinh từ trượt thành đỗ thủ khoa do "nhầm lẫn" khi hồi phách

Trường THPT Lê Hồng Phong (Bỉm Sơn, Thanh Hóa), nơi có thí sinh bị nhầm lẫn trong điểm thi vào lớp 10 năm 2024-2025.
(PLVN) - Do nhầm lẫn khi hồi phách của những người làm công tác chấm thi, một thí sinh ở Thanh Hóa đã được nhầm điểm và trở thành thủ khoa vào lớp 10 của Trường THPT Lê Hồng Phong, thị xã Bỉm Sơn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông năm học 2024 - 2025, dù cho điểm thi thực tế của thí sinh này là: trượt!