Về xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) hỏi đến nhà cô giáo Lê Thị Huyên (SN 1974) đang sống trong cảnh xiềng xích bởi căn bệnh thần kinh thì ai cũng biết.
Ngôi nhà nơi chị Huyên ở nằm ngay bên cạnh QL15A. Thấy có người đến, chị liền ngồi sụp xuống sàn và quay mặt đi để không ai nhìn thấy mình.
Ngôi chòi nơi chị Huyên ở. |
Bà Lê Thị Hiển (70 tuổi, mẹ chị Huyên) chia sẻ: “Con đã từng này tuổi rồi, hàng ngày tôi vẫn phải vào mang cơm cho nó, tắm giặt, dọn dẹp vệ sinh mỗi khi nó phóng uế. Nhìn con vậy ai mà không chua xót”.
Sau khi học xong chương trình sư phạm, năm 1994 chị Huyên về làm giáo viên tiểu học tại xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh.
Chị Huyên đang bị xích chân, chỉ quanh quẩn một chỗ. |
Năm 1997, chị lấy chồng rồi sinh con gái đầu lòng. Nhưng hạnh phúc của họ không kéo dài khi chị có những biểu hiện bất thường.
“Thời gian đầu mới phát hiện bệnh lạ, Huyên thường kêu đau đầu, rồi ảo tưởng có người đuổi đánh mình vì vậy con thường trốn chui lủi trong góc nhà, những nơi có bóng tối.
Gia đình cũng đã đưa con đi chữa bệnh khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Đến năm 2002, Huyên chính thức bỏ nghề giáo viên, cũng là lúc chồng Huyên đi lấy vợ khác”, bà Hiển kể lại.
Người thân cũng khó tiếp cận được với Huyên. |
Những ngày đầu lâm bệnh, chị Huyên thường xuyên bỏ nhà đi lang thang, la hét, đập phá… thậm chí còn ăn cả thịt sống. Đi lang thang trên đường thấy ai Huyên cũng vác gậy, cầm dao đuổi đánh, chém người rồi cười sảng khoái.
Bà Hiển nhớ lại: “Có lần ở đây xảy ra lũ ống, nước suối chảy cuồn cuộn, Huyên đang trong nhà bất ngờ ôm đầu hét lớn rồi lao ra nhảy xuống dòng nước dữ. Nước lũ cuốn nó đi nhưng may mắn dạt được vào bờ rồi người dân vớt lên. Không những thế, nhà ở gần đường nên con hay lao đầu vào ô tô, có lần tai nạn nằm một chỗ cả tháng trời”.
Bà Hiển bảo, cũng vì thương con, không muốn nó phải sống trong cảnh đau đớn nên buộc lòng phải dùng dây xích sắt để xích con vào góc nhà trong quãng đời còn lại.
“Chồng tôi bị tai biến mấy năm nay. Mỗi khi con Huyên phát bệnh nó lại la hét thảm thiết, đập phá đồ đạc trong nhà. Trước tình cảnh ấy chúng tôi phải dựng cái chòi phía sau nhà rộng khoảng 4m2 để cách ly. Hàng ngày tôi và con dâu thường xuyên mang cơm nước, dọn dẹp vệ sinh cho Huyên”, bà Hiển nói.
Trong ngôi chòi đó, hàng ngày chị Huyên không giao tiếp với ai bên ngoài nên khi thấy người lạ là thường cúi gằm mặt xuống. Người thân trong gia đình, Huyên cũng không nhận ra được.
“Khi Huyên bị bệnh, chồng đi lấy vợ khác, đứa con gái được bố mang về nuôi. Hai bố con cũng thường xuyên đến thăm nhưng Huyên có biết gì đâu”, bà Hiển chia sẻ.
Bà Hiển chua xót khi phải xích con lại. |
Ông Lê Công Tự, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, cho biết, gia đình bà Hiển thuộc diện cận nghèo, kinh tế trông vào ba sào ruộng cấy lúa.
Họ chỉ trông chờ vào khoản tiền trợ cấp 450 nghìn đồng mỗi tháng của chị Huyên. Hiện xã cũng đang làm hồ sơ trợ cấp xã hội cho bố chị Huyên, hi vọng họ có thêm được chi phí để trang trải cuộc sống hằng ngày.