Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia Vũ Dương khẳng định, các giám định viên pháp y hiện nay phải được bổ nhiệm theo Pháp lệnh Giám định tư pháp (năm 2005). Còn Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Tiến Quyết lại cho rằng, giám định viên tại bệnh viện mà ông quản lý hoạt động theo quyết định của Bộ Y tế (năm 2002)…
Liệu có không những giám định viên chưa bổ nhiệm lại mà vẫn hoạt động? |
“Đây, tôi đưa quyết định do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm các giám định viên để anh xem (Quyết định số 1119 của Bộ Y tế về việc bổ nhiệm Giám định viên Y pháp trung ương năm 2002) … Nếu áp dụng theo Pháp lệnh năm 2005 thì phải phế truất người ta đi” - ông Quyết nói.
Theo ông Quyết, đã là giám định viên pháp y trung ương thì họ có quyền thực hiện nhiệm vụ của mình, có quyền cung cấp, vì họ đã được bổ nhiệm.
Cũng theo lãnh đạo Bệnh viện Việt - Đức, đơn vị này có hơn 10 giám định viên, thực hiện việc mổ tử thì theo trưng cầu của công an. “Nếu không có quyết định này (Quyết định số 1119) thì không bao giờ công an họ công nhận”, ông Quyết khẳng định.
Trả lời phóng viên, ông Quyết nói rằng không biết các giám định viên pháp y tại Bệnh viện Việt - Đức đã được bổ nhiệm lại theo quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp hay chưa.
Theo quyết định 1119 do ông Quyết cung cấp, ngày 3/4/2002, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc này là ông Đỗ Nguyên Phương đã ra quyết định bổ nhiệm 52 giám định viên y pháp trung ương; trong đó, căn cứ pháp lý để ra quyết định bổ nhiệm là dựa vào Nghị định 117.
Khúc mắc pháp lý nảy sinh là trong hoạt động của các giám định viên, họ thực hiện công vụ theo quy định “cũ” hay quy định “mới” như hiện nay.
Trở lại câu chuyện giám định pháp y được cung cấp từ Bệnh viện Việt - Đức liên quan đến cái chết của Trưởng văn phòng công chứng Việt Tín, ông Quyết khẳng định “nói giám định viên pháp y của chúng tôi “hoạt động chui” là không đúng, không chính xác. Hoạt động pháp y tại Bệnh viện Việt Đức thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc bổ nhiệm giám định viên pháp y trung ương năm 2002”.
Vậy, hoạt động của các giám định viên được bổ nhiệm theo Nghị định 117 của Bộ Y tế năm 2002 liệu có đảm bảo tính pháp lý hay không?
Các kết quả giám định thường liên quan đến các vụ án hình sự và việc cơ quan tố tụng trưng cầu kết quả giám định từ các giám định viên không được bổ nhiệm lại liệu có tuân thủ quy trình tố tụng đặt ra?
Việt Hưng
Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức Nguyễn Tiến Quyết: “Nói giám định viên pháp y của chúng tôi “hoạt động chui” là không đúng, không chính xác. Hoạt động pháp y tại Bệnh viện Việt Đức thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc bổ nhiệm giám định viên pháp y trung ương”. Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia Vũ Dương: “Có những giám định viên được bổ nhiệm theo Nghị định 117, không qua quy trình bổ nhiệm lại nhưng vẫn hoạt động. Để đảm bảo tính chính xác cho hoạt động pháp y phục vụ hoạt động tố tụng, tránh việc “loạn giám định viên”, chúng tôi đã báo cáo sự việc này lên Bộ Y tế, Bộ Tư pháp…”.