Tuổi thơ sóng gió
Hồ Thu Hương - Nadia Ho (SN 1988) sinh ra ở Hà Nội và lớn lên ở Cộng hòa Séc. Năm 9 tuổi, Hương cùng mẹ và em trai sang Cộng hòa Séc sinh sống. Tại đây, Thu Hương đã có một tuổi thơ dữ dội khi phải trải qua những ngày tháng bị kỳ thị bởi nạn phân biệt chủng tộc.
Thu Hương nhớ lại, cô và gia đình sống tại một thành phố nhỏ giáp Ba Lan và Slovakia. Hồi đó, người dân ở trong thành phố đó chưa quen với việc nhìn thấy người da màu. Trong lớp, chỉ có duy nhất Thu Hương là cô gái da màu. May mắn cho Thu Hương là các bạn trong lớp rất hòa đồng và quý mến cô nhưng các bạn trong trường thì ngược lại.
“Thấy mình trên sân trường là họ liền trêu chọc. Những người đi trên đường phố thì nhại lại giọng mình, làm mắt xếch bằng ngón tay để đùa cợt. Có người còn ném đá, cành cây, hoặc đấm vào đầu mình. Nhiều người nhìn thấy nhưng họ không can thiệp. Khi đó, mình im lặng và không nói với ai, kể cả bố mẹ. Vì mình sợ mọi người lo lắng”, Thu Hương kể lại những buồn tủi của tuổi thơ.
Nhưng với bản tính kiên cường, Hương đã dũng cảm “lên tiếng” về vấn đề phân biệt chủng tộc thông qua một bài văn viết về chủ đề đó và gửi tới cuộc thi Văn toàn quốc. Bài viết đó của Thu Hương đã nhận được giải đặc biệt trong cuộc thi. Hôm đi nhận giải, khi MC bắt đầu đọc bài văn cho khán giả nghe thì cô đã bỏ ra ngoài. Bởi khi đó Thu Hương thực sự không hề muốn mọi người thương hại hoặc coi mình là nạn nhân.
Bản thân Thu Hương khi kể ra câu chuyện của mình đơn giản chỉ để chia sẻ với các bạn cùng cảnh ngộ hoặc những ai đang bị kỳ thị vì sự khác biệt nào đó trên cơ thể. Cô muốn truyền thông điệp tới mọi người rằng: chớ coi bản thân là thấp kém hơn những người khác khi bị phân biệt. Hãy coi những lời nói xấu của người khác là động lực để các bạn vươn lên. Rồi đến một ngày, các bạn sẽ thấy mình tiến lên phía trước còn họ đã ở lại phía sau.
Thu Hương không chỉ coi sự phân biệt đó là điều bất hạnh mà đã biết nó trở thành động lực để cô phấn đấu trong cuộc sống. Thu Hương thổ lộ: “Nhờ trải qua những tháng ngày đó mà mình đã trưởng thành và chín chắn hơn. Mình đã tự học tiếng Séc, tự cố gắng để theo kịp bạn bè trong lớp, tự lên kế hoạch và đưa ra những quyết định cho cuộc sống mới”.
Hồ Thu Hương đặt chân đến sa mạc Sahara năm 2015. |
Thu Hương coi bản thân là “một quả chuối” vì “ở ngoài màu vàng còn bên trong màu trắng, giống như mình là người gốc châu Á nhưng lại sống ở châu Âu”.
Tuy nhiên khi đến các quốc gia khác, Thu Hương không xem mình là “một quả chuối” nữa mà là sự kết hợp giữa các nền văn hóa khác nhau. Sự kết hợp này theo cô tốt hơn rất nhiều so với việc chỉ là “một quả chuối”.
Bên cạnh cuộc sống ở Séc, Thu Hương vẫn tiếp tục tìm hiểu, học hỏi văn hóa quê hương Việt Nam. Cô coi bản thân là công dân toàn cầu nhưng không mất đi bản sắc của bản thân. “Đến một đất nước, mình lại tích lũy bản sắc tốt của quốc gia đó và không quên bản sắc dân tộc của mình. Dù không sống ở Việt Nam nhưng mình vẫn muốn được coi là một cô gái Việt Nam”, Thu Hương bộc bạch.
Người Việt trẻ trở thành công dân toàn cầu
Hồ Thu Hương tốt nghiệp bậc cử nhân ngành Thương mại quốc tế ở trường ĐH Kinh tế Praha. Thu Hương không bao giờ dậm chân tại chỗ vì khi học Đại học ở Praha, cô cũng tiếp tục đăng ký học bổng để sang Argentina học tiếng Tây Ban Nha. Và chính chuyến du học đầu tiên năm 2012, một mình sang Argentina với Thu Hương là mốc đánh dấu trở thành công dân toàn cầu.
“Văn hóa Mỹ Latinh đã trở thành một phần tất yếu của con người mình. Giờ đây có thể nói mình là sự hòa quyện của những nền văn hóa Á, Âu, Mỹ Latinh và Bắc Mỹ”, cô chia sẻ.
Trên bước đường lữ hành, cô cố gắng giao lưu, kết bạn với người bản xứ. Hương luôn tin rằng những mối quan hệ giữa người dân đến từ các quốc gia khác nhau là cách tốt nhất để duy trì hòa bình thế giới. Thu Hương nói rằng, thường chúng ta hay tập trung vào những điểm khác biệt của nhau, nhưng thực tế, con người ở bất cứ nơi đâu trên thế giới có nhiều điểm chung hơn điểm khác biệt. “Chúng ta đều muốn được hạnh phúc, được yêu, thực hiện những ước mơ và sống trong hòa bình”, đó là những điều mà Thu Hương chiêm nghiệm sau các chuyến đi.
Từ những chuyến đi và chiêm nghiệm của chính bản thân, Thu Hương nhận ra nhiều bạn trẻ sinh sống ở một đất nước khác khi đã trưởng thành thì càng khó để hòa quyện được vào nền văn hóa mới. Có những người đã sống ở nước ngoài hàng chục năm nhưng vẫn không sử dụng được ngoại ngữ thành thạo, và sống một cách cô lập và tách biệt với người bản địa.
Chính từ thực tế đó, vào tháng 8/2015, khi sắp từ Canada chuyển sang Hoa Kỳ sinh sống, Thu Hương đã quyết định cùng hai người bạn thân thành lập fanpage “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới” nhằm truyền tải thông tin cho các bạn trẻ, tạo cho các bạn động lực để thực hiện những ước mơ và trở thành những công dân toàn cầu.
Ban đầu, nhiều người dùng những lời nhận xét đầy chê bai như Thu Hương và hai người sáng lập đều đã sống ở nước ngoài nhiều năm; tiếng Việt sử dụng không thành thạo và trình độ viết văn tiếng Việt chỉ ở trình độ trung học... Thậm chí, có người nghi nhóm cô không thực chất.
Thu Hương, Anh Đức, Phan Linh (từ phải qua trái, hàng ngồi) là những người đã sáng lập nên fanpage “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới”. |
Dù vậy, Thu Hương vẫn kiên định và không quên lý do bắt đầu là mong muốn thế hệ trẻ Việt sẽ chuẩn bị đầy đủ vốn kiến thức, kỹ năng, tư duy và phẩm chất tốt khi ra thế giới để được mọi người trên thế giới coi trọng và để họ đạt được thành công xứng tầm với khả năng. Thu Hương xem những trở ngại là động lực và không để những tiêu cực làm bản thân quên mất mục tiêu và tầm nhìn.
Cô tin những lời khuyên của nhóm không vì lợi nhuận, dự án với giá trị lâu dài luôn đặt lợi ích của các bạn trẻ lên hàng đầu sẽ được chứng minh theo thời gian. Liên tiếp những buổi trò chuyện trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm, các khóa học ngoại ngữ, các kỳ tình nguyện xuyên quốc gia hướng tới người nghèo... thu hút nhiều bạn trẻ ở nhiều nước khác nhau như Singapore, Nhật Bản, Mỹ... tham gia.
Một buổi nói chuyện để cung cấp kiến thức, truyền động lực cho các bạn trẻ. |
Thu Hương đã đúc kết cuốn cẩm nang 12 bước, 77 tiêu chí để trở thành công dân toàn cầu. Trong đó, bao quát nhiều lĩnh vực đa dạng và những nhu cầu, xu hướng trong thời đại công nghiệp 4.0, nhằm giúp các bạn trẻ phát triển các kỹ năng mềm, xây dựng lối sống lành mạnh và trang bị những kiến thức.
Thu Hương bày tỏ: “Thế kỷ 21 và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi sự độc lập trong suy nghĩ và hành động; sự linh hoạt để đón nhận những sự thay đổi; sự siêng năng để liên tục trau dồi kiến thức, kỹ năng; tinh thần vượt khó. Cộng đồng Hộ chiếu xanh mong muốn các bạn trẻ Việt Nam trở thành những con người như vậy”.
Đến giờ, Thu Hương vẫn bền bỉ gắn mình với hoạt động của cộng đồng Hộ chiếu xanh. “Tôi mong rằng trong thời gian tới, cộng đồng Hộ chiếu xanh sẽ quy tụ được những đại sứ - những tấm gương Việt toàn cầu - cũng như sự giúp đỡ của các tổ chức, cộng đồng để có thể tiếp tục phát triển và phổ biến những giá trị và kỹ năng cần thiết tới các bạn trẻ Việt Nam”.