Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến nền kinh tế sụt giảm, chuỗi nhà hàng Cơm Tấm Ninh Kiều của cô chủ 9X đến từ Việt Nam luôn giữ “phong độ” ổn định với mức doanh thu tăng 40% thực sự là một nỗ lực lớn, một động lực để phấn đấu khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Dù sống trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt và nhà hàng nằm giữa tâm bão COVID-19 nhưng quán cơm tấm của Hồng Như vẫn trụ vững đã thể hiện bản lĩnh và chiến lược kinh doanh đúng hướng.
Khởi đầu gian khó
Xuất thân trong một gia đình nghèo có 4 anh chị em, dù là con út nhưng Hồng Như cũng không được cưng chiều như những “tiểu thư nhà nghèo”. Trái lại, từ nhỏ Như đã phải cùng với các chị làm việc vặt trong nhà và phụ giúp mẹ buôn bán. Hoàn cảnh khó khăn nhưng chị em Như đều học chăm và học giỏi. Năm 19 tuổi cô đã thi đậu đại học tại Sài Gòn.
Với quyết tâm dùng kiến thức để thoát nghèo, trong những năm tháng sinh viên, Hồng Như đã vừa học vừa làm thêm và miệt mài học tiếng Anh. Tuy nhiên hồi đó trong nếp nghĩ của cô gái Tây Nguyên chưa từng xuất hiện ý định sẽ có ngày mình đi du học
Năm 2012, Như bước vào năm cuối đại học, lúc này cô được biết đến chương trình thực tập ở Mỹ. Cô đã nộp đơn và vượt qua các vòng phỏng vấn để có cơ hội thực tập tại Crowne Plaza. Như vay mượn khắp nơi để có đủ tiền mua vé máy bay. Khi đặt chân sang đất Mỹ, trong túi cô gái nhỏ chỉ có 100 USD “làm vốn”.
Hồi đó, nơi Như đến thực tập là Baton Rouge - một vùng đất xa xôi, hẻo lánh thuộc tiểu bang Louisiana của Mỹ. Nơi đây không xa hoa tráng lệ như thiên đường trong mơ người ta vẫn hình dung về xứ sở cờ hoa. Như đã từng khóc vì hoang mang giữa miền đất xa lạ này. Không người thân, không tiền bạc, để sống và học tiếp, cô đã chấp nhận đi làm thêm với mức lương rẻ mạt khoảng 35 USD mỗi ngày. Cực khổ, thất vọng nhưng trong tim cô gái trẻ vẫn khôn nguôi những hoài bão.
Vốn tiếng Anh trở thành tài sản quý giá giúp Như đi qua nhiều vùng trên đất Mỹ dễ dàng hơn. Hơn 20 tuổi, một mình nơi đất lạ cách quê nhà nửa vòng trái đất nhưng Hồng như đã mạnh dạn đến và đi qua nhiều bang khác nhau trên đất Mỹ, Mỗi nơi đi qua cô đều phải dừng chân làm thêm kiến tiền và nhờ vậy cô gái trẻ lại có cơ hội tìm hiểu về văn hóa và con người nơi đây với tâm trạng đầy háo hức, mê khám phá.
Nhà hàng Cơm Tấm Ninh Kiều của Tôn Thị Hồng Như ở New York City. |
Như nhận thấy trên Mỹ bao la có nhiều đồng bào ta sinh sống, và những nhà hàng món ăn Việt không chỉ phục vụ người Việt mà thực khách mê món ăn Việt cũng rất nhiều. Thế nhưng lại hiếm có những nhà hàng chuẩn phong vị Việt. Và cô gái trẻ đầy hoài bão đã ấp ủ khát vọng sẽ có một nhà hàng chuẩn hương vị Việt của riêng mình để giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt ra thế giới.
Cũng cần nói thêm rằng, trước khi thực hiện hóa khát vọng đó, và để tích cóp vốn liếng cũng như kinh nghiệm, Như lại tiếp tục trải qua những tháng ngày vất vả lăn lộn làm trong các quán xá, nhà hàng Việt trên đất Mỹ với đủ vị trí: đầu bếp, bồi bàn, lễ tân, quản lý...
Khi mọi điều kiện đã chín muồi, tháng 11 năm 2017, Như mua lại một nhà hàng Việt biển hiệu “Cơm Tấm Ninh Kiều” vắng khách tại quận Bronx. Cô quyết định giữ nguyên tên nhà hàng là Cơm Tấm Ninh Kiều như ban đầu.
"Mình đã dành 6 năm để học và làm ở tất cả vị trí của nhà hàng: đón khách, phục vụ bàn, pha chế, rửa chén, phụ bếp, nấu bếp và ngay cả dọn toilet.... Việc gì mình cũng không từ chối và mỗi ngày đều làm việc 14-19 giờ", Như chia sẻ.
Thời gian đầu khởi nghiệp, cô bận bịu với những đêm không ngủ, vừa mày mò, thử nghiệm các công thức nấu ăn, đào tạo nhân sự, vừa tìm hiểu các kiến thức kinh doanh. Nhưng lúc ấy là tuổi trẻ, là sự chăm chỉ nên không khó khăn nào đấu lại được. Như cho rằng, phẩm chất chịu thương chịu khó, chăm chỉ, nhẫn nại đó học tập và được thừa hưởng từ mẹ của mình.
Hình ảnh rạng rỡ truyền cảm hứng của cô gái Việt. |
Thực đơn tại Cơm Tấm Ninh Kiều giới thiệu những món ăn truyền thống Việt Nam, nhưng không chỉ có phở và bánh mì mà còn có những món đa dạng theo vùng miền như bún bò Huế, bún chả giò, gỏi cuốn, đậu hũ ky... Đồ ăn tươi ngon, giữ trọn hương vị Việt, giá cả phải chăng, dịch vụ vui vẻ và không gian nhà hàng độc đáo là những yếu tố giúp quán của Như thu hút đông đảo thực khách và ngày càng được nhiều người biết đến.
Trong vòng 9 tháng, Như và cộng sự đã biến một nhà hàng "sắp phá sản" thành một trong những nhà hàng hot nhất Bronx, New York City với doanh số tăng gấp đôi. Có những ngày cuối tuần, khách phải đợi 15-30 phút mới được vào chọn món. Trung bình mỗi khách sẽ chi 25-50 USD chưa bao gồm đồ uống.
Nỗ lực vượt khó
Công việc kinh doanh nhà hàng đang ăn lên làm ra thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Từ tháng 10 năm 2020, dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, tỷ lệ người tử vong ở New York cao nhất toàn nước Mỹ, thậm chí có thời gian đạt đỉnh điểm toàn thế giới. Khi lệnh đóng cửa toàn thành phố được ban hành, hàng tháng cô vẫn phải trích ra một khoản tiền để chia sẻ, hỗ trợ với các nhân viên. Khó khăn hơn nữa là cùng thời điểm này, Như và các cộng sự của mình đang đầu tư xây dựng thêm nhà hàng bánh và ẩm thực Việt mang tên Banh Vietnamese Shop House.
Không gian tuyệt đẹp của nhà hàng Cơm Tấm Ninh Kiều thu hút thực khách đến từ nhiều quốc gia. |
Đến cuối 2020, làn sóng dịch bệnh tại Mỹ đã được khống chế. Lập tức cô chủ trẻ Hồng Như chuẩn bị phương án, chiến lược phục hồi sản xuất kinh doanh hậu Covid-19. Đối với Cơm Tấm Ninh Kiều, để mở cửa trở lại thì vấn đề đặt ra hàng đầu phải là giữ an toàn cho nhân viên và thực khách.
Đối với Banh Vietnamese Shop House, tiến độ thi công cần được đẩy nhanh hết mức có thể cho kịp ngày khai trương. Nhưng bài toán cân đối chi phí vẫn là một thách thức lớn trong lúc này. Vì thế, Như đã quyết định thay đổi kế hoạch kinh doanh, tập trung 100% vào chất lượng sản phẩm, cắt giảm tối đa những phát sinh không cần thiết, hoàn thành các thủ tục pháp lý kinh doanh khi chính phủ mở cửa lại.
Thay vì thuê vài công ty truyền thông làm marketing với giá cao ngất ngưởng, Như đã tìm cách quảng cáo các món ăn qua mạng xã hội, chủ yếu là Instagram. Và cô nhận thấy đây là một hướng đi đúng đắn, hiệu quả. Khách hàng yêu thích và book lịch đặt chỗ Cơm Tấm Ninh Kiều qua Instagram ngày một đông và ổn định.
Trong thời điểm đó, Chính phủ Mỹ kịp thời tung ra các gói hỗ trợ và hoàn tiền thuế quỹ lương (Payroll Tax) cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Banh Vietnamese Shop House không nằm trong đối tượng được hỗ trợ vì thành lập trước năm 2019 (giai đoạn trước dịch) nhưng không vận hành cho tới gần cuối năm 2020.
Giữa bộn bề công việc, cô cũng không quên dành thời gian thử nghiệm công thức các món ăn mới tại nhà để xây dựng thực đơn tốt nhất cho Banh Vietnamese Shop House.
Như quyết định mở cửa nhà hàng Cơm tấm Ninh Kiều trở lại ngay trước ngày Haloween, còn Banh Vietnamese Shop House khai trương đúng ngày đầu tiên của năm 2020.
Mở cửa trở lại đã khó, khai trương nhà hàng thời điểm này càng vô cùng khó khăn. Biết vậy nhưng Hồng Như phải vô cùng nỗ lực, vì cô biết nếu không phải lúc này thì cơ hội sẽ vĩnh viễn biến mất. Và một lần nữa sự cố gắng của cô gái trẻ đã được đền đáp. Nhà hàng Cơm Tấm Ninh Kiều có được lượng khách ổn định, doanh thu tăng đều. Số tiền lãi thu được từ Cơm Tấm Ninh Kiểu được đẩy sang để hỗ trợ Banh Vietnamese Shop House tiếp tục hoạt động. Bù lại, khi mở cửa hai nhà hàng vào dịp cuối tuần, lượng khách ghé tới sẽ đông hơn, đồng thời khách hàng từ những quận khác hay các khu vực xa xôi sẽ có đủ thời gian tìm tới.
Hiện nay, sau khi dịch bớt căng thẳng, doanh thu nhà hàng của Như đã tăng lên 35-40%, những ngày thường có trên 150 lượt khách mỗi ngày. Còn cuối tuần có gần 1.000 lượt khách trong ngày.