Thay đổi vị thế của người Việt trên đất Đài
Năm 1997, Ngô Phẩm Trân tới Đài Loan để theo học ngành ngôn ngữ. Sau khi tốt nghiệp, cô bắt đầu làm việc tại Bộ Văn hóa Đài Loan với trách nhiệm hỗ trợ người lao động nước ngoài trong đó có người Việt Nam tại Đài Loan.
Trong quá trình làm việc, Ngô Phẩm Trân đã chứng kiến không ít những khó khăn mà người Việt Nam gặp phải khi sang làm việc, sinh sống tại Đài Loan. Xuất phát từ đó, cô đã quyết định xuất bản hai tạp chí song ngữ Việt-Hoa nhằm cung cấp nững thông tin chính sách về phúc lợi của chính phủ Đài Loan đối với người lao động nước ngoài. Đồng thời, hai tạp chí này cũng cung ấp thông tin về cơ hội việc làm cho sinh viên Việt Nam tại nước bạn.
Hai tạp chí này của Ngô Phẩm Trân đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình khi giúp nhiều người Việt Nam tại Đài Loan có thể nắm bắt được những thông tin liên quan đến luật lệ, quy định của Đài Loan về người lao động nước ngoài. Từ đó, giúp nhiều người lao động, du học sinh Việt Nam biết bảo vệ và đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của bản thân.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2015, Ngô Phẩm Trân đã thành lập trang web “Việc làm Đài Loan” (Jobs Taiwan). Website này cung cấp đầy đủ thông tin về cơ hội việc làm cho sinh viên Việt Nam tại Đài Loan.
Hiện tại, chị Ngô Phẩm Trân đang là Chủ tịch Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt. Đồng thời, chị cũng là người sáng lập Viện ngôn ngữ quốc tế Horizon với các chương trình học online.
Mỗi năm, Hiệp hội Phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài Loan - Việt Nam đã tổ chức khoảng 20 hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, giáo dục và văn hóa giữa Việt Nam và Đài Loan. Về giáo dục, chị đã giới thiệu nhiều chương trình học bổng của Đài Loan cho sinh viên Việt Nam, hỗ trợ 519 sinh viên từ tỉnh Đồng Tháp của Việt Nam sang học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Minghsin và hợp tác với Đại học Sài Gòn trong việc giảng dạy tiếng Hoa.
“Là một giảng viên của Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, tôi hiểu hơn về các chương trình giáo dục tiên tiến của Đài Loan, do đó, tôi muốn đóng góp một phần vào việc cải cách hệ thống giáo dục Việt Nam”, Ngô Phẩm Trân chia sẻ về những đóng góp trong giáo dục của mình.
Trong tương lại, Viện ngôn ngữ Quốc tế Horizon đang có kế hoạch đào tạo sinh viên Việt Nam theo trước nhu cầu của các doanh nghiệp Đài Loan đang đầu tư vào nước này.
Chị Ngô Phẩm Trân (bìa trái) tại buổi lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa trường Đại học Sài Gòn với trường Đại học Thương mại Đài Bắc. |
Về lĩnh vực y tế, Ngô Phẩm Trân là cầu nối cho nhiều chương trình hợp tác y tế giữa Bộ Y tế Đài Loan, Bệnh viện Đài Bắc, Bệnh viện Đào Viên và các bệnh viện tại Việt Nam như Thống Nhất, Thủ Đức, Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Liên quan đến lĩnh vực thương mại, Ngô Phẩm Trân và Hiệp hội B2B giúp giới thiệu các sản phẩm của Việt Nam sang thị trường Đài Loan và ngược lại. Về văn hóa, họ tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa để người Đài Loan có cái nhìn sâu sắc hơn về con người và đất nước Việt Nam.
Suốt hơn 6 năm qua, chị Ngô Phẩm Trân và Hiệp hội Đài Việt đã giúp đỡ, hỗ trợ, đào tạo thành công hơn 600 bạn trẻ trong các chuyên ngành về kỹ thuật, công nghệ, nông nghiệp tại Đài Loan.
Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, Ngô Phẩm Trân đã tích cực tham gia thúc đẩy nhiều sự hợp tác giữa Việt Nam và Đài Loan về kinh tế, giáo dục và văn hóa, đạt được nhiều thành công nhất định. Sự hợp tác giữa Chính quyền Huyện Tân Trúc Đài Loan và Chính quyền Tỉnh Đồng Tháp Việt Nam về đào tạo nhân tài do chị Ngô Phẩm Trân xúc tiến hợp tác đã trở thành mô hình mẫu trong chính sách đào tạo nhân tài của Tân hướng nam.
Chủ nhiệm văn phòng, ông Nguyễn Anh Dũng hy vọng chị Ngô Phẩm Trân sẽ đem mô hình này nhân rộng ra đến nhiều địa phương khác của Việt Nam. Văn phòng Văn phòng Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc từng trao tặng bằng khen để ghi nhận với những thành tích cho chị Ngô Phẩm Trân vào năm 2020.
Lòng tự tôn dân tộc
Chia sẻ về điều gì khiến bản thân có động lực làm được nhiều điều như vậy cho người Việt Nam trên đất Đài Loan, chị Ngô Phẩm Trân tâm sự rằng, thời gian đầu tiên khi sang nước bạn, trong một lần đi taxi bác tài xế khi nghe chị nói tiếng Việt thì bác hỏi là có phải chị đến từ Việt Nam hay không?
“Khi biết tôi là người Việt Nam, bác tài xế liền nói rằng, đất nước Việt Nam còn rất nghèo, lạc hậu. Họ có kỳ thị về người Việt của mình. Lúc đó mình cảm thấy bị tổn thương và rất tự ái, rất buồn. Khi đó, phản xạ tự nhiên trong lòng mình là mình trả lời ngay người Việt Nam của tôi không phải là thế. Nhưng tôi cũng nhận ra nếu mình chỉ nói và giải thích họ không như thế cũng sẽ không khiến họ thay đổi suy nghĩ. Tôi nghĩ rằng đó là một điều mình không thể chứng minh được chỉ bằng lời nói.
Chị Ngô Phẩm Trân tại một buổi quảng bá văn hóa Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc). |
Từ đó nó đã thôi thúc mình xây dựng con đường kiến thức, thay đổi cái nhìn của người bản xứ với mình. Khi hiểu về Việt Nam, thấy được những gì người Việt Nam có thể làm thì họ sẽ có cách nhìn khác. Vì Việt Nam của chúng ta có rất nhiều nhân tài”, chị Ngô Phẩm Trân nói trong cảm xúc nghẹn ngào.
Từ động lực đó, chị Ngô Phẩm Trân cũng đang cố gắng thực hiện mong ước xây dựng được một cộng đồng người Việt lớn mạnh tại Đài Loan.
“Cộng đồng người Việt ở Đài Loan còn ít và sống rải rác ở nhiều nơi. Tôi mong rằng sẽ có nhiều giáo sư, tiến sĩ và những người có tầm ảnh hưởng Việt Nam đến Đài Loan để truyền đi những thông điệp về quê hương đất nước nhằm tăng cường sự đoàn kết và kết nối trong cộng đồng”, Ngô Phẩm Trân nói.
Với mong muốn xây dựng một cộng đồng người Việt Nam vững mạnh và đoàn kết, Trân sẽ chung tay với Hội Liên hiệp nữ doanh nhân Việt Nam tại Đài Loan để giúp mọi người có kiến thức về cách thức vận hành doanh nghiệp cũng như kinh doanh theo mô hình 5.0…
Đáng chú ý, Hội Liên hiệp nữ doanh nhân Việt Nam tại Đài Loan được Ngô Phẩm Trân Mục thành lập với mục đích chính là hỗ trợ cho chị em làm kinh tế vững chắc tại Đài Loan, sau đó đưa chị em liên kết với những cộng đồng người Việt tại các nước khác. Đó là tôn chỉ mục đích chính. Đường hướng hoạt động của tổ chức này là năm đầu tiên sẽ xây dựng những lớp học về làm kinh tế, xây dựng sản phẩm, thương hiệu, hỗ trợ nền tảng ban đầu về phương hướng kinh doanh trước.
Sau khi các chị em xây dựng được nền tảng cơ bản trong kinh doanh, mỗi năm sẽ tổ chức một chương trình liên kết với các cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên toàn cầu, xây dựng kênh thương mại hợp tác quốc tế, đó là trọng điểm phát triển của Hội.
Bên cạnh đó, Ngô Phẩm Trân cho biết chị đặt nhiều hy vọng vào những trẻ em thuộc thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên ở Đài Loan, nhấn mạnh rằng muốn làm nhiều điều hơn nữa cho các em. Bởi các em chính là thế hệ tiếp theo giúp làm rạng danh người Việt Nam tại các nước bạn trên thế giới nói chung và tại Đài Loan (Trung Quốc) nói riêng.