Cô gái được tái sinh sau ca ghép phổi đêm giao thừa

Ca ghép phổi kéo dài 12 giờ đồng hồ ngày 9/2 (30 Tết). Ảnh: BVCC
Ca ghép phổi kéo dài 12 giờ đồng hồ ngày 9/2 (30 Tết). Ảnh: BVCC
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cô gái 21 tuổi (Bắc Kạn) đã hồi sinh sau ca ghép phổi vào ngày 9/2 (30 Tết), ca ghép phổi kéo dài 12 giờ đồng hồ đến đêm giao thừa.

12 giờ đồng hồ căng thẳng

Ngày 15/2, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức buổi họp báo cáo kết quả ca ghép phổi. Tham dự buổi họp có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là tin vui đầu năm, là dấu ấn đối với ngành ghép mô tạng của Việt Nam. Bộ trưởng bày tỏ xúc động và tự hào với kết quả mà đội ngũ y bác sĩ đã thực hiện ca ghép tạng thành công.

Chúc mừng nữ bệnh nhân trẻ có cuộc sống mới, Bộ trưởng Đào Hồng Lan mong muốn nữ bệnh nhân cố gắng phục hồi chức năng tốt, sớm ngày được trở lại trường học. Đồng thời bà ghi nhận và tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của nam thanh niên 26 tuổi đã hiến 8 tạng cứu sống nhiều người bệnh, trong đó có 2 lá phổi, hồi sinh cho cô gái từng bên “cửa tử”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi họp báo cáo kết quả ca ghép phổi. Ảnh: Ngọc Nga

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi họp báo cáo kết quả ca ghép phổi. Ảnh: Ngọc Nga

Theo TS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, nữ bệnh nhân 21 tuổi, quê tỉnh Bắc Kạn, đang là sinh viên ngành IT của một trường đại học đã phải bỏ học giữa chừng vì mắc bệnh phổi giai đoạn cuối. Người bệnh phải thở oxy dài hạn tại nhà, cần người hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Cô gái này mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay còn gọi là bệnh hiếm gặp phổi đục lỗ, thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Bệnh lý này tạo các kén khí trong phổi, lan tỏa và làm mất chức năng phổi.

Người bệnh đã được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ năm 2020, chờ ghép phổi từ vài tháng nay vì 2 lá phổi tổn thương nghiêm trọng, tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong cao.

13h ngày 8/2/2024 (29 Tết), sau khi nhận được thông tin có phổi hiến từ Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương đã kích hoạt khẩn cấp chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh được nhận tạng ngay trong đêm.

Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động khoảng 80 nhân lực tham gia và nhiều nhân lực khác làm việc trực tuyến, phối hợp với Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội... Trong đêm, bệnh viện mời 3 bệnh nhân chờ ghép để lựa chọn, sau hội chẩn với chuyên gia nước ngoài. Các bác sĩ đã quyết định chọn cô gái 21 vì có nguy cơ tử vong sớm hơn cả.

Ca phẫu thuật được tiến hành ngày 9/2 (30 Tết), kéo dài 12 giờ (từ 10h tới 22h) do ekip y bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện E thực hiện.

Ekip các bác sĩ thực hiện ca ghép phổi. Ảnh: BVCC

Ekip các bác sĩ thực hiện ca ghép phổi. Ảnh: BVCC

Hồi phục kỳ diệu

Chia sẻ về tình hình sức khỏe bệnh nhân sau ca ghép, TS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết, trong ngày 30 Tết khi nhận thông tin có phổi hiến, 2 bàn mổ lấy phổi từ người hiến và gỡ dính chuẩn bị ghép phổi cùng song song hoạt động. Ca ghép lần lượt thực hiện ghép phổi trái, rồi sang phổi phải.

12 giờ sau mổ, người bệnh đã tỉnh, tự thở những hơi thở đầu tiên của hai lá phổi mới trong những giọt nước mắt hạnh phúc của cả người bệnh và kíp thực hiện ghép phổi. Ngay trong ngày đầu tiên sau ghép phổi, người bệnh đã phục hồi tốt, các chỉ số hô hấp ổn định.

Bác sĩ Ngọc cũng chia sẻ thêm, với kết quả sau ghép như hiện nay, cô gái sẽ sống cuộc đời mới với 2 lá phổi mới, tương lai quay lại giảng đường đại học là rất gần. "Những bác sĩ quyết định rút ống nội khí quản cho bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân ở thời điểm đó rất xúc động, rất hạnh phúc vì ca ghép phổi đã thành công, cô gái 21 tuổi có cuộc đời mới", bác sĩ Ngọc xúc động tâm sự.

12 giờ sau mổ, người bệnh đã tỉnh, tự thở những hơi thở đầu tiên của hai lá phổi mới. Ảnh: BVCC

12 giờ sau mổ, người bệnh đã tỉnh, tự thở những hơi thở đầu tiên của hai lá phổi mới. Ảnh: BVCC

Chia sẻ tại buổi họp báo cáo thông tin kết quả ca ghép phổi, TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nói: "Ca ghép phổi này có 2 điều khó khăn, thứ nhất là chăm sóc chờ ghép và sau ghép, thứ hai là kỹ thuật ghép. Như với trường hợp bệnh nhân này, khi giải phóng được phổi của người nhận, bóc tách ra được là một vấn đề rất lớn. Đối với phổi đưa về để ghép cũng phải bảo quản đủ điều kiện cấy ghép là vấn đề rất khó khăn. Bởi phổi là một cơ quan của cơ thể thông với môi trường bên ngoài nên cần được bảo quản cẩn thận. Ca ghép phổi này là ca thứ 12 trên cả nước, hiện tại đang có 2 ca ghép phổi rất thành công, trong đó có trường hợp của nữ sinh 21 tuổi này".

TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Ngọc Nga

TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Ngọc Nga

Rưng rưng nước mắt, chị P.T.T, mẹ bệnh nhân, chia sẻ: "Từ tấm lòng người mẹ tôi vô cùng xúc động, cảm ơn ekip các y bác sĩ đã nỗ lực cứu sống con gái tôi, đặc biệt cảm ơn đến gia đình người đã hiến tặng 2 lá phổi. Gia đình tôi vốn sống ở vùng khó khăn. Con bệnh ngày một nặng, nếu không có oxy, con không thể tham gia bất kỳ hoạt động nào. Mỗi ngày đi làm trở về nhà, tôi luôn cất tiếng gọi con chỉ để mong chờ tiếng trả lời của con, điều đó đồng nghĩa con vẫn còn tồn tại. Tôi đã từng nghĩ một ngày nào đó, con tuột khỏi vòng tay mình. Giờ đây, được phẫu thuật ghép thành công, con tôi tiếp tục được sống, được theo đuổi ước mơ của mình".

Với những thành công này Chương trình Ghép phổi của nước ta sẽ được ghi nhận vào danh sách của hệ thống ghép phổi trên thế giới. Thành công của ca ghép phổi này đã: Góp phần quan trọng vào thành tựu kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam; Chương trình ghép phổi sẽ giúp cứu được hàng nghìn người bệnh mà chỉ thay phổi mới cứu chữa được; Các quy trình kỹ thuật chẩn đoán, điều trị nội khoa và phẫu thuật phổi sẽ như các nước phát triển.

Sự thành công của các ca ghép phổi đã cho thấy Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng, đây là thành tựu tiêu biểu của ngành Y tế Việt Nam, mang lại những giá trị to lớn cho sức khoẻ người bệnh và nhân dân.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.