Định mệnh bất hạnh
Mẹ Thảnh- bà Huỳnh Thị Liên năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng trong căn nhà nhỏ bà luôn phải tất bật như chăm con mọn khi phải chăm lo cho đứa con gái út năm nay đã 27 tuổi nhưng bị liệt chân tay phải nằm một chỗ.
Nhìn Thảnh, bà Liên kể trong nghẹn ngào: “Thảnh bị tật bẩm sinh, liệt tay chân từ nhỏ. Lúc trước Thảnh không nói được, gần đây mới nói tiếng được, tiếng mất. Nhà chỉ có ba mẹ con, người con gái lớn đã lấy chồng ở Đồng Tháp nhưng vì kinh tế khó khăn nên 5-7 năm mới về thăm nhà một lần. Thảnh từ nhỏ đến giờ chỉ nằm một chỗ, không đi lại được, mọi công việc vệ sinh, ăn uống đều nhờ vào người mẹ”.
Trước đây, bà Liên và chồng là người miền biển, sau khi lập gia đình, cuộc sống khó khăn, thấy người ta rủ nhau lên đây lập kinh tế mới nên bà và chồng cũng khăn gói từ biệt quê hương để đi. Tưởng rằng, với vùng đất mới sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc con cái đề huề. Thế nhưng, mọi chuyện lại không như những gì mà hai vợ chồng bà mong chờ. Do định cư và sản xuất kinh tế ở một vùng đất trước đây quân giặc thải chất độc nhiều nên bà bị phơi nhiễm. Nghiệt ngã thay, những đứa con của bà cũng bị ảnh hưởng theo.
Hoài bão của người mẹ bị sụp đổ khi phát hiện đứa con gái út - tức Thảnh có những biểu hiện lạ thường khi vừa ở tuổi lên hai. “Những đứa trẻ lên hai đã chạy nhảy, còn nó chỉ nằm và quấy khóc, sau đó những dấu hiệu về liệt hai tay, hai chân dần dần lộ rõ. Nhìn con nằm một chỗ không thể đi lại, tôi như đứt từng khúc ruột”- bà Liên nói.
Thương con sinh con ra đã bị tàn tật, chứng kiến con phải quằn quại lê lết không đi đứng được như bạn bè đồng trang lứa, dù gia cảnh nghèo khó nhưng nhiều lần bà cũng vay mượn khắp nơi để đưa con đi chữa trị. Thế rồi, cuối cùng bà phải ngậm ngùi đem con về nhà khi bệnh tình không thuyên giảm được bao nhiêu.
Vẽ ước mơ bằng chân
Dù quanh năm suốt tháng chỉ nằm một chỗ nhưng Thảnh đã cố gắng làm nên một điều kỳ diệu mà ít ai có thể làm được. Thảnh đã cố gắng tập luyện để cầm bút bằng chân và vẽ lên những bức tranh đầy màu sắc.
Ban đầu, những bức tranh của em chỉ là những nét vẽ ngang dọc trên mặt đất, trên nền nhà. Về sau, thấy con có thể vẽ cầm bút vẽ bằng chân nên bà Liên đi xin giấy cho con vẽ; nhiều người thấy Thảnh đam mê vẽ nên mua giấy, bút màu để tặng em. Sau một thời gian miệt mài tập luyện, em cũng đã điều khiển được đôi chân của mình để vẽ nên những bức tranh đẹp, với nhiều thể loại, đa màu sắc.
Hằng ngày Thảnh vẫn nằm ở nền nhà để vẽ những bức tranh bằng đôi chân |
Một tập tranh được đóng ghim gọn gàng, những bức tranh được vẽ bằng bút chì và tô những màu sắc sặc sỡ. Chủ đề trong những bức tranh chủ yếu nói đến tình cảm mẹ con, tình yêu đôi lứa, thời trang, những vật nuôi trong nhà…
Lật những tập tranh do chính con gái vẽ, mẹ Thảnh chia sẻ: “Mỗi khi cho Thảnh ngủ xong, buồn buồn tôi lại lật những bức tranh nó vẽ ra coi. Nhìn những bức tranh, tôi không cầm được nước mắt. Thảnh ra chịu thiệt thòi so với mọi người rồi, giờ muốn bù đắp cho nó nhưng vì nghèo khổ nên chẳng biết làm sao. Nhiều lúc tôi lén thấy con cứ hóng mắt ra ngoài đường mỗi khi lũ trẻ trong xóm nô đùa là nước mắt trào ra…”
Điều người mẹ trăn trở nhất là càng ngày tuổi tác càng cao, không còn lao động được thì ai sẽ lo từng bữa ăn cho đứa con gái bất hạnh của mình. Nhìn lại những bức tranh của Thảnh người xem không khỏi xót xa khi nhìn những bức ảnh về tình yêu đôi lứa, về hai người nam nữ cùng nắm tay nhau…Bên góc nhà, một bức tranh vẽ về ngôi nhà nhỏ, có cây xanh xung quanh do chính đôi chân của Thảnh vẽ nên được bà Liên treo trên bức tường nhà.
Đó cũng chính là ngôi nhà mơ ước mà cô gái tật nguyền Huỳnh Thị Thảnh từng mơ ước.