Cụ thể, bệnh nhân là nữ, 18 tuổi, TP Việt Trì – Phú Thọ, nhập viện Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng ho, sốt, đau tức ngực, khó thở, bệnh nhân tiền sử khoẻ mạnh, nhiễm COVID-19 cách 1 tháng, đã tiêm phòng 2 mũi vaccine. Sau khi vào viện bệnh nhân được khám, làm xét nghiệm đã được các bác sĩ chẩn đoán suy hô hấp và vêm phổi nặng hậu COVID-19.
Trước đó, bệnh nhân ở nhà ho đờm, sốt cao 39 độ C, đau tức ngực 2 bên, khó thở tăng dần trong 3 ngày, không dùng thuốc gì đặc biệt. Kiểm tra tại bệnh viện, nữ bệnh nhân tỉnh, thể trạng trung bình, da niêm mạc hồng, sốt nóng, ho, đau tức ngực, khó thở, thở nhanh gắng sức, tim nhịp nhanh, phổi thông khí giảm, ran ẩm ran nổ 2 bên phổi, bụng mềm.
Tại bệnh viện, bệnh nhân đã được thăm khám toàn diện chức năng các cơ quan, điều trị theo phác đồ. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân có đáp ứng tốt, tình trạng nhiễm trùng, chức năng phổi, toàn trạng khá hơn. Bệnh nhân ổn định và được xuất viện sau 12 ngày điều trị.
Theo các bác sĩ, biểu hiện hậu COVID-19 thường gặp bao gồm ho, khó thở, tức ngực, rối loạn giấc ngủ, rối loạn vị giác, tăng đông máu, mệt mỏi giảm sức chịu đựng. Các biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa các tình trạng sau COVID-19 là ngăn ngừa mắc COVID-19 (ví dụ như tiêm chủng, đeo khẩu trang, vệ sinh tay).
Các biện pháp làm giảm tỷ lệ mắc hoặc mức độ nghiêm trọng của mắc COVID-19 cấp tính sẽ làm giảm tỷ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng của tình trạng sau khi mắc bệnh. Biểu hiện hậu COVID-19 rất phong phú. Do đó, để chẩn đoán, bác sĩ cần hỏi các triệu chứng COVID-19 cấp tính và biểu hiện khi thăm khám để đưa ra yêu cầu xét nghiệm, chẩn đoán, xử trí phù hợp.