Ngay trước thời điểm diễn ra dịp lễ 30/4 – 1/5, UBND Lâm Đồng đã ban hành văn bản đến Công an tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương cùng UBND các huyện, thành phố trong tỉnh về nạn “cò du lịch”
Ủy ban Lâm Đồng xác nhận, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Thành phố Đà Lạt xuất hiện những người hành nghề môi giới mua sắm đặc sản, quà lưu niệm và sử dụng các dịch vụ du lịch như ăn uống, phòng nghỉ, vui chơi giải trí, tham quan vườn dâu… Thậm chí, đội ngũ này còn sử dụng các biện pháp bạo lực, đe dọa các tài xế lái xe, hướng dẫn viên và du khách, bắt buộc những người này mua sắm và sử dụng các dịch vụ tại một số địa chỉ trên địa bàn.
Tin vào các lời chào mời về cửa hàng “Đặc sản Đà Lạt”, “Lò mứt” hay “Vườn dâu” … của giới “cò du lịch”, nhiều khách tham quan phải mua hàng chất lượng không đảm bảo hoặc với giá cao hơn thị trường. Lãnh đạo tỉnh cho biết, tình trạng này đang làm giảm uy tín và hình ảnh du lịch của Đà Lạt – Lâm Đồng nên phải cần sớm xử lý dứt điểm.
Theo đó, lực lượng công an sẽ tăng cường kiểm tra và yêu cầu các cơ sở ký cam kết và công khai niêm yết không sử dụng “cò du lịch” chèn ép khách. Quản lý thị trường chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ tại các địa điểm phục vụ du lịch. Về dài hạn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng sẽ vận động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch triển khai áp dụng công nhận danh hiệu “dịch vụ du lịch đạt chuẩn”.
“Cò ở Đà Lạt thì có lâu rồi. Cò khách sạn thì bạt ngàn, đâu cũng có. Cò đồ lưu niệm hay đi vườn dâu thì tập trung ở khu Hồ Tuyền Lâm. Taxi làm cò cũng nhiều, lên taxi là hỏi chỗ ăn thì rất dễ bị 'dính', chở đi mấy chỗ giá mắc. Nói chung kinh nghiệm đi Đà Lạt, nếu muốn hỏi thông tin thì nhìn mặt mà hỏi chứ đừng đụng đâu hỏi đó, sẽ gặp cò”, anh Phạm Tuấn Anh (Gò Vấp, TP HCM) – một khách du lịch thường xuyên đi Đà Lạt cho biết.
“Tôi có đi Đà Lạt được ba lần. Lần đầu thì cũng có gặp cò phòng khách sạn hay cò taxi này nọ nhưng thấy cũng bình thường. Lần gần đây thì tôi đi theo nhóm tự túc, cũng không bị làm phiền gì. Kinh nghiệm là mình chuẩn bị kỹ lịch trình của mình rồi theo đó cứ đi để không lóng ngóng. Hơn nữa, nhóm tôi chọn đi những điểm xa, mới lạ hơn các điểm quen thuộc nên cò cũng không lui tới”, anh Bảo Đương (Bình Thạnh) vừa trở về từ Đà Lạt vào tuần trước chia sẻ.
Đến hiện tại, theo phản ánh của nhiều khách du lịch, tình hình “cò” trong các ngày lễ 30/4 – 1/5 vẫn đang phát triển khá sôi động tại Đà Lạt. “Cò” hiện tập trung đông ở các điểm du lịch gần trung tâm như Vườn hoa Đà Lạt, Thung Lũng Tình Yêu, dọc theo tuyến đường Mai Anh Đào, Phù Đổng Thiên Vương – nơi tập trung nhiều quầy hàng bán “đặc sản Đà Lạt”. Một số thông tin tiết lộ rằng, giới cò du lịch có thể được các “quầy đặc sản” chia từ 30% đến 40% hoa hồng trong dịp này nên sẵn sàng “ra quân” khá rầm rộ.
Lâm Đồng cho biết, trong 4 tháng đầu năm, khách du lịch đến tỉnh này tiếp tục tăng khá, với hơn 2 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế gần 148.000 lượt, khách nội địa hơn 1,7 triệu lượt. Riêng trong tháng 4/2017, khách quốc tế đến tỉnh này đạt 36.200 lượt, tăng gần 50% so với cùng kỳ 2016. Trong khi đó, khách nội địa duy trì ổn định, chỉ tăng nhẹ 2,9% với gần 510.000 lượt.