Cô đơn là một nỗi đau tinh thần do thiếu các mối quan hệ hài hòa, hoặc ít nhất là nhận thức về việc thiếu các mối quan hệ. Cô đơn phản ánh sự vắng mặt của việc kết nối, không phải sự vắng mặt của mọi người. Nguyên nhân của sự cô đơn bao gồm những thay đổi trong cuộc sống dẫn đến sự cô lập với xã hội, chẳng hạn như chuyển đến một nơi ở mới, đau buồn về cái chết hoặc kết thúc một mối quan hệ.
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố sự cô đơn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn thế giới và thành lập Ủy ban Kết nối Xã hội (CSC) mới để giải quyết “mối đe dọa sức khỏe khẩn cấp” này. Mục tiêu chính của CSC thúc đẩy việc công nhận sự cô đơn là ưu tiên sức khỏe cộng đồng toàn cầu và cung cấp nguồn lực để phát triển các giải pháp dựa trên bằng chứng để triển khai trên toàn thế giới.
Dựa trên đánh giá của WHO, tình trạng cô đơn xuất hiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hàng loạt hoạt động kinh tế và xã hội, làm gia tăng mức độ cô độc của nhiều người. Vấn đề này cũng được chú ý nhiều hơn khi ngày càng nhiều người nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần. Trái ngược với nhận thức chung rằng sự cô lập và cô đơn chủ yếu ảnh hưởng đến người già ở các nước phát triển, trên thực tế mọi người ở mọi lứa tuổi và khu vực trên toàn cầu đều bị ảnh hưởng. Tỷ lệ mắc bệnh ở các nước thu nhập thấp và trung bình tương đương hoặc thậm chí cao hơn ở các nước thu nhập cao.
Báo cáo của WHO ước tính 1/4 người cao tuổi trên toàn cầu cảm thấy bị cô lập về mặt xã hội, với tỷ lệ cao nhất ở khu vực Đông Địa Trung Hải là 46,1%. Trong số thanh, thiếu niên, 5 - 15% trải qua sự cô đơn, với tỷ lệ cao nhất ở khu vực Đông Địa Trung Hải là 14,4%, tiếp theo là châu Phi với 12,7% và thấp nhất ở châu Âu với 5,3%. Sự cô lập và cô đơn trong xã hội là những vấn đề phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Từ trước đến nay, cô đơn vẫn được coi là trạng thái cảm xúc, bao gồm các cảm giác tiêu cực của con người. Dù chỉ là về mặt cảm xúc nhưng cô đơn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần và thể chất của con người. Trong những trường hợp rất nghiêm trọng, sự cô đơn đã được biết đến là nguyên nhân dẫn đến suy nghĩ tự tử và có thể khiến bạn kết liễu cuộc đời mình.
Đối với người trẻ, trạng thái cô đơn có mối quan hệ mật thiết với các vấn đề sức khỏe tâm thần. Những người trẻ cô đơn có nhiều khả năng trải qua tỷ lệ trầm cảm, lo âu xã hội và hoang tưởng cao hơn. Mức độ cô đơn cao làm tăng 12% nguy cơ bị trầm cảm ở người trưởng thành trẻ tuổi và 10% mắc chứng lo âu xã hội. Đối với người cao tuổi, sự cô đơn có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ lên 50% và bệnh động mạch vành hoặc đột quỵ lên 30%.
Tiến sĩ Karen DeSalvo, thành viên của Ủy ban về kết nối xã hội (WHO) cho biết: “Tôi hy vọng ủy ban mới của WHO sẽ giúp các hệ thống y tế trên toàn thế giới biết cách giải quyết tốt hơn mối liên hệ giữa sự cô đơn và tình trạng sức khỏe kém - vấn đề chúng ta không thể xem nhẹ được nữa”.