“Đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động trong ngành dệt may Việt Nam” là dự án được hợp tác giữa Công đoàn Việt Nam và Hà Lan nhằm thúc đẩy đối thoại giữa người lao động - ban giám đốc công ty và thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp tại các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Dự án được triển khai trong vòng 3 năm, tập trung trong ngành dệt may ở Hưng Yên và hai tỉnh thí điểm khác và TP HCM và Đồng Nai, để từ đó có thể nhân rộng, triển khai tại các doanh nghiệp khác trong ngành dệt may và các ngành khác.
Có thể nói, việc đối thoại giữa người lao động – ban giám đốc đã mang lại cho người lao động cảm giác yên tâm hơn vì “cảm thấy như buôn có bạn, bán có phường, được chia sẻ và bảo vệ”. Chị Đồng Ngọc Trâm Anh, người lao động tại Mabuchi Motor Việt Nam cho biết: “Hiện nay chúng tôi có thể tiếp cận ban quản lý dễ dàng.
Điều này làm cho những người công nhân như chúng tôi cảm thấy tiếng nói của mình luôn được lắng nghe và chúng tôi không còn muốn đình công nữa”. “Không còn muốn đình công nữa” cũng là tin vui mà nhiều người sử dụng lao động có thể cảm nhận được, như lời chia sẻ của quản lý Nhà máy dệt may C-Site Texpia Pt: “Sau khi đạt được thỏa ước lao động tập thể và đối thoại với người lao động, không còn cảnh đình công tại nhà máy nữa”.
Về phía người sử dụng lao động và doanh nghiệp, việc đối thoại giữa người lao động - ban giám đốc đã giúp đôi bên hiểu nhau để từ đó gắn bó với nhau vững bền hơn. Ông Phạm Hoàng Đức Nam - Phó Giám đốc Mabuchi Motor chỉ ra rằng năng suất lao động tăng 44% trong 6 năm từ năm 2008 đến năm 2014 và tỷ lệ công nhân “nhảy việc” giảm từ 3%/tháng năm 2008 xuống còn 1%/tháng trong năm 2014.
Không những thế, việc thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp đã giúp các doanh nghiệp có cơ hội ngồi lại với nhau để liên kết, bàn bạc về kinh doanh, sản phẩm, giá bán...
Bộ luật Lao động Việt Nam đang sửa đổi bổ sung để phù hợp với các Công ước, Hiệp ước đã ký kết trong lĩnh vực lao động. Tuy nhiên, ngay ở các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về lao động thì việc đối thoại giữa người lao động - ban giám đốc công ty và thương lượng tập thể cũng đã được đề cập.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay nhận thức của các bên về đối thoại xã hội còn chưa đầy đủ, trong khi đó vai trò của đối thoại xã hội trong quan hệ lao động là không thể thiếu.
Dự án “Đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động trong ngành dệt may Việt Nam” khẳng định vai trò của đối thoại xã hội đồng thời chuẩn bị năng lực cho đội ngũ cán bộ để họ có thể tiến hành đối thoại xã hội, qua đó góp phần thực hiện tốt Bộ luật Lao động.
Là một trong những đại diện của người sử dụng lao động và người lao động được tham gia đợt tập huấn, nghiên cứu, khảo sát mô hình về đối thoại xã hội tại Hà Lan, ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết, đối thoại xã hội đã đề cao quan hệ giữa con người với con người thông qua lắng nghe và thấu hiểu, để từ đó môi trường làm việc trong doanh nghiệp được cải thiện tốt hơn.