Một bé gái 11 tuổi ở Yemen phản đối việc bố mẹ buộc em kết hôn. Nhờ YouTube, tiếng nói phản kháng của em đang được cả thế giới lắng nghe và hưởng ứng, như một minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của truyền thông “thế giới phẳng”.
Bé Nada Al Ahda tự quay clip tung lên mạng phản đối việc em bị ép lấy chồng sớm. |
Dọa tự vẫn nếu bị cha mẹ ép lấy chồng
Video clip của bé gái Yemen trên mạng YouTube này đã được hàng triệu lượt xem. Đoạn phim dài hơn 2 phút rưỡi ghi hình ảnh bé gái Nada Al-Ahdah “tố” bố mẹ đã toan tính gả em đi để lấy tiền.
Bé Nada đặt nhiều câu hỏi gay gắt: “Bố mẹ hạnh phúc khi gả con đi?”, “Thế nào là sự ngây thơ của tuổi ấu thơ?”, “Trẻ con làm gì sai mà cha mẹ muốn gả đi như thế”. Cô bé nói rõ: “Chết là sự lựa chọn tốt hơn cho con”.
Đoạn phim nói trên làm dậy sóng dư luận Yemen và cả thế giới. Phóng viên trong và ngoài nước đã lặn lội tìm kiếm Nada để tìm hiểu sự thật. Phóng viên đài CNN đã gặp và phỏng vấn Nada tại nhà người chú của cô bé ở thủ đô Sanaa. Trước đó, Nada đã rời nhà cha mẹ ở vùng quê nghèo Hodeida để tới ở với chú.
Nói chuyện với phóng viên CNN, cô bé cho biết đã nhờ một người bạn quay đoạn phim và đưa lên mạng YouTube để thế giới biết những gì các bé gái Yemen phải chịu đựng.
Giải thích lý do rời nhà cha mẹ, bé gái nói: “Con chạy trốn hôn nhân, con chạy trốn sự ngu dốt, con chạy trốn khỏi việc bị mua và bán”. Em khẳng định: “Con thà tự tử hơn là kết hôn”.
Bố mẹ cô bé lên tiếng họ không hề ép buộc con gái mình kết hôn. Tuy nhiên, vài ngày sau, Bộ Nội vụ Yemen vào cuộc, đưa Nada ra khỏi nhà người chú của em và đặt em dưới sự bảo trợ của Hội phụ nữ. Chủ tịch Hội phụ nữ nước này được chỉ định làm người bảo vệ hợp pháp tạm thời cho cô bé.
Vào cuối tháng 7/2013, Chủ tịch Hội Phụ nữ đã tổ chức cuộc gặp gỡ giữa Nada với bố mẹ và chú của em, với sự chứng kiến của một số phóng viên trong và ngoài nước. Nada đối chất với bố mẹ về việc họ có bắt em lấy chồng như em đã nói trong đoạn phim hay không.
Thật khó khẳng định ai nói thật và ai nói dối trong chuyện này. Đại diện Hội phụ nữ kết luận: “Tôi không quan tâm điều gì tốt nhất cho mẹ, hay cha, hay chú của Nada. Tôi chỉ quan tâm tới điều gì tốt nhất cho bé gái”.
Trong cuộc gặp gỡ này, cô bé cũng lên tiếng khẩn cầu: “Ở nông thôn không có lớp học tiếng Anh, không có lớp vi tính. Xin cho con ở lại Sanaa và học ở đây”.
Mọi người đang bàn tính để giúp em đạt được ước muốn đó với sự giúp đỡ của Hội phụ nữ. Một bé gái nói lên niềm khao khát được học tập, được tiến bộ, được thoát khỏi cảnh đời u tối dành sẵn cho những bé gái con nhà nghèo ở vùng quê nghèo của một trong những nước nghèo nhất thế giới. Tiếng nói của em làm thổn thức con tim của nhiều người.
Từng có một câu chuyện tương tự về sự dũng cảm phản kháng của một bé gái trước hôn nhân ép buộc, cũng xảy ra tại Yemen.
Đó là trường hợp của Nujood Ali bị cha mẹ bắt gả cho một người đàn ông 30 tuổi vào năm 2008, khi em mới 10 tuổi, theo một hợp đồng có sẵn. Chịu không thấu việc bị gia đình chồng đánh đập và hiếp dâm, chỉ hai tháng sau ngày bị đưa về nhà chồng, cô bé bỏ trốn.
Được người lớn mách bảo, Nujood đi thẳng đến tòa án để xin ly dị chồng. Một mình, chẳng biết phải gặp ai và làm gì, cô bé lẩn quẩn ở tòa đến nửa ngày. Rất may cho em, một thẩm phán thấy lạ nên hỏi chuyện.
Cả cha và chồng của Nujood bị bắt giam, còn em được ở tạm nhà của ông thẩm phán. Cô bé còn được một nữ luật sư tên Shada Nasser giúp đỡ trong vụ kiện ly dị. Shada Nasser là nữ luật sư đầu tiên mở văn phòng luật tại Yemen.
Bé gái Nujood Ali từng gây chấn động dư luận Yemen khi một mình đến tòa xin ly dị chồng. |
Khi ra tòa, chồng của cô bé không đồng ý ly dị mà đề nghị vợ chồng tạm ở xa nhau khoảng 3 – 5 năm, sau đó trở lại sống chung. Cô bé không đồng ý. Nhờ một người tốt bụng giúp đỡ, cô bé có tiền trả cho người chồng để anh ta chấp nhận ly dị.
Cuối cùng, cô bé được giải thoát. Tiền thu được từ quyển tự truyện của cô xuất bản năm 2009 giúp Nujood sống cuộc sống tự lập và được học hành. Một tạp chí của Mỹ đã bình chọn cô bé và nữ luật sư là phụ nữ của năm 2008.
Bộ luật “tù mù” chỉ tồn tại trên giấy
Bao nhiêu năm qua, áp lực từ những người bảo thủ và quá khích đè nặng lên những cô dâu trẻ con ở Yemen đời này qua đời khác, phải im lặng chịu đựng những gì đã dành sẵn cho họ. Họ bị thất học, bị buộc làm nô lệ tình dục suốt đời cho người chồng có khi đáng tuổi cha, ông mình, bị các vấn đề về sức khỏe kinh niên do phải sinh con quá sớm, không ít người chết khi sinh con hay bị bạo dâm.
Có thể liệt kê ra hàng loạt trường hợp thương tâm như sau: Fawziya Abdullah, 12 tuổi, ở tỉnh Hodeida chết năm 2010. Năm 11 tuổi Fawziya bị gả cho một nông dân 24 tuổi, rồi có mang, sinh khó, con chết, mẹ cũng chết vì mất nhiều máu.
Elham Assi, 13 tuổi, ở làng quê nghèo Shueba. Năm 2010, Elham Assi bị bắt kết hôn theo một thỏa thuận giữa người chồng và anh trai của cô bé. Hai người đàn ông đồng ý gả em gái cho nhau để không phải tốn tiền mua cô dâu trẻ em.
Chỉ vài ngày sau khi về nhà chồng Hikmi đã chết vì bị chồng bạo dâm. Trước khi chết, người vợ trẻ con kể với mẹ em đã bị chồng trói và quan hệ tình dục rất thô bạo đến bất tỉnh. Mặc dù trước đó bác sĩ bảo anh ta phải kiêng cữ cho vợ nhưng anh ta không nghe lời, khiến người vợ trẻ con chết thảm...
Những nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ Yemen mong ngóng có luật ấn định tuổi tối thiểu kết hôn. Thực ra, nhiều người cho rằng luật hạn chế tuổi kết hôn được ban hành cũng sẽ không được tuân thủ trong một đất nước mà tất cả đàn ông được khuyến khích bởi câu: “Hãy lấy một đứa con gái 8 tuổi, nó được bảo đảm”, ý muốn nói bé gái đó đảm bảo còn trinh trắng. Biết vậy, nhưng vẫn mong có luật để làm cơ sở chống lại tệ nạn gã bán trẻ em. Thế nhưng sau nhiều năm, luật vẫn còn nằm chờ ở Quốc hội.
Khi Yemen chưa thống nhất, hai miền Nam và Bắc Yemen đều có luật ấn định tuổi tối thiểu kết hôn, 16 tuổi ở miền Nam và 15 tuổi ở miền Bắc. Sau khi thống nhất, tuổi tối thiểu kết hôn ở Yemen là 15.
Năm 1999, luật được sửa đổi, theo đó tuổi tối thiểu kết hôn bị hủy, bé gái có thể kết hôn bất cứ tuổi nào. Bộ luật này còn có quy định tỏ vẻ “biết điều”, nhưng lại vô cùng mù mờ khó hiểu là bé gái bị bắt kết hôn “không bị bắt quan hệ tình dục cho tới lúc… có thể”.
Luật này chỉ tồn tại trên giấy, thực tế không được thi hành. Bé gái khi về nhà chồng và bị ép buộc quan hệ tình dục là điều thường xuyên xảy ra.
Sau vụ Nujood, tháng 2/2009, Quốc hội Yemen thông qua dự luật nâng tuổi tối thiểu kết hôn lên 17 đối với nữ và 18 đối với nam. Bố mẹ nào vi phạm luật sẽ bị tù tới một năm. Luật đã thông qua nhưng không ký ban hành được vì bị Ủy ban Sharia (Sharia: Luật Hồi giáo) và các giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu quyết rằng nó vi phạm luật Hồi giáo. Nhiều cuộc biểu tình phản đối hạn chế tuổi kết hôn cũng được tổ chức để gây áp lực Luật bị đưa trả lại xem xét. Quốc hội dự trù biểu quyết lại dự luật và vẫn chưa đưa ra ngày cụ thể.
Theo Xa lộ pháp luật