Cần đánh giá kỹ hơn về “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Những tồn tại, hạn chế này, theo Đoàn giám sát xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan, chủ quan. Đó là: Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông là nhiệm vụ mới, khó, diễn ra trong bối cảnh ngành Giáo dục đang tập trung hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đúng vào thời điểm đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Việc tổ chức dạy học, tập huấn cho đội ngũ giáo viên phải tổ chức chủ yếu bằng hình thức trực tuyến. Công tác thi, kiểm tra, đánh giá gặp nhiều khó khăn.
Số lượng cơ sở giáo dục phổ thông lớn, phạm vi triển khai rộng. Điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương khác nhau, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ các nhu cầu. Chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao. Trình độ và khả năng tiếp thu của học sinh ở các địa bàn khác nhau có sự chênh lệch.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đổi mới giáo dục phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cuộc đổi mới có chiều sâu, toàn diện và triệt để nhất so với các lần đổi mới trước đây đã thực hiện, kể từ giữa thế kỷ 20. Bộ trưởng cho biết: Lần đổi mới này khác về tư tưởng chỉ đạo, về tinh thần và triết lý giáo dục, mục tiêu, phương pháp, cách thức… trong đó lấy phát triển toàn diện con người làm chỉ hướng, trên cơ sở đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Làm khởi đầu để có những thế hệ con người Việt Nam mới biết sống, sống hạnh phúc và cùng nhau, truy cầu hạnh phúc cho cả cộng đồng, cho sự phát triển đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần đánh giá kỹ hơn về chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai. Đồng thời, đánh giá chương trình và các nội dung trong các bộ sách giáo khoa đã đáp ứng được yêu cầu mục tiêu xuyên suốt của cải cách lần này là chuyển trọng tâm từ cung cấp và truyền thụ kiến thức sang trọng tâm là nâng cao năng lực và phẩm chất người học hay chưa?
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thực hiện chương trình này chưa lâu còn phải tiếp tục theo dõi và đánh giá. Nhấn mạnh với tinh thần cầu thị, cần phải tiếp tục xem xét chương trình này; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá việc tích hợp các môn học ở bậc THCS. Đồng thời đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục, thi, kiểm tra…
Về vấn đề chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là chủ trương đúng, tuy nhiên cần phải đánh giá kỹ cách hiểu về Nghị quyết số 88/2014/QH13. Theo đó, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nhưng vẫn phải bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao và cho rằng, cần tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng, “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, ưu tiên bố trí đầy đủ ngân sách cho giáo dục và đào tạo theo quy định. Đồng thời, rà soát, đánh giá tác động về việc tích hợp nội dung các môn học ở bậc THCS...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành phương pháp định giá sách giáo khoa, theo quy định của Luật Giá vừa được Quốc hội thông qua, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa. Chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về lựa chọn sách giáo khoa theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục và việc sử dụng sách giáo khoa của học sinh.
Đề nghị Chính phủ nghiên cứu thấu đáo, đánh giá tác động, nêu rõ những khó khăn, hạn chế, làm rõ trách nhiệm khi chưa có 1 bộ sách giáo khoa của Nhà nước theo tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội; xem xét trình Quốc hội cho ý kiến về chủ trương giao Bộ GĐ&ĐT chuẩn bị một bộ sách giáo khoa của Nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 88. Có cơ chế miễn tiền bản quyền với việc xuất bản bộ sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả. Việc in, phát hành, cung ứng sách khoa thực hiện theo cơ chế xã hội hóa. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa theo đúng tinh thần Nghị quyết 88.
Làm sao để giáo viên sống được bằng nghề?
Có nên có thêm một bộ sách giáo khoa Quốc gia? (Ảnh minh họa). |
Với vấn đề Đoàn giám sát nêu trong nhóm giải pháp về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là “nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức cân nhắc điều này, cân nhắc bỏ điều này khỏi nội dung Nghị quyết.
Bộ trưởng lý giải: Dường như vẫn đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của sách giáo khoa trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới. Nhà nước nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh. Còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.
Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không? Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?
Theo Bộ trưởng, điều này liên quan tới tinh thần cốt lõi của đổi mới. Bộ GD&ĐT đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về sách giáo khoa, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng sách giáo khoa và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học. “Vấn đề lớn lúc này là tiến hành đổi mới theo chiều sâu, đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá, gia tăng chiều chất lượng của đổi mới, tăng cường các điều kiện cho đổi mới thành công, cố gắng ổn định chính sách cho tới hết chu kỳ đổi mới, sau năm 2025 khi có những sản phẩm đầu ra thực sự của chương trình mới rồi tính tới những điều chỉnh chính sách lớn nếu có”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Gửi kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngoài Nghị quyết giám sát chuyên đề này, nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục, cần có nhất lúc này là một Nghị quyết giao cho Bộ GD&ĐT chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện bảo đảm cho đổi mới giáo dục. Đặc biệt và quan trọng nhất làm sao cho đủ giáo viên, làm sao thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới, hết lòng vì học trò, gánh vác tốt và yên tâm với công việc nặng nhọc nhiều áp lực.
“Nhân tố quyết định thành công đổi mới là yếu tố con người, là thầy cô giáo. Giới hạn của số lượng và chất lượng nhà giáo, giới hạn của năng lực và trình độ của nhà giáo là giới hạn của đổi mới và giới hạn chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, cũng cần đủ trường lớp, trường lớp được kiên cố, khang trang, đủ nhà công vụ cho giáo viên vùng xa, đủ nhà vệ sinh cho trường học, đủ trang thiết bị cho giáo dục, đủ đầu tư tài chính cho các hoạt động… Nếu không có những cái tối thiểu đó thì ngành Giáo dục, các nhà giáo có nỗ lực mấy cũng khó đạt được các kỳ vọng và mục tiêu lớn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Câu chuyện sách giáo khoa
Sau 3 năm thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” và cho phép các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa, nhiều bất cập nảy sinh.
Trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhận định, sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ngoài những mặt tích cực thì còn các hạn chế như xảy ra nhiều sạn, có các ngữ liệu, nội dung không phù hợp, gây bức xúc dư luận.
Giá sách cao gấp 3 - 4 lần so với sách của chương trình cũ. Vấn đề lựa chọn SGK phức tạp, tập trung vào một hội đồng cấp tỉnh, khiến sách được chọn đôi khi không đúng với mong muốn của giáo viên, học sinh, phụ huynh. Việc lựa chọn sách chậm, dẫn tới đấu thầu, in ấn bị động và thường xuyên SGK mới bị chậm trễ trong việc phát hành.
Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra những yêu cầu: Cần đánh giá lại mức chiết khấu, chi phí thị trường có thực sự gây ảnh hưởng đến giá SGK không? Hiệu quả của việc chi ngân sách để mua SGK cho thư viện trường học và học sinh khó khăn thế nào?
Đoàn giám sát cũng yêu cầu đánh giá tính cần thiết trong việc sửa quy định để giao quyền chọn sách cho nhà trường, giáo viên, học sinh thay vì UBND cấp tỉnh, thành. Cần đánh giá việc có nên thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK” hay không và việc Bộ GD&ĐT tổ chức một bộ SGK quốc gia để phòng ngừa có sự rủi ro từ SGK xã hội hóa.
Nghị quyết 88/2014/QH13 đã nêu Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12 bên cạnh các SGK xã hội hóa. Nhưng do khó khăn trong việc mời đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tham gia biên soạn nên Bộ GD&ĐT không làm được. Việc này đã được Chính phủ báo cáo và Quốc hội thông qua bỏ yêu cầu Bộ phải tổ chức biên soạn bộ sách. Nhưng trước những bất cập, câu chuyện “bộ sách quốc gia” lại được mang ra bàn thảo.